Phim tài liệu “Mẹ Rừng” là một trong những tác phẩm do Tổ hợp truyền thông My Vietnam thực hiện chào mừng Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 nói chung, Ngày hội Văn hóa Cơ Tu nói riêng.
Đây là bộ phim tài liệu sinh thái đầu tiên về người Cơ Tu, được thực hiện gần như bằng tiếng bản địa và có phần chú thích cho khán giả thuận tiện đọc, hiểu. Phim dài 22 phút, được đưa lên tài khoản My Vietnam trên YouTube từ ngày 15-6 để phục vụ miễn phí cho khán giả yêu thích vẻ đẹp của rừng, thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc.
Lấy bối cảnh miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, nơi có một cộng đồng người Cơ Tu sống hòa hợp với rừng suốt nhiều đời nay, phim mở đầu bằng vẻ đẹp hùng vĩ của cánh rừng xanh ngát nằm vắt trên đỉnh núi Zi’liêng. Đó chính là “Vương quốc pơ mu” của người Cơ Tu. Họ tự hào và nghiêm cấm những ai xâm hại đến mẹ rừng, xem những cây pơ mu lâu năm như những vị thần.
Lễ khai năm – tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trong vô số cây ở đây có A’Vụa (hay còn gọi là già A’Vụa), hình dáng như con rồng, hơn 1.000 năm tuổi, được xem là biểu tượng cho sức sống của vùng đất trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử này. Ngoài già A’Vụa còn có già A’Mộ, hình dáng như con hổ, được dân làng tôn kính. Cả hai đều được dân làng xem như thần cây phù hộ, bảo vệ họ.
Sự tồn tại của rừng rất quan trọng đối với người Cơ Tu trên nhiều khía cạnh tín ngưỡng và nhân sinh. Đây là triết lý và là cách ứng xử bao đời của người Cơ Tu đối với mẹ rừng, với môi trường tự nhiên: “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”. Niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đó đã giúp họ bảo tồn và phát triển những khu rừng nguyên sinh trong quá trình lịch sử tộc người.
Người Cơ Tu hiểu rằng họ sống được là nhờ những búp măng tươi, những con cá suối, những cây rau rừng làm phong phú bữa ăn lẫn làm thuốc trị bệnh… Đó là lý do, ngay từ khi khởi thủy ở vùng đất này, người Cơ Tu đã ra quy định cho dân làng: Chỉ được khai thác những cánh rừng nào đã cho phép làm nương rẫy, săn bắn.
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của rừng, ê-kíp làm phim tài liệu “Mẹ Rừng” chọn Lễ khai năm – tạ ơn rừng để làm bối cảnh chủ đạo trong suốt phim. Lễ hội là nét văn hóa truyền thống của đồng bào người Cơ Tu, được tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Ngoài việc khai năm cầu may, lễ hội cũng chính là nguyện ước của người Cơ Tu, mong cho mùa màng bội thu, mong cho sức khỏe đầy đủ, không thiên tai, dịch bệnh…
Do dịch Covid-19, lễ hội tổ chức quy mô nhỏ nhưng vẫn đủ mang đến cho khán giả kiến thức chung về nét văn hóa độc đáo này cùng việc lý giải vì sao người Cơ Tu lại yêu thương rừng, xem rừng là cội nguồn để hết lòng bảo vệ. Phim mang đến cho người xem thêm yêu thiên nhiên với vẻ đẹp hùng vĩ cũng như nét đẹp văn hóa dân tộc được bảo tồn, lưu truyền qua bao thế hệ. Qua đó, tác phẩm lan tỏa tình yêu cũng như trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ rừng.
Phim cũng là một hành động thiết thực để hưởng ứng ngày Bảo vệ rừng 2022 và chung tay thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. “Mẹ Rừng” được thực hiện từ tháng 2-2022, do Hoàng Linh đạo diễn, đoàn từng gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh nhưng vì những mục tiêu chung đã nỗ lực vượt qua trở ngại, hoàn thành tác phẩm.
Minh Khuê
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/net-dep-thien-nhien-va-con-nguoi-trong-me-rung-20220621211104416.htm