Với những ứng dụng công nghệ hiệu quả, có trọng điểm, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đang dần rút ngắn thời gian dự báo, nâng độ tin cậy của bản tin.
Hiện ngành KTTV đang thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2 – 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2 – 3 ngày với độ tin cậy 80 – 90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1 – 2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3 – 5 ngày thường đạt 70 – 80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2 – 3 ngày có độ tin cậy 70%. Chất lượng dự báo được nâng lên đã mang đến hiệu quả rõ ràng trong giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Ngành Khí tượng Thuỷ văn nâng cao độ tin cậy của các bản tin dự báo. Ảnh TL
Sự góp sức của ngành khí tượng thủy văn đã góp phần giảm khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017, tương ứng với 40.000 tỷ đồng.
Năm 2019, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử, song nhờ dự báo sớm, mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 9% so với năm 2016.Tiếp nối những kết quả đó, ngành khí tượng thủy văn đang tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ trên con đường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV khẳng định: “Thời gian tới, để hoàn thiện mục tiêu đề ra, ngành khí tượng thủy văn sẽ thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn”.
“Chúng tôi cũng sẽ bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thông qua đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và thuê dịch vụ; ứng dụng phương tiện bay không người lái, số liệu vệ tinh quan trắc trái đất, công nghệ siêu âm, công nghệ ra đa, công nghệ laser, camera kỹ thuật số trong lĩnh vực khí tượng thủy văn”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, ngành KTTV sẽ tiếp tục tích hợp, lồng ghép giữa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia với các trạm quan trắc của ngành TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương khác. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám; từng bước làm chủ công nghệ thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn hiện đại; triển khai các đề án, dự án và các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về khí tượng thủy văn.
Để bước vào hành trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ký kết với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành, thực hiện cuộc cách mạng 4.0 và hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dương Lâm
Nguồn Báo điện tử Công Luận