Chiều 19/10/2023, tại Samarkand, Uzbekistan, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình là “Làng du lịch tốt nhất thế giới”. Cùng thời điểm này UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch Quảng Bình đã tổ chức buổi Họp báo cung cấp thông tin về sự kiện nói trên.
Vẻ đẹp của làng Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Tân Hóa là một xã vùng sâu của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá vôi xếp lớp trùng điệp và trải dài cùng màu xanh của những nương ngô, ruộng lúa… Con đường vào Tân Hóa uốn lượn quanh co dưới chân núi, đến các bản làng nhiều nơi phải đi bằng thuyền, hai bên là những ngôi nhà gỗ với nét đẹp truyền thống, hoang sơ, bình dị, nhẹ nhàng của một vùng quê yên ả. Cùng với đó là thung lũng Tú Làn với những trảng cỏ trải dài, được tô điểm bởi con sông Rào Nan mềm mại đẹp như một bức tranh. Đến Tân Hóa, không chỉ được ngắm cảnh đẹp hoang sơ của một làng quê yên bình mà còn được khám phá hệ thống hang động Tú Làn gồm nhiều hang động khác nhau với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo.
Đại diện UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình đón nhận danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Theo Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua du lịch. Sau khi đánh giá 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững. Theo đề nghị của Ban giám khảo giải thưởng, UNWTO chính thức công nhận làng Tân Hóa trở thành một trong những Làng Du lịch Tốt nhất của UNWTO.
Đường vào Tân Hóa
Là một xã miền núi vùng sâu có diện tích tự nhiên là 7.427,20 ha, nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… Đây là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động. Do vị trí địa lý và cấu tạo đặc thù của địa hình, Tân Hóa nằm ở phía tây của dãy hoành sơn và sự án ngự bởi các dãy núi đá vôi nên mang đậm tính chất khí hậu cận nhiệt đới, thể hiện rõ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, quanh năm khí hậu nóng, ẩm ướt, mưa nhiều và rét đậm.
Tân Hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Chính sự đa dạng về thời tiết đã tạo thuận lợi lớn để những người làm nông nghiệp phát triển các loại cây trồng. Song bên cạnh đó hàng năm xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt, thời gian từ tháng 6- 9 (âm lịch). Do có nhiều hang động nên khi lũ lụt nước thoát chậm gây không ít khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân… Về văn hóa dân tộc, xã Tân Hoá tập trung chủ yếu là người Nguồn là tên gọi cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt – Mường. Theo lời kể của những người lớn tuổi và gia phả của các dòng họ trong làng cho thấy tổ tiên của người Nguồn ở Tân Hoá đã đến khu vực này sinh sống từ khoảng từ hơn 300 năm về trước. Người Nguồn có ngôn ngữ riêng, đặc trưng cùng các nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt và các giá trị văn nghệ dân gian cũng rất riêng.
Trận lũ lụt lịch sử năm 2020, cán bộ phóng viên Tạp chí Văn hiến Việt Nam cùng các đơn vị cứu trợ trên cả nước đã đến nhiều điểm trên địa bàn huyện Minh Hóa, trong đó có xã Tân Hóa để ủng hộ bà con vượt qua thiên tai, bão lũ…
Niềm vui của anh em sau khi hoàn thành việc cứu trợ, ủng hộ và giúp đỡ cho bà con tại khu vực đường cửa ngõ đi vào xã Tân hóa, huyện Minh Hóa năm 2020
Nói đến Tân Hóa là phải nói hệ thống hang động Tú Làn nằm trong khu rừng nguyên sinh và các dãy núi đá vôi với diện tích hơn 650 hecta. Khu rừng được kết nối từ 8 thung lũng và các dãy núi khác nhau thông qua dòng sông ngầm và hệ thống hang động. Bao gồm 20 hang động được thám hiểm lần đầu tiên vào năm 1992 bởi Nhóm Thám hiểm Hang động Anh – Việt. Nằm ngoài khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ thống hang động này sau đó được khảo sát chuyên sâu vào năm 2010 thông qua những cuộc khảo sát liên tiếp. Hệ thống hang động biệt lập được hình thành theo dòng sông Rào Nan bắt nguồn từ các xã Thượng Hoá, Trung Hoá, Dân Hoá, Hoá Sơn và Tân Hóa thuộc Huyện Minh Hóa. Toàn bộ hệ thống hang động đá vôi tập trung trong khu vực địa bàn xã Tân Hoá và khu vực xã Cao Quảng của huyện Tuyên Hóa, cách Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 70km về phía Tây Bắc của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Hang động Tú Làn ở Tân Hóa
Một số hang động trong khu vực được người dân địa phương xã Tân Hoá phát hiện từ nhiều năm trước. Trong số đó, một số hang động còn tìm thấy dấu vết sinh sống của con người cách đây hàng trăm năm. Năm 2009, một người đàn ông địa phương tên Đinh Hồng Nhâm trong khi vào hang động đánh cá đã phát hiện ra hang Tú Làn, hang Tổ Mộ lớn và hang Tổ Mộ nhỏ. Những hang động này sau đó được truyền thông báo chí trong nước đưa tin giới thiệu.
Với danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” tin tưởng Quảng Bình sẽ có những phát triển vượt bậc về hoạt động du lịch – đưa nền “Công nghiệp không khói” trở thành thế mạnh của tỉnh nhà để làm cho Quảng Bình ngày càng giàu mạnh.
GIÀNG NHẢ TRẦN