Một con người vĩ đại, một nhà văn vĩ đại đã ra đi

23:14 | 25/07/2021
Sau hơn 11 năm kiên cường âm thầm sống trên giường bệnh ở nhà trong sự chăm sóc tận tụy của người bạn đời xinh đẹp son sắt Hồng Mai, theo nhà văn Thiên Sơn, cháu ông, nhà văn Sơn Tùng đã lặng lẽ ra đi đêm qua ở tuổi 94 (1928 – 2021). Đối với tôi, từ lâu, Sơn Tùng đã là một con người vĩ đại, một nhà văn vĩ đại. 
Nhà văn Sơn Tùng vừa mới qua đời.
Không vĩ đại sao được một con người trọn đời chiến đấu hy sinh vì đất nước, thương tật đầy mình đã từ chối mọi ưu đãi của Đảng, nhà nước mà ông xứng đáng được hưởng, bình tâm sống nghèo khó hơn 50 năm tại một căn hộ tập thể tồi tàn chưa đến 20m tại khu Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội.
Tại đấy, với 14 vết thương trên mình, với mấy mảnh đạn trong đầu không thể lấy ra được, với đôi tay và đôi chân tàn tật, đôi mắt suýt mù lòa, người thương binh hạng 1/4 Bùi Sơn Tùng đã bền bỉ rèn luyện phục hồi sức khỏe, đi nhiều nơi tìm hiểu, nghiên cứu, giữ sự trong sáng liêm chính của cuộc đời và tâm hồn, để viết hơn 20 tác phẩm văn học về các nhà yêu nước VN, trong đó có hơn 10 tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ căn hộ đó, ông còn được mời đi nói chuyện hơn 530 buổi tại nhiều địa phương đơn vị trên khắp đất nước về Bác. Không ngoa khi coi những buổi nói chuyện thường kéo dài đến 4,5 tiếng đồng hồ, hết sức chân thật, hấp dẫn, xúc động, thẳng thắn mà ai đã từng được nghe không bao giờ quên đó là những tuyệt phẩm văn nói mang thương hiệu Sơn Tùng. Đây là những bài nói người không chỉ nghe một lần mà đã ghi âm để nghe lại nhiều lần và coi như của quý nhân bản cho nhiều người khác được nghe.
Các tác phẩm về cuộc đời Bác Hồ như Búp sen xanh, Bông sen vàng, Từ làng Sen, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Bác về, Chung một tình thương Bác, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng…được liên tục tái bản, riêng Búp sen xanh số lần tái bản đến nay có lẽ đã đến vài chục lần, với số lượng đã lên đến hàng triệu bản. Sơn Tùng còn nói với tôi ông đang ôm ấp và bắt đầu thực hiện cuốn sách mà ông coi là lớn nhất của mình có tên Hồ Chí Minh, trăm năm chưa thấu tỏ ngọn nguồn, cuốn sách ông sẽ nói hết những bí mật mà ông chưa nói được trong cuộc đời 79 năm của Bác, nhất là khi ở trên cương vị lãnh tụ của Đảng, của đất nước. Cuốn sách đang dang dở thì ông bị đột quỵ, không còn viết tiếp được nữa…
Sơn Tùng là nhà văn đầu tiên đã dựng chân dung chân thực của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lịch sử đất nước, trong sự ảnh hưởng của văn hóa VN, của quê hương, gia đình. Đó là một thiếu niên, thanh niên dòng dõi Nho gia, con nhà quan chứ không phải bần cố nông như người ta vẫn tuyên truyền.
Tác phẩm của Sơn Tùng cho chúng ta biết, trước hết và sau cùng, Hồ Chí Minh là một người yêu nước, thương dân chân chính, tận tâm tận lực. Nếu có một chủ nghĩa nào Bác trung thành nhất thì đó chắc chắn là chủ nghĩa ái quốc, chủ nghĩa tôn dân.
Với Búp sen xanh, Bông sen vàng, Sơn Tùng đã đi trước cả giới sử học nước nhà trong việc xóa bỏ định kiến về triều Nguyễn như một triều đình tối phản động trước đó với những hình tượng vua quan vì nước vì dân như tri huyện Nguyễn Sinh Huy, tổng đốc, thượng thư Đào Tấn và nhà vua Thành Thái, mà theo Sơn Tùng, ngoài ông bà, cha mẹ, anh em, đó những người đầu tiên có ảnh hưởng tới hình thành nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.
Con người vĩ đại, nhà văn vĩ đại, người luôn luôn tôn trọng sự thật và luôn dám nói thật, một nhân cách hiếm có trong văn học VN hiện đại đó rất xứng đáng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Nhưng nhà văn vĩ đại đó, tác giả của những tác phẩm văn học thành công nhất về Hồ Chí Minh, không hiểu vì sao lại chưa bao giờ được Hội Nhà văn VN đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thật nực cười khi một đại diện của Hội từng cho biết do Sơn Tùng không đủ phiếu tại Hội đồng xét giải cơ sở. Dù vì bất cứ lý do gì, Hội Nhà văn VN còn nợ một trong những thành viên ưu tú nhất của mình món nợ lớn đó và sẽ phải nhanh chóng được thanh toán sòng phẳng.
Với vinh dự được ông coi là hiền đệ, xin chia sẻ nỗi mất mát to lớn với chị Hồng Mai, với cháu Sơn Định, với gia đình, xin cúi đầu vĩnh biệt đại huynh Sơn Tùng thân yêu, niềm tự hào của những ai quen biết ông, niềm tự hào của quê hương Kim Lũy, Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, của con người VN, của văn nghệ sĩ VN…
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám