Trần Nhật Duy là Hoàng tử con vua Thái Tông Trần Cảnh, chứ còn sao nữa! Các sách sử nước ta không thấy chép gì về Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy, có lẽ là họ không rõ thông tin đầy đủ đấy thôi.
Đời Trần, một số hoạt động bí mật được che đậy khéo léo trong mối quan hệ bang giao với nhà Tống, nhà Nguyên. Người đương thời không mấy ai biết, huống chi là những sử gia người ngoại tộc như Lê Văn Hưu (đời Trần), hoặc những sử gia đời sau nữa như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn (Đời Lê Sơ, Lê Mạt). Câu chuyện của nhà tình báo chiến lược vĩ đại Trần Ích Tắc (chúng tôi đã viết mấy bài và cũng sẽ viết thành một chuyên luận hẳn hoi), chẳng phải là một minh chứng vô cùng bất ngờ, thú vị đó sao! Trường hợp Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy (cha sinh Trần Quốc Toản) được nhà Trần cử sang giúp nhà Tống đánh quân Mông Cổ, giữ vững thành Điếu Ngư trước sức tấn công vũ bão của Mông Kha, mà Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có nhắc đến trong bài Hịch tướng sĩ văn của Ngài, cũng là một câu chuyện rất sống động…
Trần Quốc Toản sinh ở đâu?
Ở thời kỳ nhà Tống suy yếu, quan hệ giữa nhà Tống và Đại Việt khá mặn mà. Một trong những lý do đó, có thể là do vai trò tích cực của bà Huệ Túc phu nhân, người vợ có nguồn gốc nhà Tống của vua Trần Cảnh.
Quân Mông Cổ liên tục tiến công các thành lũy của nhà Tống không ngừng nghỉ. Vua Trần cử Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy cùng một số tướng lĩnh và binh sĩ sang giúp nhà Tống. Họ đã cùng các tướng nhà Tống kiên cường giữ vững thành Điếu Ngư “nhỏ như cái đấu”, khiến quân Mông Cổ do Mông Kha chỉ huy phải nản lòng. Vậy nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bài Hịch tướng sĩ văn, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhắc đến cuộc chiến đấu ở thành Điếu Ngư, ca ngợi sự kiên cường dũng cảm của liên quân Tống-Đại Việt chiến đấu ở đây. Một hình ảnh xa xưa thật cảm động và thú vị.
Trên chiến trường khói lửa bên nhà Tống, năm 1267, người anh hùng trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản được sinh ra. Xin nhắc lại là vợ chồng Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và Trần Ý Ninh (em gái danh tướng Trần Tử Đức đã hy sinh ở trận Phủ Lỗ) đều là những tướng lĩnh tài ba. Đó là một sự kỳ diệu, khó ai tin. Nhưng sự thật là vậy đấy! Trần Quốc Toản được hạ sinh trên đất nhà Tống. Cha mẹ ông đều là những chiến binh quốc tế, chiến đấu vì nước Tống và cho cả Đại Việt.
Cũng năm 1267, nhà Tống bị Mông Cổ thôn tính. Một số quan lại nhà Tống chạy sang nước ta lánh nạn. Trần Quốc Toản cũng được về nước. Trong số các quan chức nhà Tống, có Hoàng tử Triệu Trung và cô em gái là công chúa Triệu Ngọc Hoa. Quốc Toản và Triệu Trung được biên chế vào quân đội Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Do cái duyên gặp gỡ trời định, công chúa cuối cùng của nhà Tống Triệu Ngọc Hoa, lại kết duyên cùng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.
Ngạc nhiên chưa!
Trần Quốc Toản chết trẻ hay chết già?
Theo các sách sử nước ta và cuốn Kinh thế đại điển tự lục của Trung Quốc, thì Trần Quốc Toản “chết ở hai nơi”. Và hai lần chết. Ngày tháng rõ ràng. Lại còn có ý kiến cho rằng Trần Quốc Toản không chết ở trận tiền. Ông chỉ bị thương và mất tích!… Biết tin vào ai đây?
Sự thật ra sao? Sách Việt sử kỷ yếu viết: “Khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn, để cướp lại lương thực, quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống trả quyết liệt. Trần Quốc Toản bị thương trong trận đánh này và đã hy sinh vào ngày 2/2 âm lịch”… Có tài liệu viết rằng Trần Quốc Toản hy sinh bên sông Như Nguyệt, vào ngày 5/5 năm 1258. Sách Kinh thế đại điển tự lục của nhà Nguyên thì viết: “Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên (tức vua Trần Nhân Tông- VBL) sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị (quân Nguyên-VBL) giết”…Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì chép: “Đến khi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”…Các sách sử đời sau như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ), An Nam sử lược (Trần Trọng Kim – chép bằng Quốc ngữ) v.v…đều không thấy nhắc đến cái chết của Trần Quốc Toản.
Nhưng thực hư thế nào?
Sách gia phả hậu duệ Trần Quốc Toản, có tên là Viên phương Trần tộc lưu phả thì chép khá rõ về nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản. “Viêm phương”, danh từ, các triều đại phong kiến Trung Quốc thường dùng để chỉ xứ nóng ở phương Nam là nước ta. Chữ “Viêm bang” cũng có nghĩa tương tự như vậy.
Vợ Quốc Toản là công chúa Triệu Ngọc Hoa, công chúa cuối cùng của nhà Tống theo anh trai là Hoàng tử Triệu Trung chạy sang lánh nạn và cùng chiến đấu chống giặc Nguyên Mông dưới trướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Một nhân vật quan chức nhà Tống cũng sang lánh nạn ở nước ta cùng thời điểm này, chính là Thiếu sư Trần Trọng Trưng. Vua Trần Thánh Tông có bài thơ khóc ông Trần Trọng Trưng (Trần Tử Vi) rất cảm động. Tuy nhiên, đến cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1285), Trần Tôn, con trai ngài Trần Trọng Trưng lại phản bội. Anh này dẫn đường cho Thoát Hoan tiến đánh quân Trần ở Vạn Kiếp, khiến quân Đại Việt thiệt hại khá nặng nề vì bị tấn công bất ngờ. Vua Trần Thánh Tông vô cùng tức giận, đã sai đào mả Trần Trọng Trưng, bổ quan tài ông này cho hả giận. Chuyện này tôi đã viết trước rồi. Nhân đây thì nhắc lại thôi.
Trần Quốc Toản cùng vợ ông là công chúa Triệu Ngọc Hoa có thời kỳ trở lại Trung Quốc dấy binh khởi nghĩa chống nhà Nguyên, ở thời kỳ nhà Nguyên đã suy yếu. Cũng có thể vợ chồng Trần Quốc Toản được triều đình cử sang, để tính kế lâu dài hay chăng? Một số thế lực nổi dậy chống Nguyên, khiến nhà Nguyên phải rút chạy về phía bắc, lập ra triều đại Bắc Nguyên. Lãnh thổ nhà Nguyên thu hẹp dần.
Lực lượng khởi binh lớn nhất là Trần Hữu Lượng (con Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, người Việt). Thứ hai là Chu Nguyên Chương (người Hán) và Trương Sĩ Thành (người Hán). Theo cuốn VIÊM PHƯƠNG TRẦN TỘC LƯU PHẢ, hậu duệ của Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy, kế đến là hậu duệ của Trần Quốc Toản (con Nhật Duy), cho hay rằng nhiều người, cả tướng lĩnh và binh sĩ trong gia tộc nhà Trần sống bên nhà Tống, đã cùng Trần Hữu Lượng chiến đấu chống nhà Nguyên ngay trên lãnh thổ nhà Nguyên. Chi tiết này làm sáng tỏ thêm mối quan hệ chặt chẽ của họ Trần bên Đại Việt với Trần Hữu Lượng, con Trần Ích Tắc.
Thông tin này càng minh chứng rõ nét thêm về cuộc “đào tẩu” sang hàng nhà Nguyên của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc chỉ là một cuộc trá hàng rất tinh vi. Nếu trời giúp sức, thì biên giới Đại Việt sẽ mở rộng đến cả Trung nguyên, chứ đâu chỉ vẻn vẹn một tẹo ở khu vực Bắc bộ nước Việt Nam ngày nay? Nghĩa là đất đai nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) sẽ được thu về với chính chủ của nó, là người Bách Việt chúng ta. Và cũng chẳng phải vô cớ mà trước khi mất, Hưng Đạo Đại Vương đã dặn dò vua Trần Anh Tông kế sách chống giặc phương bắc, trong lời đầu tiên, Ngài đã nói: “Nước Đại Việt ta, kể từ Triệu Vũ Đế đã dùng kế “vườn không nhà trống”, dùng binh pháp “lấy đoản binh địch trường trận”. Cuối cùng thì cái kế sâu rễ bền gốc, ưu việt nhất vẫn là chăm lo bồi dưỡng sức dân, lấy dân làm gốc. Kẻ thù có thể đánh bại một đội quân, chứ chúng không thể đánh bại được một dân tộc đoàn kết muôn người như một, yêu tự do, quyết hy sinh vì giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc đó!
Vũ Bình Lục/ Văn hiến Việt Nam