Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

9:36 | 10/10/2024

Mấy chục năm trở lại đây, trong đời sống văn học Việt Nam đương đại, nhà thơ ­ nhà văn ­ nhà nghiên cứu phê bình Vũ Bình Lục nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Ở lĩnh vực nào trong tư cách người cầm bút, anh cũng có những thành tựu được dư luận và bạn đọc quan tâm, trân quý; được đánh giá và có giải thưởng của các cơ quan chuyên môn. Anh trở thành một trong số ít những chuyên gia đầu ngành về sưu tầm, khảo cứu, chỉnh lí, phản biện và dịch thuật các tác giả ­ tác phẩm suốt mấy ngàn văn học Trung đại Việt Nam. Anh cũng đi sâu để có những công trình chuyên đề về một số tác gia lớn như: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…Cuốn nào cũng đồ sộ trên dưới ngàn trang in khổ lớn. Xin muợn lời của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ­ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá về Vũ Bình Lục trong cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” mới nhất đây: “Có thể nói không ngoa rằng, với bộ óc thông tuệ, nhãn quan, cảm quan nghệ thuật tinh tế, thành qủa lao động nghệ thuật của Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người”.

Cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” với hơn 1000 trang khổ 16 x 24 do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý II.2024 cũng không là ngoại lệ. Đây là tập hợp những tiểu luận nghiên cứu, những phản biện khoa học về các vấn đề văn học, văn hóa và lịch sử từ nhiều năm qua, mà bất cứ người đọc dù với mục đích gì cũng cảm thấy thú vị và hữu ích. Cho nên đọc cuốn sách này của Vũ Bình Lục, có người nói: thật là một kì công và phong phú; có người đánh giá: nó có dáng dấp của một “bách khoa thư” sâu và rộng, phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng. Trong đó có các thầy cô trong nhà trường phổ thông, mà dưới đây, trong số mấy ý kiến của mình, chúng tôi xin dành riêng đôi lời nhắc tới.

Nhà văn Vũ BÌnh Lục

Trước hết, qua “Vừa đi vừa nghĩ” thấy cái duyên nghiệp của một người cầm bút, có năng lượng dồi dào, bộ óc siêu phàm; sự hiểu biết phong phú, thông tuệ và tốc độ làm việc phi thường.

Dăm năm trở lại đây, tuy tuổi tác đã ngoài thất thập, nhưng sức viết của anh không hề giảm sút. Chưa kể hàng vạn trang trước đó cùng với các bài thường nhật trên báo chí, các dòng trên trang mạng cá nhân, nhà văn Vũ Bình Lục liên tiếp trình làng những “đứa con tinh thần” sáng giá. Tháng 7.2020, vào tuổi 72, sau những chuyến điền dã và sưu tầm tư liệu công phu, anh nộp lưu chiểu cuốn tùy bút văn ­ sử: “Trầm tích Đông Triều”mà giá trị của nó, còn phải khai thác chưa biết đến bao giờ mới thấu tận. Vắt qua 2 năm 2021 ­2022, anh giới thiệu liên tiếp bộ “Giải mã kho báu văn chương” đồ sộ: sưu tầm, tuyển chọn, dịch thơ chữ Hán, khảo luận, chú giải, chỉnh lý và bình thơ của cha ông ta suốt 10 thế kỉ văn học Trung đại. Bộ sách ấy, ngay sau đó được một chương trình khác đặt hàng, anh kịp thời sửa chữa, bổ sung và in lại thành 6 tập. Quý 4, năm 2022, Vũ Bình Lục khiến thiên hạ ngỡ ngàng bởi bộ “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn, dầy hơn 800 trang khổ lớn. Công trình này đã được Hội Nhà văn Hà Nội kịp thời động viên, tặng Giải thưởng Văn học năm 2023.

Tất cả các công trình trên đây đã góp phần để anh được Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam tặng giải cao nhất về nghiên cứu ­ phê bình văn học.

Niềm chung vui và sự thán phục chưa qua, thì quý 2, năm 2024, nhà văn Vũ Bình Lục đã “xuất xưởng” cuốn “Vừa đi vừa nghĩ”, để hôm nay chúng ta tề tựu ở đây vừa thêm nột lần nữa chung vui cùng bạn viết, vừa nêu những cảm nghĩ ban đầu về thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Nhìn vào những mùa vàng bội thu ấy, mới thấy, anh thật là một nông phu miệt mài, rất “tri điền” và “canh tác” thành công trên cánh đồng câu chữ. Có lần được viết về anh, tôi nêu nhận xét này: “Anh không ngơi nghỉ, mà chỉ giải lao giữa buổi bằng cách thay gõ chữ cuốn này, bằng cuốn sách khác mà thôi”. Nhận xét ấy cho đến giờ vẫn không sai. Vì nghe nói, anh lại vừa xong bản thảo Thơ đi sứ của các cụ nhà ta và cuốn Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Không phải chỉ là duyên nghiệp mà phải có sức làm việc phi thường và tài năng như thế nào, mới có được kết quả lớn lao và quý giá như thế. Chúng ta vẫn còn được chờ đợi từ nhà văn Vũ Bình Lục tiếp nối những công trình…

Cảm nhận tiếp theo, tôi muốn nói về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” là: khả năng bao quát đề tài, phát hiện mới mẻ, luận bàn sâu sắc, có chính kiến rõ ràng và giầu tinh thần phản biện.

Như tác giả đã nói trong “Thay lời tựa”, cuốn sách này “tuyển chọn những bài viết từ nhiều năm trước đến nay(…)những tiểu luận nghiên cứu, những phản biện khoa học(…)về một số vấn đề về văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam, chủ yếu là thời kì Trung đại kéo dài hàng ngàn năm với biết bao biến cố, thăng trầm dâu bể”.

Để bao quát và viết được những đề tài rộng lớn, ngoài nỗ lực thực học trong nhà trường và trong sách vở, nhà văn Vũ Bình Lục tự thấy mình “có chút may mắn đã từng được đi, được sống ở nhiều vùng quê đất nước, từ nông thôn, rừng núi, đến thị thành, hải đảo…” (tr. 976). Thuở nhỏ, từ một làng quê cuối bãi, cùng sông nơi đất lúa Thái Bình, với niềm khát chữ mãnh liệt anh cuốc bộ hàng chục cây số, qua mấy lần đò lặn lội sang Kiến An (Hải Phòng) theo học cấp 3 (hồi đó cũng đã xem là từ nhà quê ra tỉnh). Chưa hết lớp 10, anh đi bộ đội, được đào tạo thành lính đặc công, từng là dũng sỹ diệt Mĩ, cán bộ tham mưu tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu 5, đánh trận tung hoành ở chiến trường Quảng ­ Đà, nơi được xem là cam go, khốc liệt; là chiến địa sinh tử dữ dội nhất thời đánh Mĩ và thắng Mĩ. Giặc tan, là’ thương binh anh phục viên với ước mơ đi Đại học để đổi đời. Nhưng chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3, anh phải trở về trường xưa, học lại từ đầu, làm học trò người bạn cùng bàn thuở trước…Rồi anh trúng tuyển vào khoa Văn, ĐHSPI Hà Nội, có theo học 4 năm lớp Cổ văn nâng cao (lớp HánNôm thí điểm, lấy chứng chỉ của trường). Sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, mảnh đạn thù còn găm trong hộp sọ, không thể gắp gỡ. Thời sinh viên, anh từng mấy lần lên cơn động kinh, khi trái gió trở trời, làm náo loạn cả kí túc, khiến nhiều cô gái Văn khoa sợ thì sợ mà thương lại càng thương…

Nhà văn Vũ BÌnh Lục, nhà thơ Vũ Quần Phương và bạn bè.

Ra trường, được ưu tiên về quê làm thầy giáo trường huyện được mấy năm. Nhưng đời sống kinh tế khó khăn, anh lại cùng gia đình bồng chống nhau vào miền đất đỏ Tây Nguyên, nơi lam sơn cùng cốc. Cả hai vợ chồng vừa làm “giáo khổ”, vừa xây dựng kinh tế, nuôi các con ăn học thành người. Đến lúc tạm ấm chân lưng, ông Hiệu trưởng Vũ Bình Lục lại dứt áo hồi hương, vì sự nghiệp của các con và duyên nghiệp cầm bút của mình. Giống như sự lựa chọn của nhà bác học Lê Quý Đôn ­ đồng hương với anh thuở xưa, thấy không đâu bằng đất Thăng Long ­ Hà Nội, mới hợp với mình. Thế là, lại mất hàng chục năm lăn lộn, trải biết mấy vui buồn, anh mới “an cư lạc nghiệp”.

Sự từng trải, phong sương ấy khiến cho kiến văn của anh thêm sâu rộng, cao diệu, sắc nét bởi hiểu đời, hiểu người. Càng dồn nén, tích chứa bao nhiêu, đến khi đủ độ và có điều kiện, nó càng có nhu cầu giãi bày, thể hiện và bùng nổ.

Điều đó khiến cho “Vừa đi vừa nghĩ”, dù bàn về những vấn đề siêu cao, chuyên sâu, đầy tính học thuật (Thơ Lý ­ Trần một kì quan rực rỡ; Từ Trần Thái Tông đến Trần Thánh Tông, nối tiếp một dòng thiền; Thơ Trần Ích Tắc; Nguyễn Bỉnh Khiêm với tầm nhìn chiến lược hướng ra đại dương; Nguyễn Trãi 600 năm nhìn lại…), hay những chuyện tưởng rất bình thường của đời sống, tưởng ít có liên quan đến văn chương (Nhân tướng học, Hư danh và thực học, Quyền lực của chữ Duyên, Miền gái ngoan, Ngày xuân nhàn đàm về Danh và Lợi…); thì cũng đều lọn chữ nghĩa và thú vị, tâm đắc; thể hiện rõ cái cá tính của anh (chẳng hạn thiên hạ bàn chán vạn chữ về miền gái đẹp, thì anh thuyết phục người đọc đi tìm miền gái ngoan ­ trên đất lúa quê mình). Bài luận dù thuộc đề tài nào, ngắn hay dài cũng đều thể hiện cái tâm, cái tình và nội lực sung mãn, thâm hậu ngòi bút của anh.

Cho đến bây giờ, anh đã có hàng vạn trang viết. Không biết, Quế Đường Tiên sinh quê anh, đồng thời là nhà bác học lừng danh đất Việt từ thời phong kiến (mà lẽ ra sự nghiệp và tên tuổi của Người phải được sáng ngời và tỏa chiếu tầm quốc tế từ lâu), có là động lực gì thúc đẩy cho anh hay không. Nhưng hình như, anh noi chí của Người xưa mà “quần thư khảo biện”. Sự nghiệp trước tác của anh đủ chứng cứ cho ta nghĩ đến điều ấy. Chưa kể những tác phẩm thơ và giải thưởng thơ mà anh đã đoạt; chưa kể những tập truyện như “Đi qua chiến tranh”, cuốn “Thơ hay và lời bình”; những cuốn như “Vũ Bình Lục­ Tùy bút, tùy bút lịch sử “Trầm tích Đông Triều”; hai tập “Hồng Hạc cõi trời Nam” (dịch và bình giải thơ chũ Hán ­ chữ Nôm của Nguyễn Trãi); “Thánh thơ Cao Bá Quát”; mấy bộ sách đồ sộ vừa tự dịch vừa “giải mã” thơ chữ Hán hàng ngàn năm của ông cha, và bây giờ là “Vừa đi vừa nghĩ”; thì thử hỏi nước ta thời nay, liệu có mấy người tự làm và làm thành công được như thế? Liệu có mấy người tâm, tài, dũng cảm và tận lực được như anh?!

Đành rằng, anh “đứng trên vai những người khổng lồ” để có được “quần thư” ấy. Nhưng như trong “Vừa đi vừa nghĩ” Vũ Bình Lục tâm sự: “tư liệu vốn đã nghèo nàn trong nước, thậm chí có nhiều chỗ đã lỗi thời, hoặc những góc khuất cần được làm sáng tỏ” (tr.1008); thậm chí có những chỗ trong vốn cổ “chữ “tác” đánh chữ “tộ”, nhiều chỗ để tồn nghi lâu quá, lại có chỗ chú giải sơ sài và sai trầm trọng, mai hậu chẳng biết đâu mà lần…Thế là nhà văn Vũ Bình Lục vừa kế thừa tiền nhân vừa vừa tự gánh trên vai cái công việc nặng nhọc, phi lợi nhuận, để công phu chú giải, chỉnh lí, hiệu đính và khảo biện sao cho tỏ tường, không né tránh, rất thuyết phục và hữu dụng cho người đọc. Nhân thể, trong niềm cảm hứng của một nhà thơ tài hoa chữ nghĩa, anh dịch và chuyển thể hơn hai ngàn bài theo thể Đường thi của ông cha, sang thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát thuần Việt. Cuộc chơi thơ này của anh, vừa dụng công nghệ thuật, vừa tràn đầy nhiệt huyết và có dụng ý chính trị hẳn hoi, trong công cuộc Việt hóa những giá trị văn học của dân tộc. Nội công việc này thôi, Vũ Bình Lục đã là một trong ít người, xứng ngồi ngôi nhất chiếu trung đình, trong làng dịch thuật. Nói như cụ Nguyễn Tiên Điền: “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

Nhìn một cách tổng quát, có thể nói, trong toàn bộ trước tác nói chung và trong “Vừa đi vừa nghĩ” nói riêng, định hướng tư tưởng và tư duy của Vũ Bình Lục là biện giải, thể hiện “tinh thần phản biện khoa học nghiêm túc và đầy sức thuyết phục”(Lời giới thiệu của Chủ tịch Hội NV Việt Nam ­ Nguyễn Quang Thiều). Nó khiến nhà văn nhìn nhận, đánh giá nhiều vấn đề của lịch sử, văn hóa và văn học không khuôn thước, cũ mòn; hoặc khiên cưỡng, một chiều; hoặc mặc định chấp nhận. Vấn đề là nhà văn có tư liệu, bằng chứng; có quan niệm cùng giác độ và góc độ để nhìn nhận, khai thác và đánh giá vốn liếng đó. Vũ Bình Lục không ngần ngại, thậm chí là dũng cảm khai mở, lật lại vấn đề mà bấy nay tưởng như đã yên ổn cả. Anh đưa ra những cách hiểu khác trước, nhiều khi mới đến ngỡ ngàng. Có những chuyện thiên hạ không khỏi giật mình thon thót.

Nhỏ thì chẳng hạn, như việc Cao Bá Quát buồn chán trong “Sa hành đoản ca” là do thi “ không ngậm ớt thế mà cay” như sách giáo khoa, sách hướng dẫn dạy học cho giáo viên vẫn hiểu; hay là do nỗi chua chát, thất vọng, chán chường của những kẻ sỹ đang đi trên “con đường đau khổ”, mà nuôi chí hướng “bẻ ghi”, kiếm tìm “đại đạo lộ”. Cách hiểu mới của Vũ Bình Lục không chỉ thêm một gợi ý cho thầy trò trong nhà trường, mà còn sát với thi ảnh và mạch cảm xúc trong bài thơ. Đồng thời, nó nâng cao tầm vóc của Cao Bá Quát, như vốn có và khiến bài thơ có ý nghĩa thời sự ­chính trị ­xã hội lớn lao hơn.

Chuyện lớn hơn chút nữa. Chẳng hạn, về cái chết của cha con Đinh Tiên Hoàng và vai trò, trách nhiệm của Thái hậu Dương Vân Nga trong vụ án ấy. (Ở đây, xin nói thêm: chính sử thời phong kiến và đặc biệt là dã sử, dòng tộc nhà Đinh ở quê tôi, bấy nay hiểu không giống với những gì mà người ta đã suy diễn thái quá. Mà cái gì thái quá cũng không hay. Nó đi quá xa gốc gác của vấn đề. Ở đây, công bằng mà nói có chuyện chung ­ riêng, chuyện sinh hoạt cá nhân đời thường có thể cảm thông, hoặc cần vượt qua thói phép, vượt ra khỏi cái nhìn hạn hẹp; với trách nhiệm mang tính lịch sử vào thời khắc đất nước lâm nguy. Một bi kịch này nhưng lại nảy sinh một bản hùng ca khác. Gần đây, xem vở kịch nói “Làm Vua” của Sân khấu Lệ Ngọc, tôi cảm phục, cảm ơn tác giả kịch bản, đạo diễn và các diễn viên tài năng đã không né tránh câu chuyện này và xử lý hài hòa, có lý có tình, khá thuyết phục). Anh Vũ Bình Lục khiến tôi bất ngờ và thú vị với sự phát hiện và lời bình về hình ảnh đã quá quen từ thuở thiếu thời, mà tôi hằng được nghe nhìn. Đó là kết tinh sự hiểu biết, là nụ cười chê trách đầy ngụ ý sâu xa của nghệ nhân điêu khắc. Chớ coi thường dân gian về hình ảnh những con “chim (dơi) chuột” trên long sàng bằng đá nguyên khối, ở cửa đền thờ vua Đinh, nơi lẽ ra phải cực tôn nghiêm, chuẩn mực. Đúng là, không có nghệ thuật nào lại không bắt nguồn, không phải là tia hào quang từ thực tế đời sống, từ quá khứ rọi về và có ngụ ý sâu xa của cảm thức. Hình ảnh bức tượng đá kì lạ, nửa rồng nửa rắn, miệng cắn thân, chân xé thịt mình, được xem là chất chứa nỗi hàm oan, nỗi đau muôn đời không cũ, của vị Thái sư Lê Văn Thịnh, chẳng phải đã thêm một minh chứng đó sao?

Đã nói, xin nói thêm câu chuyện lớn hơn, có thể gọi là động trời, khi Vũ Bình Lục đặt vấn đề xem xét nhân vật lịch sử Trần Ích Tắc, như là một nhà tình báo chiến lược, hoạt động đơn tuyến, có nhiều công trạng ­ nhất là cản trở và phá tan mưu đồ cuộc chinh phạt lần thứ 4 của quân Mông ­ Nguyên sang Đại Việt. Nếu thành hiện thực, thì đây là cuộc “chiêu tuyết” vĩ đại cho một Con Người, mang thêm niềm quang vinh cho dòng tộc nhà Trần. Lời đề nghị của nhà văn chẳng khác gì tia chớp và sấm sét giữa trời quang. Câu chuyện từ quá vãng xa xôi, mịt mờ sương khói, bấy nay cả chính sử và dã sử vẫn mặc định và đương nhiên hiểu Trần Ích Tắc là tên Việt gian bán nước cầu vinh.

Nay nhà văn Vũ Bình Lục xem xét lại những cứ liệu lịch sử, hiểu theo hướng khác đi, suy luận như một luật sư theo tinh thần vô tội, gỡ tội cho thân chủ. Với những lập luận sắc bén, mang tính khảo biện, phản biện rất cao, cùng tư duy tích cực và đổi mới, Vũ Bình Lục làm cho người bình tĩnh nhất cũng ngỡ ngàng và không ít những người này người kia bức xúc, ức chế.

Tôi thiết nghĩ, bức chân dung tự họa con người tinh thần, không có chỗ nào chất chứa và thể hiện rõ ràng, sâu sắc hơn qua thơ văn. Và tôi cũng nghĩ, không phải vô cớ mà người xưa đã thay nhau biên chép, lưu giữ thơ của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, trong những hợp tuyển đồ sộ, hoành tráng (cũng như còn có nhiều cái “không phải vô cớ” khác trong cuộc đời của người trá hàng, phải âm thầm “hai mang”, hy sinh hết thảy để cứu khốn phò nguy, vì vương triều, vì xã tắc như phân tích của Vũ Bình Lục). Ở đây, nhà văn đã kết hợp phương pháp nghiên cứu so sánh liên ngành, liên văn bản và đặc biệt là giải mã thơ của Trần Ích Tắc rất cẩn trọng, công phu, để cố gắng làm sáng rõ tâm tư sâu kín của nhân vật, khi thì lóe lên chút trực cảm công khai; khi thì xa xôi bóng gió. Vũ Bình Lục muốn “trả lại sự thật cho lịch sử”, hoàn nguyên giá trị chân chính cho con người ­ nhất là, con người đó góp một phần làm nên lịch sử, hoặc chí ít cũng có bóng dáng của lịch sử! Đó là trách nhiệm của lịch sử, của chúng ta hôm nay. Chúng ta còn nợ tiền nhân một số vụ án, một số nhân vật lịch sử, chắc có nhiều oan khiên, cần được xử lí thỏa đáng dưới ánh sáng và quan điểm mới của thời đại mới ­ thời đại Hồ Chí Minh.

Về nhân vật Trần Ích Tắc, tất nhiên còn chờ thêm sự minh định của các cao nhân. Nhưng có lẽ cần có sự bình tĩnh, suy xét theo hướng cởi mở, tích cực và đổi mới, như Vũ Bình Lục đã đề nghị. Ngay thời đương đại này, có bao nhiêu câu chuyện vẫn còn “thâm cung bí sử” khiến lịch sử chưa được minh tường. Giải oan cho nhà văn ­ chiến sỹ tình báo Vũ Bằng cũng phải mất mấy chục năm, chẳng dễ dàng gì. Chiếc xe tăng nào húc đổ tung cánh cổng chính, mở đường cho đại quân tiến vào dinh Độc lập trưa ngày 30.4.1975; ai mới là người đích thực dự thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và thay mặt Quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn và việc tôn vinh người có công tích đó như thế nào? Tưởng quá dễ dàng, nhưng hoàn toàn không phải thế…Huống chi đây lại là câu chuyện lịch sử của ngàn năm trước, trong mịt mờ sương khói xa xôi. Chúng ta cần phải có một quan niệm khác, cách nhìn khác, mới mong có tiếng nói chung. Mọi so sánh đều khập khễnh, nhưng con số 6 hay con số 9, là tùy thùy thuộc vào chỗ đứng và cách nhìn ­ vào góc độ và giác độ, mà có kết quả khác nhau. Gần đây, chúng ta đã giải mã, lật giở lại, nói khác đi nhiều điều sai lầm, máy móc, ấu trĩ… mà một thời bị xem là cấm kị. Cho nên cá nhân tôi, xin có một lá phiếu ủng hộ anh Vũ Bình Lục, “chiêu tuyết” cho tiền nhân ­ chí ít cũng ủng hộ cho việc mạnh dạn đổi mới tư duy phản biện có lý có tình, có phương pháp khoa học.

Cuối cùng trong tư cách một thầy giáo, có cả đời đứng lớp ở trường sư phạm lẫn phổ thông, ở cả trường đại trà và trường chuyên lớp chọn, tôi xin có đánh giá riêng về những đóng góp trong “Vừa đi vừa nghĩ” của nhà văn Vũ Bình Lục, cho việc dạy học môn Văn ở các trường trung học phổ thông.

Vốn cũng là một thầy giáo dạy văn, cùng với năng lực cảm thụ, thấy việc cảm hiểu, hướng dẫn giảng dạy, hiệu đính, chú giải trong sách giáo khoa còn có những khiếm khuyết, bất cập, nên anh dành thời gian và sự quan tâm đáng kể cho vấn đề này. Theo thống kê, anh viết về văn học dân gian 7 bài, cộng 30 trang; văn học Việt Nam thời Trung đại 15 bài, cộng 87 trang; văn học VN hiện đại 1 bài, cộng 4 trang; văn học nước ngoài 4 bài, cộng 15 trang. Tổng cộng chung, có 27 bài, với 136 trang khổ lớn.

Thống kê cho thấy, số lượng và trang viết về các bài văn thời Trung đại chiếm ưu thế. Cũng đúng thôi, vì đó là khu vực văn bản và ngôn ngữ còn là khó khăn trở ngại cho cả thầy và trò. Đồng thời, đó cũng là khu vực chuyên môn sâu, sở trường của nhà văn.

Nhìn một cách tổng quát, dù viết về cả tác phẩm, hay bàn về một câu chữ, hình ảnh, chi tiết trong văn bản, cũng thấy nhà văn khai thác thật sâu, thấu tận vấn đề. Điều đặc biệt là ở nhiều bài, anh vẫn giữ tinh thần của tư duy phản biện, đề nghị cách hiểu mới, có lý có tình. “Nghĩ thêm về bài “Nam quốc sơn hà” bất hủ; Bàn thêm về chữ nghĩa trong “Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi”; “Sa hành đoản ca” ­ tiếng kêu bi phẫn của bậc trượng phu thất thế ”; “Tại sao không là “Bình Minh đại cáo mà là “Bình Ngô đại cáo”…là một trong nhiều những ví dụ như thế. Có những bài viết anh táo bạo nêu ra cách hiểu khác với truyền thống, hoặc tiên phong cho một cách hiểu đúng bản chất của vấn đề hơn. Ngẫm ra rất có lí và thú vị, từng được nhiều thầy cô chấp nhận và vận dụng. Ví dụ: “Nghĩ thêm về truyện cổ tích Chử Đồng Tử”; “Đặc sắc của “Tiễn dặn người yêu” ­ nghệ thuật miêu tả tâm trạng”; “Tự tình” của Hồ Xuân Hương ­ tâm tư của kẻ chiến bại”; “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, một bài thơ sex đắt giá”; “Thao thiết tiếng gọi đò”; “Phạm Thái và “Văn tế Trương Quỳnh Như”, mấy bài anh viết về “Tảo phát thành Bạch Đế”của Lý Bạch…

Đồng thời chúng tôi còn thống kê được 17 bài, với 130 trang, có liên quan trực tiếp đến việc hiểu và dạy các tác giả, tác phẩm trong nhà trường. Thực ra với quan niệm, đọc một tác phẩm là gắn thêm một viên ngọc, vào chuỗi ngọc tri thức của mình và ông thầy cần phải có một tiềm lực khoa học, một nền tảng kiến thức vững chắc, sâu rộng để “biết mười dạy một”, thì 143 bài trong “Vừa đi vừa nghĩ”, bài nào cũng nên đọc. Nhưng e các thầy cô không có điều kiện, hoặc bấy nay vẫn quen lối nghĩ “mì ăn liền”, nên chúng tôi chỉ tạm thống kê như thế. Và như thế thôi, cũng đã thấy đóng góp lớn lao của nhà văn Vũ Bình Lục cho một mảng đề tài, một lượng độc giả đặc biệt trong xã hội rồi.

Trở lên trên là mấy ý kiến, mấy cảm nhận ban đầu về một pho sách, trong kho tàng trước tác đồ sộ và hữu ích của Vũ Bình Lục. Với riêng tôi, anh là một người anh lớn hữu duyên trên đường đời. Chúng tôi đã quên tuổi nhau mà tri kỉ. Trân trọng và khâm phục cái Tâm, cái Tài và nghị lực lao động sáng tạo phi thường của nhà văn.


ĐINH THIÊN HƯƠNG  –  đăng trên tạp chí Văn Hiến Việt Nam số 7+8/2024


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm