“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

9:18 | 22/07/2024

Trên Tạp chí “Văn hiến Việt Nam” số tháng 5 – 6/2024, Đạo diễn, NSND Lê Chức đã “trân trọng gửi đến quê hương thân yêu với sự tri ân” bản trường ca “Người Hải Phòng”, hoàn thành tháng 4/2024.

Đạo diễn, NSND Lê Chức.

Giống như bản giao hưởng trong âm nhạc, trường ca phóng túng về giai điệu – ca từ – câu chữ, đôi chỗ miên man bởi những trữ tình ngoại đề… Nhưng bao giờ cũng có cấu tứ rõ ràng, bố cục chặt chẽ, tư tưởng và cảm xúc dào dạt, gắn bó; luôn tạo nên mạch thi tứ và hệ thống thi ảnh nhất quán, nhằm kể một câu chuyện đời – chuyện người và nêu bật một chủ đề tư tưởng nào đó. Trường ca “Người Hải Phòng” quy mô không đồ sộ; chỉ gồm 150 dòng thơ tự do, có xen một số dòng lục bát; nhưng nó có đủ những đặc điểm cơ bản của thể loại.

Trường ca dồn nén, chất chứa ý – tình – hình – nhạc, trong 12 khúc thơ. Mỗi khúc dài ngắn khác nhau, có chủ điểm riêng. Nhưng tập trung khai triển chủ đề nhất quán, thể hiện niềm tự hào cao cả về “Người Hải Phòng”. Nhân vật trữ tình mang tính cộng đồng, được đặt trong “thời gian đằng đẵng – không gia mênh mông”; có môi trường sinh tồn rất đặc trưng; có lịch sử và văn hóa khá riêng biệt, góp phần làm nên khí chất, cốt cách người Hải Phòng (HP).

12 dòng mở đầu không đặt tên, không đánh số. Nhưng“Giữa không gian bao la/ Giữa thời gian không bao giờ ngưng nghỉ” là đầy ắp những chất liệu rất HP. Trước mặt bao giờ cũng là “biển mênh mông…Ngư phủ Hải Phòng tay không chém gió/ Tù và hòa vào sóng/ trùng khơi…Biển có trước tôi, nên Biển vui cười và “đau trước tôi”. Nói tới HP là nói tới “Sóng đè lên Sóng/ Kim lá Phi lao xao động/ Li ti phủ vàng những Mộ gió Hồn hoang”. Thật là ám thị về không gian từ thưở dân về mở đất, đè sóng lấn biển ra khơi. Công cuộc chinh phục ấy đã biến HP thành nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiên phong mở lối về phía Mặt trời.

Ảnh Hải Phòng. 

Tiếp theo là 12 khúc ca. Mỗi khúc có một tựa đề riêng, bao gồm:

1- “Áp vào đất”, để nghe “tiếng ngựa hí quân reo”, thời “Đức Bà Lê Chân giục binh giết giặc”, rồi “nén dồn đất chặt, dầy dặn một An Biên”. Từ đó, Hải Phòng thành đất quê xưa, nuôi bao thế hệ trưởng thành: “Chúng tôi lớn lên trên bến cảng…có bao người ra trận/ Bao bạn học “đi xa” mãi mãi không về”. Nhưng cũng có “bao lứa đôi/ thành chồng thành vợ”, để cho HP tiếp nối sinh sôi.    

2- “Tháng 5”, ở HP là thời khắc của một loài hoa đã trở thành thương hiệu “Màu Phượng vĩ biển lửa ánh trôi hòa thanh âm tiếng Ve cùng điệu(…) Không ở đâu có tháng Năm như thế(…) Không ở đâu có màu hoa như thế(…) Phượng vĩ trả lại cho tôi tuổi học trò”.

3- “Hải Phòng có những tên gọi riêng/ chỉ Hải Phòng mới có”. Đó là những cái tên nghe chẳng thơ đâu”, nhưng là chứng nhân, dấu tích một thời mở cõi. Làng An Biên xưa thành phố thị, Phòng Thành, rồi bước vào thời đô thị hóa buổi thực dân. Những“Cầu Đất/ Cát Dài/ Cát Cụt/ Quán Sỏi/ Ngõ cô Ba Chìa/ Nhà thương làm phúc/ Vườn hoa đưa người/ Mỗi tên gọi là một Định số chơi vơi/ Mồ hôi thợ thuyền mặn mòi muối biển”.

4- “Hải Phòng có những ý niệm vô thường”, “Về sinh tồn/ Về nghĩa tình Biển khát”. Dường như vì sự sống mà người HP tự xa xưa phải bám biển vươn khơi. Cho nên Biển khát được xem là biểu tượng của đất và người Hải Phòng. Họ chấp nhận gian nguy khi đối đầu với sóng to gió cả, bao hiểm họa khôn lường của Biển “Lại nghe Biển gọi sắt son làng Chài.”

5- “Thành phố thợ Hải Phòng”, “Sớm tạo dựng lớp người vô sản của mình/ Cờ búa liềm sớm bay từng ngõ xóm/ Rầm rập bước chân “đòi cơm áo với công bằng”. Hải Phòng đã không nề hà đắm chìm thân xác giữa trùng khơi. Thời thực dân – đế quốc, lại bất chấp “Dùi cui/ Súng nổ/ Nhà tù/ Cơ hàn/ Lam lũ…Gương mặt Nguyễn Đức Cảnh – Ngời sáng tấm gương/ Với khí tiết kiên trung/ Sắt son vững tin lý tưởng”.

6- “Những gót giầy Viễn chinh ngoại bang đã hằn vết Hải Phòng” là khúc thơ tái hiện lại chặng đường lịch sử thời hiện đại, từ “Dồn nén 300 ngày đêm cách biệt”đến những tháng năm“bom trút từ máy bay, thủy lôi khóa biển…đoàn tầu không số/ lầm lũi buồm theo hải trình sinh tử”. Nhưng “Hải Phòng “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Hải Phòng là “pháo đài bên bờ Biển Đông…là Niềm tự hào để Lòng tin cất cánh”.

7- “Dõi theo những Dã tràng lầm lũi xe cát” có thể xem là khúc hát về công tích lặng thầm của các thế hệ con người HP “Những gương mặt người chói rạng lắng suy tư”với khát vọng mãnh liệt “nhanh hơn/ xa hơn/ cao hơn/ đẹp giầu hơn / Để quê biển “nước mặn đồng chua”rũ áo mù sa…bật dậy”.

8.”Người Hải Phòng” vừa lý giải nguồn cội, vừa đúc kết cốt cách những người“ăn sóng nói gió” mà “Vị tha/ Chia sẻ/ Bao dung mọi nhẽ/ Tự nổi trôi/ Tự chèo/ Tự tìm bến đỗ trong muôn nỗi lênh đênh”.

9- “Và…tôi đã có Em”, khi “Con thuyền đời tôi nơi Em tựa lại”. Nhưng Em cũng còn có nghĩa là quê hương hiền dịu, có “tiếng tù và gầm gào/ Giục một lần đi biển – xa hơn”.

10- Chính vì thế, khúc thơ thứ 10, nói về “Cơn thủy triều sớm tối vơi/ đầy con nước”. Nhưng thực ra, lại riêng dành để tri ânMẹ Biển/ Tình Em”. Nó khiến cho ai dẫu có đi muôn xa, vẫn như đàn Hải Âu xao xác gọi bầy, như “Tiếng xích hạ neo cắm sâu làm thành Nỗi nhớ”về Mẹ Biển/Tình Em.

11- Là khúc thơ về “Người Hải Phòng bấm chân vào đất”, nhưng“ngẩng cao hướng vào trời cao rộng/ Xưa nối tiếp nay- như bánh xe Thời gian cuộn về phía trước”.

12- Là khúc hát cuối cùng: “Nhận ra điều chẳng có gì là mãi mãi dài lâu”. Nhà thơ nhận ra cái hữu hạn của kiếp người, nên mới “tâm niệm” ước ao “Nếu có kiếp sau-được chọn/ Tôi vẫn kết phận NGƯỜI HẢI PHÒNG”.

Gọi là chương thơ thì e chưa chuẩn lắm. Nhưng đó thật sự là những khúc ca, giầu âm thanh, nhạc điệu, luôn có những biến tấu khác thường (mà nếu Lê Chức đọc lên bằng giọng điệu của mình thì vừa cuộn trào vừa lắng đọng biết bao). Nó làm nên một tổ khúc, để qua đó thấy hiển hiện lên hình tượng Con người Hải Phòng. Từ thuở xa khơi họ đã luôn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”. Thế hệ nọ, nối tiếp thế hệ kia“trung dũng, kiên cường, quyết thắng”, năng động sáng tạo, trọng nghĩa tình, giầu nhân ái, bao dung hòa hợp, cần lao và tài hoa. Họ xông pha, có chút liều lĩnh, quyết liệt của kẻ biết tạo thời cơ và quyết nắm lấy thời cơ. Đó là cốt cách, phẩm giá đáng trân quý và tự hào của người Hải Phòng. Qua trường ca của Lê Chức, điều mà người đọc còn cảm nhận sâu sắc nhất qua ý tình và thi ảnh là khát vọng mãnh liệt, không thời nào là không có của người HP. Đây là tố chất, là khí cốt để người HP lập nên những kì tích, đổi mới và sáng tạo “Mẹ vươn tay vít bầu trời cho con/ Khép đời trong giấc vuông tròn/ Lại nghe biển gọi sắt son làng Chài/ Người nối người lại vươn khơi…”

Có thể nói, trường ca “Người Hải Phòng” là một thành công mới của văn học về Đất Cảng – thành phố Hoa Phượng đỏ. Nhà thơ thực hiện thật tốt ý đồ nghệ thuật và có cách nói mới mẻ, có đóng góp riêng bởi sự hiểu biết và tri ân sâu nặng – như lời Tạ ơn, từ Tâm hồn của một Người Con quê Biển, ở ngưỡng tuổi 80.

Đinh Thiên Hương


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA