Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan, thế nhưng với cô hộc sinh nghèo Trần Thị Phương Lan- lớp 10A6, Trường THPT Thanh Hòa huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thì lại không được như vậy.
Khi em sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, tù khi em được sinh ra cho đến giờ chưa được biết cha mình là ai, em phải vất vả mưu sinh để giúp đỡ gia đình, “ Em chưa bao giờ con dám đòi hỏi một chiếc áo mới cho ngày khai trường, chưa một lần trong ngày có đủ 3 bữa cơm canh. Từ 3h sáng con phải lên lô cạo mủ thuê, gặp hôm trời mưa thì phải 5-6h mới về tới nhà, vừa mệt, vừa đói, lại phải vội vã đi học cho kịp giờ”- học trò nghèo Trần Thị Phương Lan- lớp 10A6, Trường THPT Thanh Hòa ( Bù Đốp) bắt đầu kể câu chuyện về những cơ cực của mình, giữa hai hàng nước mắt.
Nhà nghèo khó càng cố lo học
Không chỉ lên lô cạo mủ, thời gian rảnh hay ngày nghỉ cuối tuần, cô học trò nghèo đều là dồn cả sức lực cho công việc làm thuê làm mướn…Cũng vì sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh ngay từ nhỏ nên Phương Lan đã không sợ khổ, không sợ đói, em chỉ sợ nếu không có đủ kinh phí để đến trường. Cô học trò nghèo luôn cháy bỏng ước mơ đại học sư phạm. Năm học vừa qua em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh môn Lịch sử và môn giáo dục công dân. Đầu năm lớp 10, em cũng đậu vào lớp chọn học sinh giỏi của trường THPT Thanh Hòa. “Nếu phải nghĩ học giữa thì tương lai của em chắc chắn sẽ bấp bênh như mẹ, như chị hai. Chị của em là Ngọc Anh (2002), từng thi đậu đại học sư phạm nhưng phải nghỉ để đi làm thuê, phụ mẹ trả nợ ngân hàng”- Lan bật khóc nức nở.
Nghe con gái nhỏ tỏ bày nỗi lo lắng trong lòng, người mẹ nghèo Trần Thị Bích (1970) chỉ biết âm thầm gạt nước mắt. “ Tôi không biết chữ, lại chẳng được minh mẫn nên cả hai lần bị người ta lạm dụng, sinh ra hai con gái nhưng họ chẳng nhận, chẳng nuôi”- chị Bích chua chát tâm sự. Từng ngày chị Bích cứ lầm lũi đi làm thuê, làm mướn theo thời vụ để trang trải cuộc sống. Ngặt nỗi vừa bệnh tật, vừa không biết đi xe như chị Bích thì kiếm đâu ra việc đều đặn ở vùng biên giới này. Các con của chị cũng vì thế mà chịu đói, chịu khổ ngay thủa lọt lòng.
Thương cảm hoàn cảnh hộ nghèo, mẹ đơn thân, thường xuyên đau ốm, năm 2009 chính quyền địa phương ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp vận động xây tặng mái ấm tình thương nhỏ. Từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo ở địa phương, mẹ con chị Bích hỗ trợ 01 con bò giống. Chị được xét vay NHCS mua thêm 1 con bò, nay mới nhân thêm được 2 con bê….. tất cả tài sản chỉ có vậy khiến chị Bích cứ mãi đắn đo: giờ bán bê sửa lại mái nhà, để mẹ con bớt cảnh mưa dột gió lùa trong mùa mưa này hay cho Phương Lan đi học tiếp? Ước mơ có thể là mơ ước, vì nếu không có tiền thì không thể nào thực hiện được.
Nối dài hành trình yêu thương
Xót thương, đồng cảm với những cơ cực, nghèo khó của cô học trò nghèo, những người thực hiện chương trình chắp cánh ước mơ đã đến và nói với em rằng: Đừng tuyệt vọng, đừng thôi hy vọng, đừng bao giờ buông rơi ước mơ, đừng thôi nghĩ về một ngày mai tươi sáng! Bởi ngoài kia có rất nhiều những tấm lòng nhân ái.
Công tác khảo sát, kêu gọi và kết nối cho em Trần Thị Phương Lan diễn ra thật nhanh chóng và đón nhận sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm gần xa. Ngay trong tiết chào cờ, ngày 18/9, tại trường THPT Thanh Hòa. Trong buổi lễ trao học bổng cho Phương Lan đã diễn ra ấm áp, trang trọng. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo huyện Bù Đốp, các ban ngành đoàn thể tại địa phương, nhà tài trợ chính VNPT Bình Phước và các nhà hảo tâm, những câu lạc bộ thiện nguyện tâm huyết. Không chỉ đón nhận số tiền mặt hơn 137 triệu đồng, Lan nhận nhiều món quà như sách vở và một số nhu yếu phẩm hết sức ý nghĩa. Theo sự thống nhất giữa BTC chương trình, nhà trường và các nhà tài trợ, chương trình sẽ trích số tiền 17 triệu để giúp chị Bích về sửa lại mái tôn cũ nát. 120 triệu còn lại đã được gửi thành cuốn sổ tiết kiệm cho Phương Lan trang trải cho chi phí học tập trong những năm tiếp theo. “Những suất học bổng chứa đựng trong đó niềm yêu thương. Nếu không có sự tiếp sức của chương trình, cánh cửa đại học không bao giờ mở ra với em, cánh cửa tương lai của em cũng sẽ khép lại trong buồn tủi. Con hứa sẽ cô gắng học tốt hơn nữa để đền đáp những yêu thương của ngày hôm nay”
Thành công của kỳ 98 một lần nữa lan tỏa ý nghĩa nhân văn của chương trình chắp cánh ước mơ (BPTV). Qua đó tô thêm nét đẹp của lòng nhân ái, ươm lên nhiều mầm xanh tri thức, thắp lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng.
Nguyễn Khánh