Theo luật sư, không có một quy định nào bắt buộc cấp dưới phải thực hiện toàn bộ mệnh lệnh của cấp trên nếu mệnh lệnh đó là sai.
Tại phiên tòa xét xử 21 bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gây thiệt hại 22.047 tỷ đồng, nguyên Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Văn Cán cho rằng, các nhiệm vụ bị cáo thực hiện (tiến hành các thủ tục để giao đất không qua đấu giá cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ) đều theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, nhưng không nằm trong phe nhóm lợi ích nào của Đà Nẵng.
“Tôi là cấp dưới, trên đe dưới phải sợ, chứ tôi không được một chút gì có ý kiến tham mưu của mình trong này”, bị cáo Nguyễn Văn Cán trình bày.
Tại phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG trước đó, bị cáo Trương Minh Tuấn khai các văn bản mình ký để MobiFone mua AVG đều làm theo chỉ đạo và bút phê của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Tương tự, bị cáo Lê Nam Trà khai đã được bị cáo Son yêu cầu ký hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần vào ngày 25/12, ông Trà nói đã giao cho Tổng giám đốc Cao Duy Hải ký và đề nghị Bộ trưởng xem lại.
“Tuy nhiên, Bộ trưởng Son vẫn yêu cầu tôi phải trực tiếp ký. Từ lúc Bộ trưởng phát lệnh đến giờ đặt bút ký hợp đồng chỉ có đúng một tiếng đồng hồ”, bị cáo Trà khai trước tòa.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các đồng phạm. Ảnh: TTXVN
Từ những vụ việc trên, một câu hỏi được đặt ra là: liệu cấp dưới có bắt buộc phải thực hiện chỉ đạo theo kiểu bút phê hay miệng phê sai luật của cấp trên hay không?
Trả lời câu hỏi này, LS Trương Xuân Tám, Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị, mệnh lệnh hành chính là phải chấp hành thế nhưng nếu biết mệnh lệnh đó của cấp trên trái pháp luật thì không ai có thể buộc người cấp dưới đó phải chấp hành.
Nhấn mạnh về quyền lựa chọn có thực thi mệnh lệnh hay không của cấp dưới, LS Tám cho hay: “Không có quy định nào bắt buộc cấp dưới phải thực hiện 100% mệnh lệnh của cấp trên nếu mệnh lệnh đó là sai.
Nếu người đủ nhận thức để biết đó là mệnh lệnh sai luật mà vẫn thực hiện thì người thực hiện phạm tội, dù có tình tiết giảm nhẹ: vai trò là cấp dưới, phần nào tin tưởng hay phải chấp hành yêu cầu của cấp trên.
Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, thấy cái gì trái pháp luật thì phải báo cáo lại hoặc từ chối”.
Theo vị luật sư, thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc cán bộ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì từ chối không thực hiện mệnh lệnh sai trái của cấp trên, hoặc có báo cáo lại bảo lưu không ký.
Dĩ nhiên, bản thân người cán bộ đó phải đứng trước một lựa chọn khó khăn và có thể thấy rõ một cái kết cho mình: bị cho nghỉ việc hoặc phải tự xin chuyển đi nơi khác vì chống lại hành vi vi phạm của cấp trên.
“Nhưng như vậy còn hơn là anh vẫn cứ thực hiện, dù có nhận lợi ích hay không thì cũng là hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát lãng phí cho tài sản nhà nước, khi ấy anh không thể vô can hay được miễn trách nhiệm hình sự. Đó là điều mà người thực hiện mệnh lệnh sai luật của cấp trên phải lường trước và sẵn sàng gánh chịu hậu quả nếu thực thi”, LS Trương Xuân Tám nói.
Một thực tế nữa được Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đó là có nhiều trường hợp trước mệnh lệnh sai luật của cấp trên đã bảo lưu quan điểm của mình, rồi phải miễn cưỡng, bắt buộc thực hiện mệnh lệnh ấy khi không còn lựa chọn nào khác, nghĩa là mập mờ giữa đúng và sai cũng được cơ quan pháp luật, tố tụng hình sự miễn trách nhiệm hình sự.
“Không phải trường hợp nào cũng khởi tố, bắt giam tất cả một loạt cấp dưới nhưng cũng đến một giới hạn: đủ nhận thức việc ấy là sai trái. Chẳng hạn, đất đai thay vì phải mang ra đấu giá lại không đấu giá, tiến hành chỉ định/giao đất, gây thiệt hại cho nhà nước mà vẫn cứ làm ngơ, hoặc có thể nhận lợi ích vật chất, quà cáp, hoặc không nhận/nhận mà không ai biết, không khai ra, không có chứng cứ… thì đương nhiên bị xử lý”, LS Tám dẫn ví dụ.
Khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, theo luật sư, để tự bảo vệ mình trước mỗi mệnh lệnh theo kiểu bút phê, miệng phê của cấp trên, mỗi cán bộ, công chức, người làm thuê nói chung phải xem cái gì đúng, cái gì sai, nếu băn khoăn thì phải hỏi rõ, báo cáo lại, không được nhắm mắt thực hiện một cách mù quáng.
“Khi sếp có “miệng phê” sai luật, cấp dưới có thể xin ý kiến sếp bằng văn bản hay mail, tin nhắn để làm bằng chứng sau này khi cần thiết.
Nếu báo cáo lại rồi cấp trên vẫn tiếp tục ra văn bản yêu cầu làm, cấp dưới vẫn phải thi hành, song khi đó phải báo cáo bằng văn bản với cấp trên của người đã ra quyết định để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý sau này.
Nếu mệnh lệnh của cấp trên sai luật mà cấp dưới vẫn thực thi thì người trực tiếp thực hiện mệnh lện ấy sẽ phải chịu trách nhiệm”, LS Trương Xuân Tám cho hay.
Ông cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp nhận được chỉ đạo miệng của cấp trên ở địa phương. Khi ấy, ông đã tư vấn cho doanh nghiệp về làm văn bản báo cáo để cấp trên cho ý kiến bằng văn bản.
“Nếu cứ theo lệnh miệng thì rồi “lời nói gió bay”, các sếp có ra tòa cũng không ai chịu nhận mình đã chỉ đạo và chuyện đổ qua đổ lại trở thành chuyện thường tình ở các phiên tòa.
Chưa kể có một điệp khúc là: sau khi đổ cho cấp dưới báo cáo sai, cấp trên lại ra vẻ đạo đức đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ mức án cho cấp dưới của mình, trong khi trước đó vị sếp ấy đã chỉ đạo miệng khiến cấp dưới làm sai, lôi cả một guồng máy vào vòng tố tụng”, LS Trương Xuân Tám nhấn mạnh.
Thành Luân