Một công trình Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình sân khấu giá trị

11:45 | 14/08/2020

 

Với 823 trang viết và 6 trang phụ lục, công trình “Sân khấu – Truyền thống và hiện đại” (Nhà xuất bản Sân khấu, 2019) của Nguyễn Thế Khoa, cây bút sắc sảo của Tạp chí Văn hiến Việt Nam, yếu nhân của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc có chiều rộng về đề tài nghiên cứu và chiều sâu của những vấn đề nêu lên.


PGS. Tất Thắng 

01. Mặc dù đã quen biết và mến yêu Nguyễn Thế Khoa, một người bạn nghề chân thành, giản dị và tế nhị, một cây bút con nhà nòi (cha đẻ là nhà sân khấu học Mịch Quang, nhà nghiên cứu, tác gia Tuồng sắc sảo, mà tôi hằng kính trọng như một người thầy trong lĩnh vực Tuồng học), tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc cuốn sách – công trình của anh. Bởi vì tôi đã bắt gặp ở đây một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với sự hiểu biết rộng sâu về nhiều lĩnh vực của Văn hóa – nghệ thuật Việt Nam xưa và nay.

01.1. Ngoài những trang viết về nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, Thế Khoa còn bàn khá sâu về nghệ thuật diễn xướng dân gian với cách tiếp cận khá mới mẻ như Dân ca Quan họ,  Hát Xẩm… Ngoài những tiểu luận về Tuồng, anh còn có nhiều tiểu luận về các kịch chủng: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Kịch hát Bài Chòi… Ngoài chân dung một số tác gia Tuồng cự phách như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Tống Phước Phổ, Mịch Quang, anh còn khắc họa diện mạo các tác gia Kịch nói Học Phi, Xuân Trình, Thanh Hương, tác gia Chèo Trần Bảng, các tác gia Cải lương Trương Duy Toản, Viễn Châu. Bên cạnh các bậc cao niên lão thành, những người lớn cả về sự nghiệp và tuổi đời, Thế Khoa đã không quên thế hệ kế tiếp như các đạo diễn Xuân Đàm, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Anh Tú, Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên…các tác giả Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Sỹ Chức, Văn Trọng Hùng, Văn Sử, Thiều Hạnh Nguyên…các cô đào trẻ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… Ngoài ra, đâu đó, trên những trang viết của Nguyễn Thế Khoa, ta còn bắt gặp một vở diễn được phê bình, một hiện tượng sân khấu được bàn luận… và cả một hệ thống sự kiện, vấn đề (proble mentique) của đời sống sân khấu xưa và nay…

Về các thành viên sáng tạo nghệ thuật sân khấu, ngoài tác gia, Nguyễn Thế Khoa đã không quên đạo diễn, diễn viên và cả khán giả. Nhân đây phải nói ngay rằng, lâu nay, khi bàn về sân khấu, chúng ta thường chỉ quan tâm đến khâu sáng tạo mà ít chú ý đến khâu tiếp nhận (trong khi đó thì ngành mỹ học (esthétrque) đã có khoa Mỹ học tiếp nhận). Cụ thể là ở lĩnh vực sân khấu chúng ta chỉ chú ý đến các tác gia, đạo diễn, diễn viên mà ít quan tâm đến khán giả. Vì thế tiểu luận “Nghệ thuật biểu diễn và cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội” (tr. 534 – 546) theo tôi là một điểm sáng trong công trình của  Nguyễn Thế Khoa. Trong tiểu luận này, anh đã tìm hiểu những thành tựu của Nghệ thuật biểu diễn trên đất Thăng Long Hà Nọi hơn 1000 năm nay… trong sự kết hợp biện chứng giữa hai khâu sáng tạo và tiếp nhận, cụ thể là giữa trình diễn và cảm thụ. Với quan điểm đó, Nguyễn Thế Khoa đã bắt kịp tư tưởng Mỹ học tiếp nhận hiện đại khi không chỉ coi khán giả sân khấu là người đồng sáng tạo mà tất cả những người tiếp nhận văn học nghệ thuật (khán giả nghệ thuật và độc giả văn học) đều là người đồng sáng tạo của các thể loại nghệ thuật và văn học. Bởi vì chỉ khi có người tiếp nhận tiếp xúc với văn học, nghệ thuật, tức là chỉ khi độc giả hoặc khán giả thực hiện hành động đọc hoặc xem tác phẩm văn học, nghệ thuật thì tác phẩm ấy mới thực sự hiện hình mà thôi. Song có điều cần lưu ý: khán giả sân khấu là người đồng sáng tạo trực tiếp (tại chỗ, tại lúc trình diễn tác phẩm) của nghệ thuật này. Có thể nói rằng, “Sân khấu – truyền thống và hiện đại” là một công trình đồ sộ.

01.2. Trở lên trên là nói sơ qua về cái mà lâu nay ta hay gọi là diện. Thế nhưng, công trình của Nguyễn Thế Khoa đã không chỉ nổi bật ở diện, mà còn rất đáng ghi nhận ở điểm, tức là sự đi sâu vào một hiện tượng một sự kiện, một khuôn mặt nào đó… Việc kết hợp giữa diện và điểm, hay đúng hơn là từ diện đến điểm, từ mở rộng đến đi sâu đã làm nên phẩm chất sâu rộng trong nội dung công trình của Thế Khoa.

Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tổng biên tập tạp chí Văn hiến VN.

02. Các tiêu điểm thu hút sự quan tâm nhất của tôi ở công trình của Nguyễn Thế Khoa, ngoài chùm tiểu luận khá sắc sảo, bất ngờ của anh về Dân ca quan họ, chắc chắc là  chum tiểu luận về Đào Tấn, tác gia, bậc Hậu tổ của nghệ thuật Tuồng, được anh dành nhiều tinh lực, tâm huyết tìm tòi, phát hiện…

02.1. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đưa một tá (12) bài về Đào Tấn – bậc Hậu tổ của nghệ thuật Tuồng mà Thế Khoa xem là “Nhà soạn Tuồng vĩ đại”. Cũng vẫn với thói quen nghiên cứu (habitude d’etude) là việc mở rộng diện tìm hiểu, Nguyễn Thế Khoa đã mở đầu hệ thống bài viết của mình về Đào Tấn bằng bài Đào Tấn – Đóa mai giữa chốn bụi lầm (tr 9 – 16). Tôi vốn không am hiểu về thơ đến mức có thể bàn luận gì về bài viết này. Hơn nữa, tôi còn nghĩ rằng làm như vậy thì chỉ là “tát nước theo mưa” mà thôi. Song le, ở bài viết này, mặc dù có nhiều cảm thụ và hiểu biết về thơ, nhưng bản thân Nguyễn Thế Khoa đã chỉ tập trung vào cái tôi trữ tình (Le Moi lynque) của Đào Tấn khi anh đặc biệt quan tâm đến câu thơ trong bài “Hành lộ ngẫu đắc” của cụ Đào “Thanh khoán ngâm hoài tự thử trung”, mà Xuân Diệu dịch là “Trong sạch lòng thơ với nước non”, mà Nguyễn Thế Khoa coi đó là “câu thơ gói gọn cả một đời làm người và làm nghệ thuật vì nước non của danh nhân Đào Tấn”. Tôi hiểu là dẫu có dẫn, có bình câu thơ nào khác của cụ Đào, thì NguyễnThế Khoa cũng chỉ muốn nêu lên nhân cách thi nhân của Đào Tấn, trước hết là tâm hồn và sau đó là tầm vóc của nhà thơ mà thôi.

02.2. Cũng với thói quen nghiên cứu đã trở thành một dấu vết phong cách của tác giả, Nguyễn Thế Khoa tiếp tục nhìn Đào Tấn như “Một nghệ sĩ thiên tài, một chính khách mẫu mực”. Anh đã mô tả Đào Tấn không những là một nhà hoạt động văn hóa lớn, toàn năng với việc đã “sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở Tuồng”, là tác giả của tập sách có tính chất lý luận sân khấu (Hý trường tùy bút), là người sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật Tuồng Học bộ đình…, là tác giả của hơn 1000 bài thơ, từ và tập tùy bút Mộng Mai Văn sao..mà còn là một “chính khách mẫu mực”. Nguyễn Thế Khoa với những bằng chứng lịch sử vững chắc dã chứng minh vị đại quan Đào Tấn với 4 lần làm Thượng thư ba lần làm Tổng đốc là một vị quan liêm chính, yêu nước thương nòi, được các vị vua triều Nguyễn đánh giá cao ở phẩm chất “thanhm thận, cần” và “bất úy cường ngự”. Anh cho biết nhà vua yêu nước Thành Thái từng có một bài chế chúc mừng Đào Tấn  nhận tước Vinh Quang từ với những câu thơ đầy trân trọng: ““Văn chương chúa mến, nghiệp bút nghiên giỏi việc trung thư/Đức độ dân thương, tài cai trị trội hơn tam phụ”. Anh còn cho biết Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã từng nhận xét đầy khâm phục đức độ hơn người của Đào Tấn như sau: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân”. Rồi chuyện Đào Tấn không những có quan hệ mật thiết mà còn là ân nhân của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần “Chính khách mẫu mực” là đóng góp mới của Nguyễn Thế Khoa, khi trước anh, chưa ai viết sâu như thế về Đào Tấn ở tư cách rất lớn này

02.3. Trong khi tìm hiểu thân thế cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đào Tấn, ở lĩnh vực thơ, nơi ẩn giấu cái tôi trữ tình của thi nhân, Nguyễn Thế Khoa đã phát hiện một điều thú vị và có giá trị nhận thức: nó cho ta, độc giả ngày nay, biết và hiểu trong tâm hồn, cái tâm sự của một “bậc trọng thần được các vua Nguyễn sủng ái” ấy lại là: “người chê trách miệt thị chốn quan trường nhiều nhất trong thơ và từ”. Nguyễn Thế Khoa xem đó là một “mâu thuẫn kỳ lạ”. Kể ra kỳ thì có kỳ mà lạ cũng có lạ, nhưng nhìn vào triều chính phong kiến không những ở Việt Nam, mà ở cả Trung Hoa xưa, những ông quan to trong Triều được Thiên tử, nhà vua sủng ái, nhưng vì “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” và với tư cách một nhà thơ chân chính… một số vị quan to kia, như Khuất Nguyên, Đào Tấn… đã chán ngán chốn quan trường mà bỏ về nơi thôn dã, để hòa mình vào cuộc sống đời thường, cuộc sống của nhân dân… để tìm cảm hứng sáng tạo thi ca (thi hứng) và làm thơ. Khuất Nguyên từng được triều đại Sở Hoài Vương (328 – 29 TCN) trọng dụng, thăng quan tiến chức đến ngôi vị Tả Đề (chỉ dưới chức Lệnh Doãn – chức tương đương với Tể tướng). Nhưng vì thói ghen tức đố kỵ, xúc xiểm, ly gián của bè lũ quan lại nịnh thần, nhà thơ lớn của Trung Hoa cổ đại (340 – 278) đã bị đày về Giang Nam và… rồi nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Tâm sự chán ngán, giọng điệu oán trách, và ý tứ lên án sự thối nát của nơi Triều chính, chốn quan trường thể hiện trong nhiều thi phẩm của Khuất Nguyên, và nơi kết tinh đông đặc nhất là ở tập thơ Cửu chương (chín chương): Quýt tụng (Ca tụng quýt), Tích tụng (Tiếc thương ca ngợi), Trừu tư (Rút bày tâm tư), Tư mỹ nhân (Nhớ người đẹp), Bi hồi phong (Buồn gió xoáy), Thiệp giang (Qua sông Trường Giang), Ai Sính (Thương thành Sính), Hoài sa (Nhớ đảo cát), Tích võng nhật (Nhớ ngày trước). Ảnh hưởng chủ đạo của tập thơ là phẫn nộ. Khuất Nguyên gọi lũ nịnh thần, xúc xiểm là chó thôn dã kéo đàn mà sủa (Hoài sa), chê trách nhà vua là hồ đồ (Tích võng nhật)… còn Đào Tấn thì qua cuộc trải nghiệm cuộc đời làm quan đã thấu tận gan ruột xương tủy “cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan như ông” ở chốn quan trường qua lời căn dặn các con:

Các con chưa tỏ sự đời

Lợi danh đâu phải phận người văn chương

Phong trần cha đã ê xương

Chớ chen vào chốn quan trường mà chi.

Tác phẩm

03. Về hoạt động và sáng tác Tuồng của Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa đã khá công phu khi tìm hiểu và đưa ra những nhận định, đánh giá xác đáng.

03.1. Ở chương thời kỳ từ Duyệt Thị Đường đến Như Thị Quan (tr 29 – 51), Nguyễn Thế Khoa rút ra công lao của họ Đào trong cuộc cách mạng Tuồng hát. Về điểm này thì người cha của Nguyễn Thế Khoa, nhà nghiên cứu, tác gia Tuồng Mịch Quang đã phát hiện khi ông so sánh phong cách sáng tác của Đào Tấn với Nguyễn Hiển Dĩnh, một người là Tuồng hát, còn người kia là Tuồng nói. Đóng góp của Nguyễn Thế Khoa là anh đã  dẫn giải phát hiện này qua các vở Tuồng của Đào Tấn mà tiêu biểu là các vở “Hộ sanh đàn”, “Diễn Võ Đình”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, với những ca từ đầy chất thơ và chất nhạc của Tuồng hát Đào Tấn như:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

(Hộ sanh đàn)

Tấm thân liễu gửi cung dâu

Đố con lương mã biết đâu là là nhà

(Diễn Võ Đình)

Đọc đến những câu thơ hay trong Tuồng hát của Đào Tấn, mà Nguyễn Thế Khoa dẫn giải, tôi chờ câu thơ hay trong Tuồng Trầm Hương các của Đào Tấn mà Xuân Diệu chỉ là “hay đến rợn người” như những nhân vật của Iuneskô chờ đợi Gôđơ. Có điều ở vở kịch phi lý này Gôđơ không bao giờ đến, còn ở bài “Đào Tấn và những cách tân nghệ thuật biên kịch” (tr 125 – 136) tôi đã thoải mãn.

Lộc đài lương dạ khai xuân yến

Chỉ thính đăng tiền quỷ xướng thi

(Đêm ngát tiệc xuân đài Bá Lộc

Chỉ nghe tiếng quỷ hát bên đèn)

(Xuân Diệu dịch)

03.2. Các vở Tuồng khác như “Tân dã đồn”, vở đầu tay của Đào Tấn, “Cổ thành”, “Trầm Hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn Võ Đình”, “Hộ sanh đàn”, Nguyễn Thế Khoa đã dẫn giải nội dung, cốt truyện (fabal) và phân tích các chi tiết (detaille) các tình tiết (intrigue), các sự kiện (événement), các sự biến (katastrophe) một cách sáng rõ (clair) và thuyết phục, rồi đưa ra những xác định ngắn gọn mà xác đáng. Chẳng hạn anh nhận định “cái đáng nói trong vở Tuồng đầu tay này là ở đây Đào Tấn đã đặt chữ Hiếu ngang với chữ Trung thậm chí còn hơn cả chữ Trung”. Còn ở vở “Cổ thành” thì Nguyễn Thế Khoa lại nhận định “Đào Tấn đã sáng tạo ra một nhân vật Trương Phi theo hình dung của ông, một Trương Phi đậm chất Việt Nam”. Còn ở hai vở phóng tác từ truyện Phong thần của Trung Hoa là “Trầm Hương các” và “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” thì Nguyễn Thế Khoa lại đưa ra nhận định: “Trầm Hương các là một tiếng chuông báo động khẩn cấp về một nguy cơ, một thảm họa (của một vương triều) nếu không được kịp thời ngăn chặn, và vở Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan là bản cáo trạng chính vương triều đó”. Vở “Diễn Võ Đình” là một bi kịch lạc quan, vở “Hộ sanh đàn” là một kiệt tác sân khấu.

03.3. Song điều mà tôi quan tâm nhất khi đọc và ngẫm những điểm mới của Nguyễn Thế Khoa, khi nghiên cứu về Tuồng Đào Tấn.

03.3.1. Thứ nhất là anh đã xác định hai “loại hình”, tôi tạm gọi như vậy, về người anh hùng trong Tuồng Đào Tấn. Loại thứ nhất là những anh hùng trong khuê các và loại thứ hai được anh yêu mến và ca ngợi là những anh hùng chân đất. Phẩm chất của những anh hùng loại thứ nhất được Nguyễn Thế Khoa xác định là tinh thần yêu nước và lấy “Yêu nước chuộng nghĩa” làm động lực hành động. Loại anh hùng chân đất được anh xếp vào tầng lớp dưới cùng của xã hội. Đó là Tiết Cương, Lan Anh, và nhất là cô gái Thượng Hồ Nô, nhân vật mà theo anh, Đào Tấn đã dành nhiều tâm huyết, dụng công để sáng tạo nên một hình tượng có tính kỳ, tính lạ và nhất là để thể hiện sự phát hiện của nhà viết Tuồng từng làm quan to về “phẩm chất anh hùng, cái vĩ đại ở những con người bình thường, nhỏ bé, bần hàn nhất, thậm chí bị coi là “mọi rợ” nhất”. Hơn nữa, Thế Khoa còn nhấn mạnh về tài hoa của Đào Tấn khi vận dụng cung cách nói năng, đặc điểm ngôn từ là của một cô gái người dân tộc miền núi, khi đưa làn điệu Lý Thượng vào vở Tuồng, nó tạo nên tính độc đáo trong sáng tác Tuồng của Đào Tấn, và hơn nữa trong kho tàng văn học Tuồng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

03.3.2. Cuối cùng là những cách tân của Đào Tấn trong nghệ thuật biên kịch. Đó là

– Từ quan hệ quân thần đến quan hệ dân nước, từ sử thi đến đời thường, từ con người quốc sự đến con người xã hội,

– Từ Tuồng pho đến Tuồng một hồi

–  Nâng cao ngôn ngữ thơ và đưa ngôn ngữ đời thường vào tuồng.

Tất nhiên, ba cách tân lớn trên của Đào Tấn đã được dẫn giải cụ thể trong một số vở, đặc biệt hai vở “Trầm Hương các” và “Hộ sanh đàn”.

04. Cuối cùng là ấn tượng của tôi về công trình Sân khấu – Truyền thống và hiện đại, Nguyễn Thế Khoa – tác giả của công trình ấy – vì công trình đó là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tư duy logic và tư duy hình tượng về con người tác giả – đó là sự kết hợp giữa người nghệ sĩ và nhà nghiên cứu.

05. Song, cũng có đôi chỗ cái nhiệt huyết nghệ sĩ dâng trào lên ngòi bút nghiên cứu của mình, mà Nguyễn Thế Khoa đã không kiềm chế được ngòi bút để nó trào ra một số nhận xét, đánh giá, ca ngợi đến hết lời, để rồi đưa ra những nhận định có phần hơi quá.

06. Tuy nhiên nếu nói về sai sót, thì gần như hầu hết các công trình nghiên cứu, lý luận phê bình của chúng ta đều có, hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc trầm trọng, hoặc đáng tiếc… Còn nhìn một cách toàn diện thì, theo tôi, cuốn Sân khấu – Truyền thống và hiện đại của Nguyễn Thế Khoa là công trình dồ sộ, xứng đáng được tặng Giải thưởng Nhà nước, nếu so sánh với một vài cuốn cùng thể loại đã được tặng Giải thưởng cao quý ấy.

7/2020

>> Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam, được giải B Giải thưởng Lý luận phê bình năm 2019

PGS. Tất Thắng

 

Cùng chuyên mục

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”