Khi chọn laptop cũ để học trực tuyến, người dùng cần xét đến các yếu tố như nơi bán, thời hạn bảo hành, đời máy, chất lượng màn hình, webcam…
Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu về thiết bị phục vụ học online tăng mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, không ít người thừa nhận việc phải sắm thiết bị để học trực tuyến đang trở thành gánh nặng. Nhiều trong số đó cân nhắc mua các mẫu laptop đã qua sử dụng với giá rẻ hơn 20 – 40% so với máy mới, dù có thể phải đối mặt với tình trạng máy nhanh gặp trục trặc, hỏng hóc.
Theo một số chuyên gia, người mua vẫn có thể giảm các nguy cơ đó bằng một số biện pháp kiểm tra trước.
Xác định cụ thể nhu cầu
Anh Trần Hưng, một thợ sửa chữa máy tính lâu năm tại TP HCM, cho rằng nếu nguồn tài chính eo hẹp, người mua nên chọn máy sát với nhu cầu sử dụng, hoặc có thể “dư” nhu cầu một chút để dự phòng vào các việc khác trong tương lai.
Chẳng hạn, nếu dùng để học online hoặc xem phim, nghe nhạc, một mẫu máy với chip xử lý không quá 4 đời so với chip mới nhất, RAM từ 4 GB DDR3, bộ nhớ SSD 128 GB kèm HDD 500 GB là đủ phục vụ nhu cầu. Hiện các mẫu máy cũ với cấu hình dạng này có giá khoảng 4 – 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu cao hơn, như cần dùng phần mềm đồ họa, chơi game hoặc ứng dụng chuyên ngành, người mua nên chọn máy thông số tốt hơn, với RAM trên 8 GB, bộ nhớ SSD từ 256 GB, card đồ họa rời, chip cao cấp hơn và đời chip không quá cũ, với giá từ 8 triệu đồng.
Riêng với chip xử lý, người mua nên chú ý 2 thông số chính là số nhân và tốc độ. Thông số càng cao, tốc độ hay hiệu năng xử lý sẽ càng cao và ngược lại. Để chạy tốt với nhu cầu cơ bản, CPU của máy cần tối thiểu 4 nhân.
Chọn người bán, nơi bán uy tín
Theo Maketecheasier, đối với người bán là cá nhân và bán sản phẩm họ đang sử dụng, người mua nên kiểm tra kỹ máy trước khi nhận hàng. Ưu điểm của những sản phẩm này là giá rẻ hơn nhiều so với máy cũ cùng loại trên thị trường, nhưng lại khó bảo hành về lâu dài. Nếu có thể, nên ưu tiên thiết bị vẫn còn trong thời hạn bảo hành và chọn người bán đáng tin cậy. Ngoài ra, cần lưu ý nếu thấy máy quá rẻ so với thị trường, người bán không có địa chỉ cố định, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau.
Trong khi đó, các mẫu máy cũ do cửa hàng bán lại sẽ có chính sách bảo hành rõ ràng, có thể đổi trả hoặc sửa chữa trong trường hợp hỏng hóc. Dù vậy, giá của chúng khá cao, thậm chí mức chênh lệch không nhiều so với máy mới. Người mua cũng nên chọn địa chỉ uy tín, đã được đánh giá tốt trên các cộng đồng mua bán.
Kiểm tra máy kỹ
Theo Which, kiểm tra máy là bước cuối nhưng quan trọng nhất khi mua laptop cũ. Nếu không am hiểu công nghệ và máy tính, người mua nên nhờ một người có kinh nghiệm kiểm tra cùng để nhận lời khuyên của họ, tránh nghe việc tư vấn một phía từ người bán. Dù vậy, điều này có thể sẽ khó thực hiện tại những khu vực đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Với máy tính cũ, các chuyên gia khuyên nên mua các thương hiệu đã có tiếng trên thị trường như Apple, Dell, Asus, HP, Acer… Khi nhận máy, cần xem tổng thể để phát hiện bộ phận nào nứt vỡ, móp méo hay không, còn tem niêm phong hay đã mất, các cổng kết nối sạch hay nhiều bụi bẩn, đồng thời hỏi người bán về việc máy đã bị can thiệp bên trong chưa, những bộ phận nào đã được thay mới hoặc nâng cấp… Người mua có thể chụp lại hình ảnh để đối chiếu về sau, trong trường hợp máy gặp trục trặc.
Để kiểm tra cấu hình của thiết bị Windows, người dùng nhấp chuột phải vào biểu tượng Computer/This PC và chọn Properties và xem model máy, CPU và RAM. Còn trên MacBook, người dùng click vào biểu tượng Quả táo và chọn About this Mac để xem thông số.
Đối với các bộ phận như màn hình, cần sử dụng phần mềm chuyên dụng kiểm tra điểm “chết”, tức những vệt sáng, đốm nhỏ bất thường. Nếu màn hình xuất hiện nhiều điểm này, người dùng có thể cân nhắc không mua.
Pin cũng là bộ phận dễ “chai” do đã được sử dụng một thời gian. Người mua có thể truy cập tính năng quản lý năng lượng trên hệ điều hành hoặc cài phần mềm bên thứ ba để xem pin đã sạc bao nhiêu lần, cũng như tình trạng “sức khỏe” của pin. Ngoài ra, nên sử dụng pin trong suốt quá trình kiểm tra máy và để ý mức % pin. Chỉ số này “tuột” quá nhanh có nghĩa viên pin không còn tốt.
Người mua cũng lưu ý khả năng kết nối của Wi-Fi trên laptop, tránh trường hợp thiết bị kết nối mạng kém, chập chờn, gây ảnh hưởng đến việc học online. Máy cũng nên có cổng LAN để đề phòng không kết nối được Wi-Fi.
Ngoài ra, người mua cũng cần xét đến các chi tiết khác, như bàn phím, chuột, loa và nhất là webcam có hoạt động ổn định không. Đối với laptop cũ, webcam thường hay bị hỏng cần kiểm tra cẩn thận.
Nguyễn Phương