Khi dịch COVID-19 lắng xuống, du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng hồi phục dần. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, nhiều địa phương ở vùng châu thổ trù phú này đều có số lượng du khách đến tham quan ấn tượng. Phía sau bức tranh sáng màu này có sự góp sức của nhiều nông dân với các loại hình du lịch xanh độc đáo.
Tận dụng thế mạnh sông nước
Hồi vừa hết giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, ông Lý Văn Bon (61 tuổi, ngụ Cồn Sơn, P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.CầnThơ) mừng như “bắt được vàng” vì tung ra thị trường được hàng trăm tấn chả cá. Lâu nay, du khách ở gần ở xa biết đến ông còn bởi bè cá Bảy Bon nổi tiếng với khoảng 30 lồng bè cá quý hiếm nằm giữa lòng sông Hậu hiền hòa.
Cách bờ sông Hậu khoảng mười phút ngồi đò, bè cá Bảy Bon cùng với nhà vườn Cồn Sơn là một điểm thu hút nhiều du khách khi đến với TP.Cần Thơ. Ngoài việc cung cấp cá thành phẩm ra thị trường, nuôi trưng bày các loại cá nước ngọt quý hiếm, bè cá của ông Bảy còn có các sản phẩm từ cá cho du khách đến tham quan mua về.
Nhớ lại, hồi năm 2012, ông Bảy Bon tìm được giống cá thác lác cườm nhằm thử nuôi trên dòng nước chảy. Không ít lần thất bại, rồi cũng thành công, cá nuôi mau lớn, cho chất lượng thịt dai, giòn, ngọt và làm món chả “khỏi chê” vào đâu được. Bên cạnh việc nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao như thác lác cườm, cá hô, cá trà sóc, cá mú nước ngọt, cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo, chạch lấu… ông còn thả nuôi các loại cá quý hiếm trên dòng Mê Kông đang dần cạn kiệt như cá mê rỗ, cá hồng vĩ, cá heo sông, cá ét, cá lăng đuôi đỏ…
Hơn 20 năm nuôi cá trên sông Hậu, mỗi năm, ông nghiên cứu thêm những loài cá độc lạ để nuôi, nhằm mục đích bảo tồn cá tự nhiên. Hiện ông đang theo dõi, nghiên cứu nuôi cá chốt chuột – một loài quý hiếm. Theo ông Bon, cá chốt chuột là cá nước ngọt sống ở các con sông tại miền Tây, có kích thước nhỏ, da trơn. Toàn thân cá chốt chuột có màu đen có hoa văn ngang, màu vàng hoặc trắng… Đặc biệt, tùy màu nước mà cá sinh sống sẽ có màu da khác nhau.
“Các loài cá quý hiếm chính là “vốn liếng” để tôi có thể tham gia làm du lịch sinh thái với bà con nhà vườn trên Cồn Sơn”, ông Bảy Bon nói. Hiện nay, trung bình, bè cá của ông Bảy Bon đón khoảng 10 đoàn với khoảng 100 khách tham quan mỗi ngày, cuối tuần có thể tăng gấp đôi.
Anh Nguyễn Tấn Đạt, một hướng dẫn viên du lịch có nhiều năm kinh nghiệm tại TP.Cần Thơ, cho biết điểm du lịch bè cá của ông Bảy Bon được nhiều khách tham quan ấn tượng: “Khách đặt tour nhiều điểm tham quan, tôi ưu tiên khách đến tham quan Cồn Sơn. Khách rất thích thú với những trải nghiệm sông nước miệt vườn, thăm vườn cây trái đa dạng, tìm hiểu về nghề đan võng, đặc biệt là khi được tham quan bè cá ông Bảy Bon”.
Đổi mới để thu hút du khách
Hồi đầu tháng 5/2022, anh Phạm Duy Khanh, một nông dân trẻ ở xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thắt cà vạt, mang giày tây bước lên sân khấu nhận kỷ lục tổ ong lớn nhất Việt Nam. Tổ ong nặng đến 43kg, dài 2,2m, rộng 1m, cho khoảng 15 lít mật. Anh Khanh là chủ của điểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt nằm trong vùng rừng U Minh nức tiếng với nghề gác kèo ong truyền đời. Ngay dịp lễ 30/4 vừa qua, điểm du lịch của anh Khanh đón hàng chục người xứ xa đến nghỉ dưỡng sau khi vừa tham gia xong chuyến đi bộ xuyên rừng.
Du khách sẽ ăn các món ăn được chế biến từ con cá đồng, mớ rau rừng… thăm các kèo ong “khủng” đang “ấp mật”, hái dâu treo cành thưởng thức rồi nghỉ dưỡng trong phòng mái lá ven rừng… Đang cùng hai nông dân trong xóm chèo xuồng len lỏi dọc bờ kênh dưới tán rừng thăm kèo ong đương trưa nắng gắt, anh Khanh nhảy vèo lên bờ rồi nói vọng: “Xuyên rừng về gấp vì phải tiếp đoàn khách đến tham quan. Hứa với người ta rồi!”.
Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, từ ngày 30/4 đến ngày 3/5, tổng lượt khách lữ hành và tham quan các khu, điểm du lịch, di tích trên địa bàn là hơn 83.200 lượt, trong đó có 54 lượt khách quốc tế, tăng 67,3% so với cùng kỳ. Tại các điểm du lịch “miệt vườn” như vườn chim Tư Sự, điểm du lịch sinh thái Hương Tràm, điểm du lịch sinh thái Hoa Rừng, điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt, vườn dâu Cái Tàu… đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách.
Sau chuyến kiểm tra tại một điểm du lịch xanh nông dân trên địa bàn, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, hồ hởi nói với chúng tôi: “Xe hơi đậu kín hai bên bãi. Chắc ông chủ nông dân đếm mỏi tay rồi. Hy vọng du lịch sẽ tiếp tục khởi sắc hơn nữa trong thời gian tới”.
Vừa vào rừng tràm chứng kiến nông dân thu hoạch mật ong trở về, chị Nguyễn Thị Oanh, một du khách đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết rất hào hứng với chuyến lần đầu đi trải nghiệm miền sông nước, lại được đi vào rừng thăm các kèo ong cùng với nông dân. “Nghề gác kèo ong này thật vất vả. Tôi thật hồi hộp khi thấy hàng ngàn, hàng vạn con ong bay ù ù trên đầu. Chuyến đi thật thú vị”, chị Oanh nói.
Cũng theo ông Hùng, hằng năm, địa phương đều tổ chức chương trình du lịch điểm đến với nhiều lễ hội, sự kiện trải nghiệm như săn ong, giăng lưới, cắm câu, tát đìa bắt cá, tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức ẩm thực, khai thác thế mạnh của cộng đồng sinh thái hai vùng mặn – ngọt, ngọt – lợ của Cà Mau. “Cũng là chương trình đó nhưng mình phải luôn thay đổi, càng ngày càng mới hơn, đổi mới sản phẩm để càng ngày càng thu hút khách du lịch”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM tối 8/5.
Mới đây, dư luận “dậy sóng” trước thông tin một du khách đến từ Hà Nội tố cáo bị hành hung vì không chịu mua vé tham quan vườn dâu B.H. – một điểm du lịch sinh thái tại xã Nhơn Nghĩa, H.Phong Điền, TP.CầnThơ. Theo phản ánh của nam du khách, lúc đến vườn dâu B.H. do thấy vườn cây không có… trái cây nên họ không mua vé vào. Lúc này, người lái tàu (tài công) ép nhóm của anh phải mua vé tham quan với giá 70.000 đồng mỗi người…
Qua xác minh, Công an huyện Phong Điền kết luận: “Có xảy ra sự việc cãi nhau. Quá trình cãi nhau, tài công đấm du khách nhưng người này tránh được… Nhà vườn, tài công không có hành vi ép du khách phải vào tham quan, trả phí”. Sau đó, UBND H.Phong Điền đã ra quyết định xử phạt tài công 3 triệu đồng về các hành vi “sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác…”. Ngoài ra, một vị lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ cũng đã liên hệ, gửi lời thăm hỏi, xin lỗi đến nam du khách.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, chính quyền thành phố đã có những chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phát triển du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm về quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một vài trường hợp có thái độ ứng xử chưa tốt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh
du lịch.
Thời gian tới, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Theo Báo Phụ Nữ
https://www.phunuonline.com.vn/mo-hinh-du-lich-xanh-cua-nong-dan-mien-tay-hut-khach-a1463196.html