Đến 31/7/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đăk Nông đạt hơn 3.166 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng (+9,6%) so với đầu năm. Ngoài nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn uỷ thác đầu tư từ ngân sách địa phương đạt 197,5 tỷ đồng, tăng 35,6 tỷ đồng so với năm 2020. Doanh số cho vay đạt 719 tỷ đồng với 19.249 lượt khách hàng được vay vốn.
Ngân hàng đã chủ động thực hiện nâng mức vay phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của từng đối tượng thụ hưởng, đã giải ngân mức vay trên 50 triệu đồng cho 3.384 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động với số tiền 2.037 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31/7/2021 đạt 3.080 tỷ đồng với 92.521 khách hàng còn dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình: hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo , nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm,…
Toàn tỉnh có 13.417 hộ nghèo, 7.713 hộ cận nghèo, 9.770 hộ mới thoát nghèo và 61.621 đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp cho 10.633 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm cho 5.846 lao động (43 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); 3.328 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 62.470 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 1.087 căn nhà ở cho hộ nghèo; góp phần giúp cho 29.122 lượt hộ cư trú tại các xã vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các xã khu vực khó khăn, giảm khoảng cách phát triển giữa các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với đơn vị còn lại trong tỉnh; 146 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Có thể nói, các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đăk Nông luôn đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu của các đối tượng chính sách giống như từng nấc thang nâng đỡ người nghèo từng bước chắc chắn thoát nghèo bền vững, mang đến cho họ sự tự tin tạo lập sinh kế, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, tạo thu nhập ổn định, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương. các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh phủ đều các đối tượng yếu thế của xã hội trong hành trình đồng hành “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách chiến thắng nghịch cảnh.
Cùng với đó, các chính sách, cơ chế nâng mức vay theo từng thời kỳ suốt thời gian qua để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển với nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân. Nhờ đó, không chỉ giúp giảm mà còn thoát nghèo bền vững, với mục tiêu cốt lõi là tăng thu nhập. Thu nhập tăng và duy trì ổn định thường xuyên chính là tiền đề để hộ nghèo tăng tiết kiệm, tăng khả năng chống chọi trước những biến cố, rủi ro trong cuộc sống.
Ngoài ra, thu nhập được cải thiện phần nào giúp người nghèo có nguồn lực đầu tư cho con cái học tập, chăm sóc sức khỏe, là điều kiện cơ bản cho con em các hộ nghèo vươn lên trong tương lai. Khi thu nhập được cải thiện, người nghèo sẽ có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu khác mà vốn dĩ từ trước họ bị hạn chế như giáo dục, y tế. Thậm chí còn được lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp hơn với bản thân sau khi được trang bị kiến thức và kỹ năng lao động. Rất nhiều hộ nghèo đã từng bước đổi đời vươn lên ổn định cuộc sống nhờ được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH.
Mục tiêu giảm nghèo đến năm 2030, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh coi tín dụng chính sách xã hội là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh, bền vững; góp phần tích cực thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhất là trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi, với mục tiêu và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn tiếp theo là “Đến năm 2030, cơ bản chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”
Để làm được điều đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ vốn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, từ chất lượng khâu cho vay đến hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch xã, tập trung đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại. Theo dõi sát diễn biến của dịch COVID-19, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội nắm bắt kịp thời những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phù hợp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền rộng rãi và triển khai hiệu quả chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Thế Hiếu