Cho đến tận ngày nay, nguồn gốc của ngày cá tháng Tư vẫn còn gây tranh cãi với nhiều dị bản khác nhau nhưng phổ biến nhất là giả thuyết liên quan đến vua Pháp, Charles IX.
Ngày cá tháng Tư hay ngày nói dối được cho là bắt nguồn từ nước Pháp, do vua Charles IX khởi xướng. Tuy nhiên, khái niệm Poisson d’avril (tiếng Pháp là cá tháng Tư; tiếng Anh là April fools – sự ngớ ngẩn tháng Tư) lần đầu được nhắc đến bởi nhà thơ người Pháp Eloy d’Amerval (1455-1508).
Năm 1564, vua Charles IX quyết định cải cách niên lịch, đưa ngày tết truyền thống của nước Pháp từ cuối tháng 3 trở về ngày 1/1. Trước đó, người dân Pháp thường đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4, thời điểm bắt đầu mùa xuân (vì 21/3 là ngày Xuân phân).
Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận hệ thống lịch mới của vua Charles. Thời điểm đó cũng chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ.
Điều này khiến những người cấp tiến không hài lòng và khái niệm “ngớ ngẩn” được đặt ra dành cho những kẻ vẫn ăn tết ngày 1/4. Ngày này cũng bị coi là tượng trưng cho sự sai lệch thông tin. Một số người lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1/4 năm đó là “ngày nói dối”. Cũng từ đó, cái tên “ngày nói dối” xuất hiện.
Trong khi đó, khái niệm Poission d’avril ngày cá tháng Tư lại có nguồn gốc khác. Nhà thơ d’Amerval gọi như vậy bởi tháng Tư là tháng của cung Song Ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.
Theo thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày cá tháng Tư mang tính quốc tế, được chấp nhận ở nhiều nước.
Theo Công luận