Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đăk Nông đang khẩn trương hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất.
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 05/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn.
Trên cơ sở hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã triển khai tập huấn đến 100% các phòng giao dịch cấp huyện. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, các tổ chính trị xã hội tuyên truyền chính sách mới công khai tại tất cả các điểm giao dịch, UBND cấp xã phường về qui trình thủ tục cho vay, hướng dẫn tạo điều kiện để người sử dụng lao động đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi nhất.
Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay, thời hạn vay dưới 12 tháng. Hình thức vay gồm: Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động có tham gia BHXH bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/3/2022; Cho vay người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh, đối với khách hàng phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/3/2022; Cho vay người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng, có người lao động tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm vay vốn, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Có thể nói, Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn nhằm đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bỏ lại phía sau” trong đại dịch.
Thế Hiếu