Một cuốn tiểu thuyết đáng đọc và suy ngẫm

21:01 | 04/07/2021

“Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” là cuốn tiểu thuyết thứ 3 của Nguyễn Thanh Tùng, vừa mới được Nxb Hội Nhà văn ấn hành tháng 6 năm 2021 (528 trang khổ lớn 16x24cm), giữa mùa dịch – giặc bùng phát lần thứ 4. Được biết, tác giả vốn là nghệ sỹ múa, người gốc Hà Nội, từ năm 1971 đã tham gia Đoàn Văn công giải phóng Trung Trung Bộ phục vụ chiến trường Khu 5 thời chống Mĩ, là biên đạo múa chạy show khắp nước những năm 80 của thế kỷ trước. Trong nghiệp cầm bút , Nguyễn Thanh Tùng chỉ nhận mình là người “chơi” tiếu thuyết chứ không định làm nhà văn” (Nguyễn Thế Khoa). Nhưng điều thú vị và rất đáng trân quý là tác phẩm của anh cốt truyện đầy chất tiểu thuyết với hàng chục nhân vật có tính cách và số phận, có mạch cảm xúc tự nhiên và dồi dào, có chủ đề tư tưởng rõ ràng và những vấn đề đặt ra nóng hổi tính thời sự, không kém phần quyết liệt và lý giải khá thuyết phục.

Người đọc sẽ theo bước chân Lan, nhân vật chính, từ biệt Hà thành ồn ào phố thị để khi thì đi xe khách, khi thì theo chuyến đò dọc, có lúc lại rảo bước chân vượt đèo vượt dốc trên con đường “mùi nhựa mới trám còn hôi khét sộc thẳng lên mũi”để đến với Hòa Bình, với bản Hợp Đông và Bãi Nông trên đỉnh Thung Khe. Nơi vời vợi xa xôi ấy là nơi chôn rau cắt rốn bao đời của tộc người Mường, đông nhất là họ Quách và cũng là nơi hợp cư của nhiều dòng họ khác dưới xuôi lên từ thời chống Pháp và đông nhất là từ thời khai hoang xây dựng kinh tế – văn hóa miền núi thập niên 60 của thế kỷ 20. Đỉnh Thung Khe ấy là không gian sống, là không gian nghệ thuật, làm bối cảnh cho câu chuyện đời nhiều kịch tính, hấp dẫn, đáng đọc và suy ngẫm của nhân vật Lan.  Bởi thế, sẽ không hiếm gặp trong suốt chiều dài tiểu thuyết những câu, những đoạn văn tả cánh sắc thiên nhiên đầy ám ảnh. Nó không chỉ thể hiện chất thi sỹ- nghệ sỹ trong tâm hồn nhà văn mà còn góp phần làm nên bức tranh tâm cảnh giúp cho việc bộc lộ suy tư nội tâm của nhân vật, cũng như ý tình của người cầm bút trở nên sinh động, sâu sắc, ý nhị, tinh tế và giầu sức biểu cảm.
Thường thì kết thúc một phần hay mỗi chương sách, tác giả đều có những câu đoạn tả thiên nhiên thật hay, gom đủ cả ý-tình-hình-nhạc, góp phần làm nên một đoạn trữ tình ngoại đề, thật lắng đọng và nhiều dư ba.
Khi câu chuyện của ông giáo Thạch với ông Linh – Phó Chủ tịch tỉnh (họ vốn có mối quan hệ thâm tình), về đạo lý và pháp luật chưa ngã ngũ, tuy có hé mở chút hy vọng, nhưng đến lúc phải chia tay thì nhà văn “hạ nhẹ” hai câu ý ở ngoài lời: “Trời Hòa Bình thật lạ. Nắng hanh hao sáng bừng rực rỡ nhưng gió lại se sắt lạnh buốt thấu xương”. Nhiều lắm là những cảnh tượng đêm trăng nơi Thung Khe gắn với những trạng huống cảm xúc nào đó của nhân vật: “Ngoài sân bóng tối đã tan loãng bởi ánh sáng trăng non nhô lên khỏi đỉnh Thung khe tự bao giờ (…) bên ngoài vầng trăng tròn sáng trắng mềm mại nhô lên trên đỉnh Thung khe, một màu xanh trong vắt xuyên qua khung cửa sổ”…
Nhưng có lẽ, hấp dẫn và thi vị nhất là cảnh “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” : “báo hiệu một ngày mới”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng về thành công hoặc đổi đời : “Nắng đã hừng đỏ. Một màu vàng thánh thiện phủ kín khắp khoảng không …Cái lạnh se sắt của mùa đông biến đi từ lúc nào chỉ còn những cơn gió hây hây lạnh man mát từ phía bờ sông thổi tới bao kín căn nhà sàn (…) Mặt trời đã lên khỏi đỉnh Thung Khe, một mảng mây trắng kéo thành một vệt dài phủ kín mấy sườn núi phía xa. Ánh nắng dịu nhẹ khiến cho mặt sông càng thêm xanh thẳm. Gió từ dưới sông òa lên hanh hao lành lạnh…”. Cứ thế, nhà văn dẫn chúng ta đi từ tình huống này đến cảm xúc khác khá cuốn hút. Nó khiến chúng ta phải đọc chậm, ngẫm nghĩ chậm và nhận ra chút dư vị thâm trầm, thấm thía, đôi khi cả xôn xao, rạo rực… nữa! Đó là lối viết tiểu thuyết rất cổ điển, có thể không còn hợp với nhiều người đọc hôm nay, khi mà xa lộ thông tin như nước cuốn, cần phải có lối viết dồn nén những chất liệu ngồn ngộn, thâu nạp nhanh và càng nhiều càng tốt những sự kiện và tình tiết…Đành rằng, khi ranh giới giữa truyện và kí, giữa truyện và báo chí đã ngày càng có sự thu hẹp hoặc giao thoa, thì cần có những đổi mới trong truyện nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Nhưng cái lối viết không thật mới của Nguyễn Thanh Tùng vẫn có những độc đáo, đặc sắc, hợp  với thị hiếu của một lớp độc giả. Riêng tôi, ở phương diện này: “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”  vẫn rất thú vị, gợi nhớ một thời của “Mùa lạc, Cái sân gạch – Vụ lúa chiêm, Bão biển, Đất làng” … Nó cũng chứng tỏ nhà văn có chủ đích nghệ thuật và làm chủ cây bút, hướng người đọc đến những cảm thụ thẩm mỹ phong phú.
Một phương diện thành công quan trọng của “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” là nhà văn đã khá dụng công và thành công trong việc xây dựng các tuyến nhân vật : tích cực và tiêu cực, chính diện và phản diện… Và tất nhiên, có cả loại hững hờ vô cảm, bảo thủ giáo điều. Đa phần đều có tính cách, số phận độc đáo. Điều này khiến cho cuộc sống hiện lên trong tác phẩm đa diện, sinh động như nó vốn có. Vợ chồng nhà Thịnh Nga – chủ thầu xây dựng, Phó Chủ tịch xã Khanh, cán bộ địa chính Hùng, chủ dự án – giám đốc công ty ma kiêm trùm đại bịp Lân…tìm đến với nhau theo lối “ngưu mã” đồng sàng, khi chúng đánh hơi thấy mùi tiền, mùi đất. Sức mạnh kim tiền lôi kéo và tha hoá chúng…
Nhà văn Nguyễn Thanh Tùng.
Ở một chiến tuyến khác, khát vọng làm giầu chân chính, ước mơ đổi đời và mang lại lợi ích cho cộng đồng của Lan đã có sức lan tỏa, cuốn hút mạnh mẽ trên suốt một dặm dài hành trình ở Thung Khe. Cậu thanh niên Hoàng chở chuyến đò dọc cho Lan “nhập tịch” Thung Khe hôm ấy, bà Xoan, bà Mão, ông Thanh, cô gái Hiền và Thảo, thầy giáo Thạch, cô kĩ sư Hồng (con gái Phó Chủ tịch tỉnh), anh chàng Luân tốt số, cụ Quỳnh thông thạo nghề lồng bè…cùng biết bao bà con cô bác người Kinh cũng như người Mường, cán bộ cũng như thường dân ở Thung Khe –  nơi từng một thời là “rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí”, đã tụ hội, bó bện với nhau vượt qua nhiều gian khó, thử thách, chiến đấu với lũ lưu manh và quan tham – tham đất tham tiền. Họ không cam chịu sống mãi trong tăm tối, đói nghèo hoặc phiêu bạt tha hương. Trong khi quê hương họ đủ diều kiện làm giầu từ đồng đất, sông ngòi và những tiềm năng du lịch văn hóa – lịch sử. Đánh thức tiềm năng của Thung Khe cũng là quá trình đánh thức tiềm lực con người, làm thay đổi bộ mặt một vùng đất và số phận con người ngay trên vùng đất ấy. Nhưng đó là một cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt, không kém phần hiểm nguy. Và như một kết thúc có hậu trong câu chuyện “cổ tích thời @” ở Thung Khe, giấc mơ cháy bỏng và đẹp đẽ đã trở thành hiện thực! Đồng đất ở Thung Khe từ chỗ rã rời manh mún, làm chẳng đủ ăn, dân bỏ ruộng tha hương kiếm sống khắp trong Nam ngoài Bắc, giờ đã có một trang trại sản xuất rau sạch. Dòng sông quê từng “bập bềnh loang lổ váng dầu mỡ, lùm xùm túi nilon xanh đỏ và đầy bao giấy dơ bẩn. Cả một vùng bị bao phủ bởi màu vàng ủng nhớp nhúa”, giờ đã là con sông xanh trong, sạch đẹp kéo dài hàng cây số những lồng bè nuôi cá”. Tất cả đã tạo thành một chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, rất uy tín về chất lượng cho địa phương và chợ đầu mối Hà Nội.
Có được sự thay đổi kì diệu ấy trước hết là nhờ một lớp người trẻ tuổi, không chịu sống mãi trong quá khứ vàng son, không mải “ôm truyền thống, sống tiềm năng”, chấp nhận để mẹ cha bảo bọc yêu chiều và sắp đặt đường đời, trở thành “con cháu các cụ”.Trong đó, tiêu biểu nhất là nhân vật Lan. Đây là một thành công nghệ thuật không thể phủ nhận của Nguyễn Thanh Tùng trong tác phẩm. Sức hấp dẫn và sức mạnh lan tỏa của hình tượng Lan, rất tiêu biểu cho khát vọng tự vượt mình, vượt lên hoàn cảnh. Cuộc vật lộn của Lan trên Thung Khe lý giải rất thuyết phục cho câu hỏi : dừng lại thỏa mãn sống nhờ tài sản to lớn của thế hệ cha anh từng tạo lập, có thể nhàn cư, sung sướng nhiều đời hay tiếp tục khát vọng tự mình tìm cách làm giầu bằng cách của mình, đánh thức tiềm năng thiên nhiên và tiềm lực con người trên một vùng đất khó, giúp những người nông dân khốn khổ đổi đời.
Cô tiểu thư “cành vàng lá ngọc” ấy, từ bỏ ước nguyện của nhiều người lúc bấy giờ là được đi học nước ngoài, cũng từ bỏ luôn cả cuộc sống nhung lụa nơi Thủ đô. Lan tiếp thu được cái chí, tấm lòng nhân hậu, sự thấu tình đạt lý và cẩn trọng của người mẹ trên thương trường một thuở. Cô cũng lại có chút máu phiêu lãng, đại ca của người cha, giờ quyết tâm “gác kiếm”, nếu như không phải làm một trận chiến cuối cùng, âm thầm theo bước chân con gái yêu, bảo vệ nó, bởi nó đã phát huy những ý tưởng “điên rồ” của mẹ nó trên con đường lập nghiệp, vừa làm giầu cho mình vừa đền ơn, đáp nghĩa cho đồng bào trên một vùng đất từng trải qua quá nhiều thiệt thòi, mất mát thương đau.
Trên Thung Khe, Lan được rất nhiều người tin yêu, cảm phục và ủng hộ. Không thiếu những người từ hoài nghi rồi tin tưởng, có cả những kẻ phản trắc nhưng “quay đầu là bờ”, vẫn được Lan cùng bà con rộng lòng tha thứ, tiếp nhận… Nhiều lắm những âm mưu, thủ đoạn của đối phương nhằm triệt hạ con đường lập nghiệp của Lan và bát cơm manh áo của đồng bào. Khát vọng mãnh liệt và điên cuồng nhất của chúng là cướp đất – cướp nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt, có giá trị vĩnh hằng của bà con…
Việc Lan bỏ đất kinh kì, bỏ việc ra nước ngoài lập nghiệp, quyết chí đến với Thung Khe làm giầu còn là một “nghịch lí” quá vui mừng trước nền giáo dục của chúng ta bấy nay:  giáo dục kiểu gì và như thế nào mà thanh niên nông thôn, thậm chí là núi rừng cứ muốn ùa về thành phố (giầu nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố). Còn thanh niên thành phố thì chỉ ham hố “nhảy chân sáo” định cư nước ngoài. Đến như gái Việt Nam chọn chồng, giờ cũng đua đòi vọng ngoại! Đã đi rồi là “đi tàu suốt”, chẳng có gì vương vấn ,“thương nhớ ở…ai”. Đó là một hiện tượng xã hội đã đến mức nghiêm trọng, không thể thờ ơ.  Bởi thế, đọc “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”, có lúc ta se sắt lòng trước tình cảnh Lan và bà con bị bọn lưu manh phá hoại rau màu, bị lũ quan tham hà hơi tiếp sức cho đám đại gia “ăn đất” trăm mưu ngàn kế, tưởng cướp trắng đến nơi, những thửa ruộng mà bao đời phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương. Cũng bởi thế, ta mừng vui khi Lan cùng bà con xứ Mường nơi đây thành công với mô hình trang trại trồng rau sạch ngay trên đất bạc màu, nuôi cá lồng bè trên dòng sông bấy nay tanh hôi nặc nồng xú khí… Và càng mừng vui hơn khi, ngay trên mảnh đất đời người ấy, mảnh đất “ngẩng đầu thấy núi, cúi mặt thấy rừng”, tình yêu hạnh phúc lứa đôi đã nảy sinh và đơm hoa kết trái với Hoàng và Thảo, với Lan – cô gái Hà thành và anh chàng Luân vốn cùng đam mê sở thích trên đồng đất quê nhà. Cảm động và ngưỡng mộ một lớp thanh niên mới với trí tuệ và khát vọng mãnh liệt, họ đã thực hiện ước mơ làm giầu chân chính, lập nghiệp cho mình và cống hiến cho cộng đồng. Họ xứng đáng với ông cha một thời bão lửa chiến tranh vì tự do, độc lập và viết tiếp những trang sử mới thời kinh tế thị trường.
Cuối cùng, một thành công nữa của Nguyễn Thanh Tùng trong “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” là đã góp tiếng nói với khá nhiều cây bút cùng thời không né tránh, khi đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, bức xúc, quyết liệt có ý nghĩa sống còn. Đó là vấn đề ruộng đất, là khát vọng “người cày có ruộng” được đặt ra như một nhiệm vụ trọng đại ngay từ hồi đầu cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ. Sau hơn 70 năm làm cuộc cách mạng “thay sông đổi núi” nhưng cơ cấu thành phần xã hội nước ta vẫn còn gần 70% số dân là nông dân, thì ruộng đất vẫn là nguồn sống của mỗi gia đình. Thế nhưng lợi dụng điều luật về quyền sở hữu ruộng đất thuộc về tập thể và nhà nước, cho nên khối kẻ đã làm liều, làm bậy. Đất đai trở thành nguyên nhân tha hóa con người ghê gớm. Quá nửa những vụ khiếu kiện kéo dài đông người, phức tạp…đều gắn với đất đai. Quan tham “ăn đất” rất khủng khiếp, cho nên nói không ngoa: động đến đất đai là mất cán bộ, là hư hỏng, “thân bại danh liệt” khối ông to bà lớn…
Trong “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”, sẽ bắt gặp những cán bộ tự cho mình cái quyền thay mặt dân bản quyết định số phận, giá cả những “bờ xôi ruộng mật”mà người nông dân đã làm chủ tự bao đời, hoặc được chia cấp. Chỉ cần có dự án là họ giơ tay khoát một cái mất cả vùng đất. Và chỉ cần có một bản đồ chi tiết là : “Ông ấy coi vận mạng con người ta như giun gián” (tr 302)… “Tệ nhất là tiền bồi thường trong việc hoán đổi mỗi mét vuông đất không mua nổi cân thóc”, nhưng  “phân lô bán nền tiền triệu một mét” (tr 303). “Người ta cứ nhắm vào những nơi đất bằng, ruộng tốt” (tr 372), mà vẽ ra bao nhiêu những điều mỹ miều, của những cái gọi là dự án.
Nơi Thung Khe, mất đất là mất nơi canh tác, mất không gian mưu sinh, đã đành! Hệ lụy lớn nhất của mất đất, còn là mất tất cả không gian văn hóa. Cái cũ tiêu ma rất nhanh, cái mới chưa kịp định hình tương thích nên mới dở khóc dở cười, bi hài bát nháo: “không khí làng trên xóm dưới không còn giữ được sự yên bình, trầm lắng trên những con đường bê tông sạch sẽ và ấm áp trong từng ngôi nhà sàn bé nhỏ nhưng đậm tình thân khi tối lửa tắt đèn”(tr 365). Lối sống thực dụng coi trọng đồng tiền len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống phá vỡ cái nề nếp ngàn đời thân thương trân quý của người dân tộc Mường nơi đây.
Viết tới những dòng này, tôi được biết qua các phương tiện truyền thông chính thống Đảng và Nhà nước đang tổ chức những cuộc Hội thảo xem xét, kiến nghị để tiến tới sửa đổi Luật đất đai. Nó đã quá lỗi thời, nên việc sửa đổi dẫu muộn còn hơn cứ để mãi gây nên những hậu quả xấu khôn lường.
Bởi thế, tôi rất muốn trích vào đây gần trọn trang 467, ở cuối tác phẩm “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”, lời một vị lãnh đạo tỉnh, khi ngộ ra rằng:  “Không thể đổi kinh tế bằng bất cứ giá nào, không thể vì lợi ích trước mắt mà tham bát bỏ mâm, vứt bỏ bờ xôi ruộng mật để tự hủy hoại chính những người dân đang sống và mang tội với con cháu đời sau. Hãy nhìn đi. Cả một dải đồng bằng Bắc Bộ, từ Phú Thọ đến Nam Định, Thái Bình. Hai bên bờ con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Nhà máy công trường phủ kín mặt đất, đâu còn những bóng dáng những đồng quê an bình sau lũy tre xanh. Phải giữ lấy màu xanh của núi rừng, sông suối. Phải kêu gọi các doanh nhân trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp không khói ở tỉnh nhà. Những khu nghỉ dưỡng cao cấp cuối tuần phải được phát triển mạnh hơn, đa dạng hơn mới đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân và xã hội. Du lịch bốn mùa với những thắng cảnh thiên nhiên thuần chất bản địa như Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi… Chúng ta có hang sâu, động lớn, những thôn bản còn nguyên sơ, người dân thân thiện chân chất thật thà. Phải giữ cho bằng được cái nguyên sinh hoang dã của thiên nhiên. Mở thêm đường lớn, giao thông thủy bộ thuận lợi để nhân dân cả nước và du lịch quốc tế đến với bản làng hoang sơ ấm nặng tình người đắm chìm vào thế giới…huyền ảo,kỳ bí linh thiêng của đất trời”. Mong sao đây không chỉ là sự thức tỉnh của một quan đầu tỉnh ở Hòa Bình mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước, trước khi quá muộn. Và dù là lời của nhân vật nào, thì khi đã đưa vào tác phẩm, nó cũng trở thành lý tưởng xã hội và quan điểm thẩm mĩ của nhà văn. Nhà văn muốn qua đó nêu lên một đề nghị và muốn tìm ở bạn đọc sự “đồng ý, đồng chí , đồng tình”…
 “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” không phải không có những sai sót hạn chế về nghệ thuật tiểu thuyết. Nhưng đọc một tác phẩm văn chương, đồng thời với việc cảm nhận cái đẹp nghệ thuật, người ta còn ao ước tìm thấy những vấn đề nhân sinh – thế sự nóng bỏng, gay gắt bức xúc, cùng với những biện minh, lý giải…mà người cầm bút thay lời cho muôn triệu người. Chỉ có như thế, tác phẩm mới có giá trị hiện thực và nhân đạo, sống mãi với thời gian. Xét theo phương diện ấy sẽ thấy trân quý Nguyễn Thanh Tùng rất nhiều. Nhà văn đam mê một cuộc “chơi tiểu thuyết”, tới mức từng bỏ Hà Nội lên lập một trang trại nhỏ ở Hòa Bình hàng chục năm nay“như một trải nghiệm để anh có cái tiểu thuyết khá đáng đọc này”(Nguyễn Thế Khoa). Đồng thời cũng thấy nhà văn đặt vấn đề trúng và đúng, không né tránh những gì mà người ta hay gọi là nhạy cảm. Nhà văn đã lý giải bằng hệ thống các hình tượng nhân vật và các tình huống truyện khá hấp dẫn, cùng với mạch văn giầu cảm xúc như cái chất nghệ sỹ thường trực trong tâm hồn một biên đạo múa chăng? Đây đúng là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc và suy ngẫm.

 

  Đinh Thiên Hương

 


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả