“Ngày hội ẩm thực Chay” Tam Chúc là hoạt động văn hóa tiêu biểu lần đầu được tổ chức tại Khu du lịch Văn hóa Tâm linh chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Mô hình lá bồ đề làm bằng cơm nắm đã được thực hiện bởi các các nghệ nhân ẩm thực, là điểm tỏa sáng nhất trong “Ngày hội ẩm thực Chay” Tam Chúc năm nay.
Trong Phật giáo, hình ảnh lá bồ đề là biểu tượng vô cùng thiêng liêng và cao quý, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đi khắp châu Á để truyền bá giáo lý và hướng mọi người đi theo đạo Phật. Chính vì vậy, cây bồ đề là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên nó còn được gọi là “cây giác ngộ”. Lá bồ đề có hình dạng giống trái tim mà trái tim thường ấm áp, dạt dào tình cảm, tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật luôn dành cho con người. Vì vậy, mô hình lá bồ đề làm bằng cơm nắm không chỉ là một món chay, một biểu tượng văn hóa mà còn mang ý nghĩa tâm linh cao cả.
Cơm nắm được sử dụng thực hiện là loại cơm nắm ngũ sắc, với 05 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành, thể hiện sự giao thoa giữa trời và đất, với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, dịch bệnh được tiêu trừ. Mô hình lá bồ đề làm bằng cơm nắm được thực hiện từ các nghệ nhân ẩm thực Tam Chúc. Hoạt động này tạo lên dấu ấn riêng biệt của “Ngày hội ẩm thực Chay” Tam Chúc 2022 và thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Mô hình được thực hiện từ bàn tay của 35 nghệ nhân và hàng chục khách mời là đại diện các sở ban ngành, các doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Khu Du lịch Văn hóa Tâm linh chùa Tam Chúc. Mô hình lá bồ đề bằng cơm nắm hoàn thành cũng là lúc những tiếng vỗ tay vang lên, những ánh mắt tự hào cùng niềm vui nở trên gương mặt đông đảo du khách tham dự “Ngày hội ẩm thực Chay”.
Khu Du lịch Văn hóa Tâm linh chùa Tam Chúc là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới. Nơi đây là quần thể văn hóa với những điểm nhấn tôn giáo như chùa Tam Chúc – ngôi chùa lớn nhất thế giới, Tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, vườn cột kinh và cổng tam quan,… được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam. Tam Chúc chính là nơi trở về với sự thanh tịnh, tâm an, gạt bỏ những lo toan muộn phiền của cuộc sống. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến hành hương, thăm quan hàng năm và đặc biệt là vào các tháng đầu năm, tháng giêng, tháng hai, tháng 3 âm lịch.
Có thể thấy, “Ngày hội ẩm thực Chay” Tam Chúc được tổ chức vào đúng thời điểm ngành du lịch Việt Nam mở cửa và bắt đầu “hối sinh” trở lại sau đại dịch Covid – 19, ngày hội đã thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Đây cũng là một trong những hoạt động trên hành trình khảo sát, tìm kiếm 100 món ăn ẩm thực Việt Nam do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức. Chương trình đã được hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ ngày hội nhận được sự quan tâm và hưởng ứng đặc biệt. Hình tượng lá bồ đề khổng lồ được tạo nên từ cơm nắm sẽ là biểu tượng văn hóa, dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi nhớ về “Ngày hội ẩm thực Chay” Tam Chúc!
Thùy Dương