Không nghi ngờ gì nữa, dù còn một số hạn chế, “Mệnh lệnh từ trái tim” của Sân khấu Lệ Ngọc chắc chắn là đóng góp đáng tự hào nhất của giới sân khấu nước nhà vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên. Đáng tự hào nữa đây lại là đóng góp của một sân khấu tư nhân. Đêm qua, xem “Mệnh lệnh từ trái tim”, trước độ phong phú, hoành tráng và hiệu quả của vở diễn, một nhà báo nổi tiếng đã ngạc nhiên hỏi: “Đây là Sân khấu Lệ Ngọc tự làm hay được nhà nước đầu tư?”. Câu trả lời đã rõ: Đây là ý thức chính trị của Lệ Ngọc. Công trình này hoàn toàn do Lệ Ngọc bỏ tiền ra làm với sự hỗ trợ về người của một số đơn vị nghệ thuật Trung ương, Quân đội, Công an…
Khán giả bất ngờ xúc động từ khi bước vào cửa Nhà hát Lớn cho đến sau 2 giờ biểu diễn ra khỏi Nhà hát, cảm xúc, âm thanh, màu sắc về Điện Biên vẫn theo họ về nhà.
Điều đáng khen nhất của “Mệnh lệnh từ trái tim” là đã xây dựng được một hình tượng Võ Nguyên Giáp có thể nói là chân thực nhất, thành công nhất trên sân khấu từ trước đến nay. Vở kịch lớn nhất về Điện Biên là “Bài ca Điện Biên” của Nhà hát kịch VN dựng 40 năm trước, nhân 30 năm ngày chiến thắng Điện Biên rất hay nhưng không có hình tượng Võ Nguyên Giáp… Thứ trưởng Đình Quang cùng tổng đạo diễn Doãn Hoàng Giang và NSND Đoàn Dũng đã dũng cảm “xé rào” tạo nên một cảnh thú vị không có trong kịch bản và cả kế hoạch dàn dựng: Nhân vật Chính ủy mặt trận do Đoàn Dũng đóng đã từ sân khấu chạy xuống chỗ đại tướng ngồi dưới hàng ghế khán giả, chào đại tướng theo quân lệnh và dõng dạc: “Báo cáo Đại tướng, Điện Biên đã hoàn toàn chiến thắng, De Castri đã bị bắt sống. Kính mời Đại tướng lên sân khấu chúc mừng đồng bào chiến sĩ” rồi anh dìu Đại tướng lên sân khấu khi cả khán phòng cùng đứng dậy vỗ tay hoan hô Đại tướng không dứt…
Sân khấu Lệ Ngọc quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành vở diễn mới về Điện Biên kế tiếp các thế hệ đi trước. Trong những cái hay, cái mới của “Mệnh lệnh từ trái tim” so các vở về Điện Biên trước đây là đã tập trung xây dựng thành công hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ kịch bản khá hay của tác giả Nguyễn Thanh Bình với tâm điểm là thiên tài và sự dũng cảm của Đại tướng khi chọn phương châm “đánh chắc thắng chắc” thay cho phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” của cả tập thể rất vội vàng và sai lầm trước đó cùng với tình cảm chân thành, giản dị của ông đối với Bác Hồ, đồng đội, chiến sĩ, dân công, vợ con…đạo diễn NSND Hoàng Lâm Tùng và NSUT Quang Khải đã có nhiều cố gắng khắc họa tính đa diện và chiều sâu nhân văn của hình tượng Võ Nguyên Giáp như ông trong đời thật. Đặc biệt, Quang Khải, vốn là ngôi sao cải lương, đã lao tâm khổ tứ và lao động nghiêm túc để tạo nên một Võ Nguyên Giáp ở kịch nói thuyết phục được đông đảo khán giả. Ngoài thành công của vai đại tướng, NSUT Văn Hải tiếp tục chinh phục khán giả ở vai Bác Hồ thứ hai của anh ngày càng nhuần nhụy, đặc sắc. Tiếc rằng, nhân vật đóng vai Bác xuất hiện cảnh kết rất không thuyết phục. NSND Lệ Ngọc và NSUT Lê Chí Kiên cũng đặc biệt thú vị với đôi vợ chồng già quyết cùng ra Điện Biên góp phần đánh giặc, rất tươi vui, hóm hỉnh. Các cảnh đông người dân công, bộ đội vượt đèo dốc, kéo pháo ra vào, sinh hoạt văn nghệ…nhiều sáng tạo, thu hút.
Chúc mừng thành công lớn của Sân khấu Lệ Ngọc, của anh chị Văn Hải, Lệ Ngọc, của tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn Hoàng Lâm Tùng, nghệ sĩ Quang Khải và tập thể hơn 100 diễn viên tham gia vở diễn.
Mong vở diễn được nhà nước tài trợ để phục vụ nhân dân cả nước nhiều nhất có thể trong dịp đại lễ này.
Nguyễn Thế Khoa