Mộng hoàng hoa

18:52 | 01/02/2022

Chàng là một thư sinh thanh nhàn mơ mộng bên sông Bến Lỡ. Con phố thôn Thu Xà (xã Nghĩa Hòa-Tư Nghĩa-Quảng Ngãi) như một bàn cờ xinh xinh bên biển Đông cũng là nơi chàng trú ngụ cùng gia đình có chín người con. Chàng là út (sinh năm 1916 với tên Lê Quang Lương) một quý tử được cả nhà chiều chuộng yêu thương. Đôi mắt to ngời sáng của chàng ẩn chứa một khối tình bát ngát với “Mỗi cái ngó là một vì sao mọc/ Mỗi liếc yêu là phảng phất mùi hương”. Ngày ngày chàng luôn dạo gót trên phố xám xịt cùng nỗi buồn rêu phong từ cổ xưa

Chân dung nhà thơ Bích Khê.

LÊNH ĐÊNH BAO NỖI NGHÊ THƯỜNG

Thu Xà một thời là phố chợ sầm uất bên sông Bến Lỡ (Phước Giang) cách thành phố Quảng Ngãi chừng mươi cây số theo hướng Đông nam. Gần cửa biển nên Thu Xà một thời trở thành cảng biển sầm uất cập nhật hàng hóa chở về thành phố. Chàng lớn lên với sóng gió biển Đông. Tâm hồn chàng luôn dâng những cánh buồm ra khơi với những nỗi niềm bí ẩn lắng sâu. Dân Thu Xà vẫn gọi chàng là cậu Chín. Thường thường mỗi sáng sớm là trẻ con hay ông già đến cửa chờ cậu Chín cho quà. Đôi mắt chan chứa tình yêu thương của chàng được coi là đôi mắt Thu Xà chào đón bình minh. Nụ cười hiền hậu của chàng luôn được mọi người chào đón. Chàng học giỏi và lớn lên trong sự tự hào của gia đình và bà con làng xóm Thu Xà. Cho đến một ngày chàng lên Hà Nội nhập ban tú tài triết học (1932)…

Quang cảnh trong khuôn viên tưởng niệm nhà thơ Bích Khê tại Thu Xà, xã Nghĩa Hòa.

Nhưng rồi tình yêu đến với chàng thật bất ngờ. Khi ấy chàng cùng bạn mở trường dậy học ở Phan Thiết (1934). Chàng vừa tròn 18 tuổi. Một cô bé học trờ đã mê chàng. Có lẽ cũng bởi đôi mắt ngời sáng và tâm hồn trong trẻo thơ mộng của thầy giáo. Mối tình với cô gái bé nhỏ làm chàng dằn vặt tâm trạng. Thế rồi chàng bất ngờ bỏ trường và trốn lên núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam-Bình Thuận) cách Phan Thiết 30 cây số. Chả ai bắt nhưng tự chàng muốn tu chỉnh vì tội thầy yêu trò là bất nghĩa. Đầu tiên chàng mê đắm theo trái tim mách bảo nhưng sau đó lương tâm lại không cho phép. Cứ thế chàng sống trong nỗi đau chôn vùi trên đỉnh núi. Những câu thơ tình của chàng cũng bắt đầu từ đây. Trước kia chàng chỉ làm thơ Đường với niêm luật chặt chẽ nhưng giờ đây đã khác. Nhịp đập trong con tim đã chuyển động với những cơn mê tình ái: “Say khướt hơi thu/ Trong nắng dịu/ Chiều tà, lá rụng bến sông yêu/ Mơ màng thấy dạng người nhi nữ/ Buồn mác bên hoa lệ nhỏ đều” (với bút danh Lê Mộng Thu). Dần dần thơ chàng đã thoát được những cung đàn cũ từ giai đoạn này. Manh nha thời kỳ in thơ trên tờ Tiểu thuyết thứ Năm hay báo Tiếng dân…chàng đã xuất hiện một phong vị khác báo hiệu sự đổi mới.

Ngọc Kiều người yêu của Bích Khê.Bìa tập thơ Tinh Huyết-Bích Khê-in năm 1939.

Nhưng buồn thay khi đó mầm bệnh đã bắt đầu tấn công chàng ở tuổi đôi mươi. Với một tâm trạng lo sợ có đôi phần hoảng loạn của một chàng công tử còn mới chạm đến tình ái và ngại ngần với nó. Sau khi trở về nhà từ núi Tà Cú chàng đóng cửa làm thơ cùng những cơn đau ngực xuất hiện. Chàng đã phải ra Huế điều trị bệnh phổi ban đầu. Tám tháng sau khỏi những cơn ho rát ngực quay lại Thu Xà chàng như một con người khác. U uẩn sầu bi. Gia đình chiều theo ý muốn kỳ quái của chàng. Nào lên núi Ấn chữa bệnh. Sau đó còn lên chùa ở núi Phú Thọ hay ra cửa biển dưỡng tâm. Mất hơn năm trời long đong với bệnh tật. Cuối cùng chàng xin gia đình đóng cho một chiếc thuyền đi lang bạt đó đây trên sông Trà khúc. Bệnh tật dần lui. Gương mặt chàng trở lại hồng tươi. Một lần dong thuyền đi chơi cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu-Quảng Ngãi) chàng gặp lại người đẹp Bích Thủy. Giai nhân như một cứu cánh cho chàng trong cơn sầu muộn.

Nàng là người mà chàng quen biết từ khi còn dậy học ở Phan Thiết. Chàng và nàng như cá gặp nước. Cả hai cùng say đắm trong cơn mê tình ái. Nhưng khi nàng đặt chuyện trăm năm chàng đã ái ngại mọi bề. Có lẽ vì còn hoang mang vì bệnh tật. Nỗi lo sợ không mang lại hạnh phúc lâu dài cho người mình yêu nên chàng đã khéo léo khước từ. Không ngờ trong nỗi sầu muộn tương tư Bích Thủy đã sinh bệnh loạn trí. Trong cơn mê nàng gọi tên chàng. Khi tỉnh nàng cũng ngơ ngác viết tên chàng vào bất cứ chỗ nào. Đôi mắt chàng như hồ thu mơ màng ám ảnh người đẹp. Nhưng trong lòng chàng chỉ là dòng nước mắt chia phôi: “Gì nghe rạo rực? Lệ chia đôi/ Sắp nói, ô kia…sao im thôi/ Hay bởi ngoài song vàng rụng mãi/ Trời thu rớm lệ, bạn lòng ơi” (Gió lạnh). Cũng từ đây chàng lên bờ cùng nỗi đau sông nước và cuộc tình dở dang.

Để an ủi và đem lại cho chàng niềm vui của sự sống gia đình đã đưa chàng trở lại Phan Thiết và mở trường học lần thứ hai (1938). Đúng là chân mệnh của sứ giả tình yêu chàng lập tức được một người đẹp quyến rũ. Đó là Ngọc Kiều một học sinh lớp lớn tuổi ở thành phố. Nàng cũng có đôi mắt hồ thu và nụ cười tỏa nắng như chàng. Một mối tình sét đánh thực sự cho cả đôi bên. Chàng quấn lấy nàng. Còn nàng luôn cặp kè như hình với bóng với chàng. Chính đây là người đẹp sau này luôn được gọi tên trong thơ chàng. Vậy mà chàng đã bị gia đình Ngọc Kiều từ chối khi có ý định chuẩn bị lễ ăn hỏi. Nguyên do trước đó cha mẹ Ngọc Kiều đã đính ước với một gia đình giàu có ở Phan Thiết. Họ chê chàng là anh giáo nghèo.

Chàng thật sự choáng. Ngọc Kiều cũng vậy. Cả hai không thể rời xa nhưng gia đình cấm đoán và bắt con gái về. Ngọc Kiều tan nát trái tim và đòi uống thuốc tự tử. Nàng một bề đòi chết nếu không lấy được chàng. Gia đình nàng hết sức giận dữ nhưng cuối cùng đành phải chiều ý con gái và đồng ý cho gia đình chàng đến ăn hỏi chính thức. Nhưng thật oái oăm chàng lại lắc đầu vì tự ái. Chàng cho là mình đã bị coi rẻ từ đầu trong lòng khó chịu. Hạnh phúc ấy đâu phải dành cho mình. Vậy là chàng ngăn cấm gia đình mình không tiến hành lễ xin cưới nữa. Người đau khổ nhất là Ngọc Kiều. Nàng xấu hổ bỏ đi biệt xứ. Biết tin chàng đã an ủi người yêu: “Hạnh phúc ngoài trời nhiều vẻ đẹp/ Em đừng bận bịu ái ân xưa/ Lòng anh chẳng muốn cho em phải/ Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa” (nguồn thơ do nữ sĩ Lê Ngọc Sương lưu giữ)

NHỮNG CƠN MÊ HIỆN HÌNH

Nhưng cũng từ đây chàng đã có một “mối tình” khác biệt. Thiên sứ thơ đã đến với chàng. Số là ở Phan Thiết chàng có gia đình người anh chị ruột. Chàng có cô cháu Mộng Cầm cũng hay làm thơ như chàng. Hai cậu cháu rất tâm đắc đối thơ và thường đọc cho nhau nghe những câu thơ hay. Duyên cớ kỳ lạ khi tình cờ Mộng Cầm được thi sĩ Hà Mặc Tử theo đuổi. Một năm trước đó chàng gặp họ Hàn nhưng cũng không để lại ấn tượng gì. Chàng đâu có mấy khi để ý đến chuyện người khác. Nhưng rồi cô cháu gái Mộng Cầm thỉnh thoảng đưa thơ của người yêu cho cậu đọc mỗi khi Hàn Mặc Tử về Phan Thiết. Hoặc ngược lại thơ chàng được gửi đến Hàn thi sĩ như một việc làm quý trọng của giới thi nhân. Hai người đọc nhau và bắt đầu từ đây mối quan hệ dần trở nên thân thiết. Bất ngờ khi đọc thơ “Hương thơm mật đắng” của Hàn chàng giật mình và ôm mặt thán phục. Chàng ngẫm thơ của mình chẳng thấm tháp gì.

Bàn thờ thi sĩ Bích Khê ở Thu Xà. Quảng Ngãi.

Từ đó chàng nghiền ngẫm thơ Hàn và thêm kính phục thi sĩ đàn anh này. Hàn Mặc Tử hơn chàng 4 tuổi. Trong một đêm mưa gió từ biển thổi vào chàng tập trung làm ba bài thơ gửi tặng Hàn Mặc Tử. Đó là những bài “Thi tứ”, “Ảnh ấy” và “Thời gian”. Hàn thi sĩ thoáng giật mình và nhận ra đây sẽ là một tài năng tri kỷ của mình nên bèn viết thư hẹn chàng mỗi lần làm được bài mới thì gửi cho xem. Lần này chàng đã lấy bút danh mới là Bích Khê thay cho tên Lê Mộng Thu và gửi cho Hàn Mặc Tử một tập thơ mới viết. Nhưng hụt hẫng làm sao chàng đã bị trả lại bản thảo và kèm theo với một phong thư với nhiều lời khiêu khích mỉa mai. Chàng đã xé tập thơ và đôi mắt sáng bừng với ý chí nguyền thề với Hàn thi sĩ rằng, sáu tháng sau sẽ trở thành một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ bẻ bút từ giã thơ ca. Và tất cả thay đổi đột biến từ đó với Bích Khê. Chàng tập trung sáng tác với những điệu thức mới và xây dựng được những bộ hình dị biệt của mình mang phong cách nghệ thuật hiện đại. Đó chính là tập thơ “Tinh huyết” được hình thành ba tháng sau đó (Vào cuối năm 1938). Lập tức Hàn Mặc Tử đã viết lời tựa với sự sửng sốt của mình bởi một thiên tài: “Bích Khê-Thi sĩ thần linh”.

Bích Khê đã học một phần nào ở Hàn Mặc Tử nhưng có sáng tạo đột biến với thi pháp tượng trưng mà trong thời gian này không ít những thi sĩ theo đuổi. Những hình tượng về trăng và mùa thu đã được Bích Khê hội tụ mọi cảm xúc thể hiện qua những âm giai huyền diệu. Ta có thể rung cảm với điệu thức mới của “Tỳ bà” mà trước đó chưa ai thành công với bài thơ toàn âm bằng: “Buồn lưu cây đàn xin hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”. Hay với bức “Tranh lõa thể” hình ảnh trăng lung linh gợn sóng qua những thi ảnh mới: “Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường/ Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc/ Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc/ Vài chút trăng say đọng ở làn môi”. Với thi sĩ Bích Khê “Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng” bởi “Tinh Huyết” là không chỉ là yêu mà còn là nỗi đau khổ tuyệt vọng và mê dại. Đó là những giấc mơ không tưởng: “Hương say người như men say tình ái/ Kề ngực trăng người mớm vị say sưa/ Người chưa say vị chưa bưa/ Dìm trăng xuống một vùng trăng nước giãi/ Và xáo lên…diệu động bóng ngàn xưa” (Sọ người). Chàng Bích Khê càng mỗi lúc một say đắm với mộng cùng trăng: “Ngọc chia hồn để ngập mỗi đường trăng/ Cho trăng sững, trăng rờn, trăng chuyển động” (Ngọc).

Chàng luôn luôn rung lên cây đàn của riêng mình với nỗi đau trong tình ái. Chàng đã hát: “Ôi! Điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao/ Ôi! Dâm cuồng mới biết giá trăng sao” (Trái tim). Quả thật với “Tinh Huyết” Bích Khê muốn đi tới tận cùng của sự đam mê trong miền hoang tưởng. Có lẽ tuyên ngôn của thi sĩ với nhục dục đã đem lại nỗi khao khát cháy bỏng: “Những mầu thiêng khi đau khổ lên cao/ Những thơm ngào phối hiệp giữa trăng sao/ Những khoái trá truyền qua hai xác thịt” (Châu III). Cứ thế trong “Tinh huyết” là một tập hợp 33 bản tình ca với khí nhạc muôn điệu: “Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa/ Tôi tưởng chừng…da thịt biến ra thơm”; Và có thể nói thơ Bích Khê nổi bật độc đáo với những biểu tượng: “Mỗi gân trăng rúng rẩy một luồng say/ Mỗi hơi thở hoa hồng vang nức nở/ Và mạch máu không gian dường vỡ lở/ Hú ma điên-kinh động vạn hồn đau” (Châu III)

QUÁN KHÁCH XUÂN VỀ

Sau khi “Tinh huyết” dậy sóng và được các nhà thơ đề cao Bích Khê như một vì tinh tú lạ trong dòng thơ mới. Tập thơ đã đóng góp cho thời điểm rực sáng của dòng thơ tượng trưng ở nước ta. Nhưng mọi sự bỗng qua đi đối với chàng bởi chỉ năm sau Hàn Mặc Tử ra đi vì căn bệnh quái ác (1940). Sự hụt hẫng và buồn đau ập đến. Đồng thời chẳng bao lâu căn bệnh phổi lại bất ngờ quật lại. Chàng lại thêm một lần nữa vào Huế chữa bệnh một thời gian dài (1942). Một năm sau chàng quay về Thu Xà với mẹ và lần này thì ở ẩn hẳn cho dù vẫn chăm chỉ làm thơ. Nhưng có điều lạ chàng đã mất đi cái khí chất của “Tinh huyết” mà quay về với những bản nhạc xưa âm thầm và buồn đau. Đặc biệt những bài thơ về quê hương sông nước của chàng lại rất được mọi người thương nhớ. Đến nay ai ai cũng thuộc những câu thơ hay của chàng: “Nơi đây, làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa?/ Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” (Làng em).

Vẫn còn đâu đó những nhịp điệu mới trong “Xuân tượng trưng” qua những áng thơ tân kỳ: “Sương. Phất phơ lau lách/ Khe uốn mình giai nhân/ Đường non khéo điêu khắc/ Những dáng hình khỏa thân”. Nhưng số phận đời người thật run rủi mọi bề, khi tập thơ thứ hai “Tinh hoa” chưa kịp ra đời thì căn bệnh của chàng đã đến kỳ nguy kịch. Chàng chỉ còn để lại “Lời tuyệt mệnh” rằng: “Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng/ Bút thần: sông lặng ánh sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”. Và cuối cùng là lời nhắn trên bia mộ đầy nước mắt: “Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh/ Về chốn thôn già viếng mộ tôi/ Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ/ Trên mồ con quạ đứng im hơi” (Nấm mồ). Và chàng đã về trong bóng nguyệt soi đúng vào mùa xuân (17/1/1946), ở tuổi 30. Đó là chàng thi sĩ của thời đại-Bích Khê!

Vương Tâm

Cùng chuyên mục

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN