Trong năm qua, hoạt động của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đã đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến chất lượng cán bộ Hội và phóng viên thường trú tại địa phương.
Nhiều thách thức đối với cán bộ Hội chuyên trách
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, nhà báo Nguyễn Anh Tú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hải Phòng đã chia sẻ về mong muốn chất lượng hoạt động công tác Hội sẽ ngày càng được nâng cao. Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú để làm được điều này cần có 3 yếu tố: Cán bộ Hội chuyên trách phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm với tổ chức Hội; hội viên phải tích cực, ủng hộ tham gia công tác Hội; đồng thời rất cần có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành ở Trung ương.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2023 vừa được tổ chức tại TP Nha Trang đã lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến, nguyện vọng của Hội nhà báo các tỉnh, thành phố từ những tham luận cũng như những trao đổi bên lề. (Ảnh: Sơn Hải)
Nhà báo Nguyễn Anh Tú cho rằng, với cán bộ Hội chuyên trách – đây là yếu tố hết sức quan trọng, bởi trong bối cảnh hiện nay, việc giới thiệu nhân sự tham gia công tác Hội rất khó khăn, nhiều người ngại tham gia công tác Hội chuyên trách vì thu nhập không hấp dẫn. Nếu còn ở độ tuổi lao động, ngoài khoản lương hàng tháng ra, cán bộ Hội không có thù lao khác, còn với người đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia công tác Hội chuyên trách thì được hưởng một khoản hỗ trợ nhỏ từ tổ chức Hội Nhà báo địa phương chi trả, nên sự lựa chọn tham gia công tác Hội đối với nhiều người là rất nan giải.
Bên cạnh đó, người làm công tác Hội chuyên trách đòi hỏi phải có các phẩm chất nổi trội như: biết quy tụ hội viên, có phương thức và kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào của Hội, đặc biệt là phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động công tác Hội.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú cho rằng, để nâng cao hoạt động công tác Hội, với cán bộ Hội chuyên trách phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm với tổ chức Hội – đây là yếu tố hết sức quan trọng. (Ảnh: Sơn Hải)
Yếu tố thứ hai để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội đó là đối với hội viên rất cần có sự tự giác, nêu cao trách nhiệm, nhiệt tình ủng hộ các phong trào và các công việc của Hội Nhà báo. “Đây là yếu tố quan trọng, nhưng không dễ dàng thực hiện, bởi hầu hết các hội viên nhà báo đều là phóng viên của các cơ quan báo đài, bản thân anh em phải ưu tiên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, sau đó mới dành thời gian cho hoạt động của Hội. Nếu hội viên các cơ quan báo chí không ủng hộ thì Hội Nhà báo địa phương khó lòng hoàn thành nhiệm vụ!
Khi triển khai các cuộc thi báo chí, phong trào văn hóa – xã hội – thể thao mà không có lực lượng tham gia, coi như thất bại. Trong khi thu nhập, đời sống của anh em hội viên, phóng viên phụ thuộc do cơ quan báo chí chi trả. Nếu hội viên không mặn mà với hoạt động của Hội, chưa thấy rõ vai trò của tổ chức Hội, thì việc huy động hội viên tham gia các phong trào của Hội cũng hết sức nan giải”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hải Phòng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú đưa ra đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trong việc định biên số cán bộ Hội được hưởng lương từ ngân sách. Ví dụ Hội Nhà báo cấp tỉnh, thành phố có 100 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế, 200 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế?
Được biết, đến nay Bộ Nội vụ vẫn chưa có thông báo mới về việc bố trí biên chế cho các Hội Nhà báo địa phương. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để các hội viên nhà báo tham gia các hoạt động do Hội tổ chức như: Tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội…
Chất lượng sinh hoạt của hội viên, phóng viên thường trú tại Hội Nhà báo địa phương còn nhiều hạn chế
Phải khách quan thừa nhận rằng, công tác quản lý hội viên, tham gia quản lý báo chí, hoạt động báo chí ở Hội Nhà báo địa phương trong thời gian qua rất khó khăn. Thực tế cho thấy, một số phóng viên tác nghiệp tại cơ sở đã để xảy ra nhiều hiện tượng tắc trách, vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp, về Luật Báo chí nhưng Hội Nhà báo địa phương không biết xử lý ra sao?
Bàn luận về vấn đề này, nhà báo Dương Hoàng – Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trước những vụ việc như vậy, phải làm thế nào giữ được mối quan hệ hài hòa giữa nhà báo và cơ sở – nơi phóng viên đến tác nghiệp nhưng vẫn bảo đảm được tính khách quan và trách nhiệm bảo vệ hội viên của Hội Nhà báo tỉnh, tính thời sự và phản ánh của các bài báo.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt của hội viên, phóng viên thường trú tại Hội nhà báo địa phương là vấn đề đuợc lãnh đạo các cấp Hội rất quan tâm. (Ảnh minh hoạ)
“Trong lúc ấy nhiều phóng viên hoạt động đã có Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên nhưng lại chưa tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương; chưa nằm trong bất cứ tổ chức nào của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là điều nan giải để lại hệ lụy nhiều năm cho các cấp hội địa phương”, nhà báo Dương Hoàng trăn trở.
Nhắc đến tình thình thực tế tại Thừa Thiên Huế, nhà báo Dương Hoàng cho biết, chủ trương đưa phóng viên thường trú là hội viên nhà báo về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương theo Quyết định của Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã tạo nhiều thuận lợi cho cả hai phía trong công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu mà lãnh đạo địa phương đề ra. Hoạt động báo chí ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là tác nghiệp ở xa trung tâm có phần đỡ phức tạp, thực tế mấy năm qua ít và gần như chưa xảy ra vụ việc gì đáng tiếc tại địa phương trên các báo chính thống. Tuy nhiên, vẫn còn một số phóng viên thường trú đủ điều kiện vẫn chưa mặn mà với việc sinh hoạt hội tại địa phương Thừa Thiên Huế.
“Đặc biệt là số phóng viên “có nhiệm vụ” hoạt động liên tỉnh nhưng không sinh hoạt hội ở tỉnh nào cả. Và còn một số phóng viên có Thẻ nhà báo mà chưa vào hội, chưa phải là hội viên nhà báo Việt Nam nên rất khó áp dụng theo Quyết định 979”, nhà báo Dương Hoàng nói.
Theo nhà báo Dương Hoàng, việc đưa phóng viên thường trú – hội viên nhà báo về sinh hoạt Hội tại địa phương sẽ tạo thêm sức mạnh và sự đoàn kết trong hoạt động báo chí đem lại nhiều lợi ích cho công tác hội, công tác quản lý Nhà nước về thông tin báo chí ở địa phương. Để làm tốt việc này hơn nữa trong thời gian tới, ngoài quyết tâm chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam, sự nỗ lực của các cấp Hội Nhà báo địa phương, sự đồng thuận và nhận thức sâu về tinh thần của Quyết định 979 của các hội viên nhà báo thường trú tại địa phương còn rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí – mà đa số là cơ quan báo chí Trung ương đối với từng phóng viên được cử về địa phương thường trú.
Tình trạng Cơ quan thường trú, Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các tạp chí hoạt động trên địa bàn thành phố có biểu hiện “báo hóa tạp chí”, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu cá nhân, tổ chức “len lỏi” trong đội ngũ người làm báo đang là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. (Ảnh: Nguồn Bộ TT&TT)
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, nhà báo Lê Quang Á – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Đà Nẵng cho biết, nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương, cho thấy các hội viên nhà báo đều có nhiều cố gắng trong hoạt động của Hội và công tác chuyên môn. Bám sát sự chỉ đạo và định hướng của các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí mà hội viên đang sinh hoạt, thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các thành quả về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của thành phố.
Song, bên cạnh những mặt tích cực thì tình trạng Cơ quan thường trú, Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các tạp chí hoạt động trên địa bàn thành phố có biểu hiện “báo hóa tạp chí”, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu cá nhân, tổ chức “len lỏi” trong đội ngũ người làm báo.
“Nhiều sở, ngành, địa phương phản ánh thực trạng này xảy ra tại lĩnh vực, địa phương mình phụ trách nhưng vẫn chưa mạnh dạn phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai thực hiện xử lý theo quy định. Nhiều phóng viên thường trú hiện nay không phải là phóng viên chính thức, mà chỉ là cộng tác viên, được cấp giấy giới thiệu hoặc thẻ tác nghiệp chưa được ký hợp đồng lao động, đi lấy tin viết bài, làm “kinh tế cho báo”, làm được đến đâu thì hưởng “hoa hồng” đến đó”, nhà báo Lê Quang Á nhìn nhận.
Qua thực tế trên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đưa ra đề xuất, các cơ quan báo chí cần quan tâm đến việc làm Thẻ cho hội viên, nhà báo cho phóng viên khi có đủ tiêu chuẩn. Các cơ quan đặt Cơ quan thường trú, Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú khi có sự thay đổi nhân sự, địa chỉ văn phòng nên thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng, trong đó có Hội Nhà báo Thành phố để nắm nhân sự mới và thuận tiện trao đổi công việc.
Nhà báo Lê Quang Á kiến nghị, do đặc thù của mỗi tỉnh, thành mỗi khác khi triển khai thực hiện Hướng dẫn 646-HD/HNBVN, do đó, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho phép Hội Nhà báo các tỉnh, thành vừa làm, vừa hoàn thiện, hoặc có thể linh động thay đổi mô hình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Phan Hoà Giang
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoi-gan-voi-xay-dung-boi-duong-chat-luong-hoi-vien-post243466.html