Bộ sử Đông A Di Sự do những người đương thời chép, chủ yếu là về hành trạng một số nhân vật trong hoàng tộc nhà Trần. Nhưng từ đó, có thể hình dung cụ thể hơn, đậm nét hơn, chính xác hơn về lịch sử triều đại vẻ vang nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Cụ Tư Đồ Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 5 của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, đồng tác giả chính của bộ sử này. Đông A Di Sự, cho ta biết nhiều thông tin, mới lạ đến bất ngờ.
Xin nêu vài ba ví dụ!
Danh tướng đầu tiên ở đời Trần hi sinh trong trận Phủ Lỗ – Người ấy là ai?
Thứ nhất, là hình ảnh hai vị dũng tướng sớm hy sinh anh dũng ở giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đó chính là ngài Trần Tử Đức và vợ ông là bà Bùi Thiệu Hoa. Trần Tử Đức và vợ ông, phu nhân Bùi Thiệu Hoa, đều là những tướng lĩnh tài giỏi. Họ được triều đình giao cho chỉ huy đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên, trấn giữ vùng biên ải phía Bắc, không phải là chuyện ngẫu nhiên ai cũng làm được đâu!…
Khi vị quan nhà Tống là Hoàng Bính đem gia quyến 1200 người chạy sang nương nhờ Đại Việt, Trần Tử Đức cùng vợ Bùi Thiệu Hoa được giao hộ tống đoàn gia tộc Hoàng Bính từ biên giới về Thăng Long. Tất nhiên, trong thời gian ngắn ngủi (4 ngày), Trần Tử Đức chưa biết gì về tài năng xem tử vi của cô con gái 16 tuổi của ông Hoàng Bính là Hoàng Chu Linh. Chỉ đến khi về tới Thăng Long, cùng vua Trần Thái Tông và Thái sư Trần Thủ Độ tiếp kiến cha con ông Hoàng Bính, mới hay tài năng xem tử vi, nhân tướng của cô gái trẻ tuổi xinh đẹp Hoàng Chu Linh, qua việc xem tướng đoán số Thái sư Trần Thủ Độ.
Đại khái, Trần Thủ Độ nói thác rằng ông chỉ là người lao công chăm sóc vườn Thượng uyển của nhà vua thôi. Tất nhiên nàng tiểu thư khuê các 16 tuổi Hoàng Chu Linh lúc đầu chưa thể biết Trần Thủ Độ là ai. Nhưng quan sát hình dong tướng mạo phi thường của người đối diện, Hoàng Chu linh nói rằng ông (người tự nhận hầu việc chăm sóc vườn Thượng uyển của nhà vua) là người chỉ đứng dưới một người, mà trên muôn người. Uy danh của ông bao trùm cả thiên hạ triều Trần. Và ông chính là ngài Thái sư Trần Thủ Độ. Kết quả thật bất ngờ. Trần Tử Đức thấy vậy, liền nhờ Hoàng Chu Linh xem tử vi số phận của mình ra sao. Và cũng không quên nhờ xem cho cả vợ mình là bà phu nhân Bùi Thiệu Hoa. Thông tin mà Chu Linh nói ra, thông qua một bài thơ ngắn, cứ tưởng là khen điềm tốt. Mãi đến khi cả vợ chồng Trần Tử Đức đều chết, thì mọi người mới vỡ ra sự thật đã được tiểu thư Chu Linh nói tránh đi trước đó.
Năm sau, 1258, quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, ào ạt tiến công xâm lược nước ta. Vua Trần Thái Tông còn trẻ, hăng hái đem quân chủ lực đối chiến với quân Nguyên trên cánh đồng Bình Lệ Nguyên, nay thuộc Vĩnh Yên. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Đại Việt, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Thái Tông, chiến đấu vô cùng anh dũng. Tuy nhiên, quân Nguyên Mông rất thiện chiến, lại đang ở thế thượng phong. Vó ngựa Mông Cổ từng tung hoành, dẫm nát nhiều vương quốc hùng mạnh nhất ở châu Âu, châu Á. Đối đầu trực tiếp với kỵ binh Mông Cổ rất giỏi cưỡi ngựa bắn tên trên chiến trường đồng bằng, rõ ràng là hạ sách.
Trước thế dũng mãnh, quyết đánh nhanh thắng nhanh của quân Mông Cổ, vua Trần Cảnh quyết sống mái đến cùng. Nhưng Lê Tần đã khuyên vua Trần Thái Tông không nên đem hết vốn liếng chơi một canh bạc biết mình sẽ thua. Vua Trần chợt tỉnh, nghe theo lời khuyên của Lê Tần, hạ lệnh rút quân. Quân Mông Cổ đuổi theo, quyết tiêu diệt vua Trần. Khi rút về đến Phủ Lỗ (Sóc Sơn ngày nay), Trần Thái Tông lại quyết giao chiến với quân Thát Đát (Mông Cổ) một trận nữa trước cửa ngõ Thăng Long. Nhưng binh lực và ý chí tiến công quyết bắt được vua Trần, kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng của Mông Cổ, đã khiến quân Đại Việt phải chịu đựng những đòn đánh vô cùng khốc liệt, không sao địch nổi giặc dữ. Trận chiến diễn ra trên bờ sông Cà Lồ. Vua phải dùng thuyền tháo chạy qua sông. Quân Nguyên dùng tên bắn theo như mưa. Lê Tần phải rút ván thuyền làm lá chắn, che đỡ cho vua. Quân Đại Việt rút về Thăng Long, rồi bỏ Thăng Long rút về bãi Mạn Trù, chờ cơ hội phản công.
Tướng Trần Tử Đức và vợ ông, cùng cô em gái Trần Ý Ninh được giao ở lại chặn giặc, để vua và quân tướng rút lui an toàn. Thêm nữa, để nhân dân và hậu cung Hoàng gia có thời gian di tản khỏi Thăng Long, thực hiện kế sách “Vườn không nhà trống”. Thế giặc quá mạnh. Trần Tử Đức cho vợ và em gái cùng binh sĩ rút đi. Ông ở lại chỉ huy đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên lập lũy chiến đấu chặn giặc. Ngột Lương Hợp Thái thúc quân đánh phá quyết liệt. Quân Đại Việt thua tiếp trận Phủ Lỗ. Bị dồn ép đến đường cùng, không muốn rơi vào tay giặc, tướng Trần Tử Đức anh dũng rút gươm tự sát. Được tin chồng hy sinh, bà Bùi Thiệu Hoa vô cùng đau đớn, buồn bã. Bà lập đàn tế chồng, rồi quyên sinh theo chồng…Về sau, Trần Tử Đức được truy tặng các tước hiệu rất vẻ vang, cao quý nhất:
– Phụ quốc Thượng tướng quân (đời Trần, chức Thượng tướng cao hơn cả Đại tướng)
– Nghĩa Hòa Vương
Và nhiều danh vị khác.
Cô Trần Ý Ninh, em gái Trần Tử Đức, sau được gả cho Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy. Anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản chính là con trai của Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và công chúa Trần Ý Ninh. Vậy đấy!
Đấy là nói về trận Bình Lệ Nguyên và Trận Phủ Lỗ. Tướng Lê Tần vì có công lớn, nên được vua Trần Thái Tông gả công chúa Chiêu Thánh (Tức Lý Chiêu Hoàng), vợ cũ của ông cho Lê Tần. Lê Tần được gọi là Lê Phụ Trần, chính là vì lý do đó…
Tuy nhiên, công lớn nhất trong cả cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258), chính là Thái sư Thống soái Trần Thủ Độ. Chính ông là trụ cột vững chãi nhất của triều Trần trước họa xâm lăng của quân Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Ông chỉ huy, chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến, cả về chiến lược và chiến thuật. Trong lúc vua trẻ có lúc hoang mang, một số thân vương muốn hàng, vua bơi thuyền đến hỏi ý kiến Thái sư, Trần Thủ Độ nói: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”!
Chỉ cần câu nói đó thôi, đủ thấy tầm vóc trí tuệ và quyết tâm chiến lược, ý chí quyết chiến quyết thắng, niềm tin tưởng chắc thắng của thiên tài Trần Thủ Độ. Mấy câu nhận xét của các sử gia, cho rằng “Thủ Độ là người ít học”, thì chỉ nên xem là câu nói của người ngớ ngẩn mà thôi! Không bằng cấp khoa bảng gì, nhưng không học (tại gia) thì sao biết địch biết ta, sao có đủ tài lược để có được tầm nhìn chiến lược xa rộng, để xây dựng ý chí quyết thắng giặc mạnh mẽ cao vời như vậy? Ví như Trần Quốc Tuấn có khoa bảng gì đâu, mà văn võ toàn bích như vậy? Trần Khánh Dư có khoa bảng gì đâu, mà đến cả Hưng Đạo Đại Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng tin tưởng ủy thác cho ông viết lời tựa cho sách lý luận quân sự quan trọng và vô cùng nổi tiếng (Binh thư yếu lược) của Ngài, mặc dù, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trước đó đã mắc tội dan díu (thông dâm) với con dâu cả của Ngài, tức vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn mà bị phạt tội đánh 100 gậy, rồi đuổi về quê làm nghề bán than ở Lục Đầu Giang?
(Còn tiếp)
Vũ Bình Lục/ Văn hiến Việt Nam