Cuối phố Kim Hoa (làng tôi xưa) có giếng Ngọc bên đình. Giếng được coi là mắt rồng của đền thờ Cao Sơn đại vương, kinh trấn phía nam thành Thăng Long. Từ nhỏ chúng tôi hay theo cô đồng Hơn gánh nước giếng Ngọc về ăn. Mái tóc dài của cô đung đưa nhịp nhàng cùng đòn gánh. Có tối cô còn mời cung văn về hát. Giọng cô lanh lảnh: “Đến đây trước giếng sau chùa/ Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu”. Chúng tôi nghe lịm cả người.
Giếng Ngọc ở đình Kim Liên.
HỒN PHỐ
Giếng Ngọc nghe nói có tuổi đời hơn 300 năm. Một kỷ niệm đầy ắp của tuổi trẻ chúng tôi với giếng Ngọc ngày ấy là cảnh trai làng nhập ngũ. Tất cả hồ hởi ríu rít bên sân đình chuẩn bị lên đường. Khi có tiếng còi ô tô rúc lên bất ngờ một nhóm thanh niên chạy vội ra giếng. Họ tranh nhau vục nước giếng lên uống cho đỡ nhớ những ngày đi xa. Chúng tôi lớn lên vì ăn nước giếng làng như thế. Sau này cô đồng Hơn còn cho biết giếng trên đền Bạch Mã kinh trấn phía đông ở phố hàng Buồm còn cổ hơn giếng Ngọc đến mươi phần. Cô hay lên hát trên đó và đã uống nước giếng đền. Có lẽ vì thế giọng hát cô mới trong như vậy. Nói mà như hát mới hay. Cô hay ngâm câu: “Nhớ hôm bên giếng chàng ơi/ Chàng đưa mắt liếc em rơi cái gầu”
Sau này có dịp đi nghe ca nương Bạch Vân hát ca trù ở đền Bạch Mã tôi càng thấy giếng cổ ở đây thiêng đến mức nào. Nước luôn đầy và trong vắt. Vào ngày lễ phố Hàng Buồm luôn bay bổng trong những câu ca. Mọi người ngồi tràn cả ra sân đền. Họ xúm xít bên thành giếng ăn trầu và nghe hát. Nước trà tươi nấu bằng nước giếng nên có độ chát vừa phải và ngọt thơm. Nếu giếng Ngọc ở đền Kim Liên được coi là mắt rồng thì giếng đền Bạch Mã được coi là rốn rồng nên đền có tên nôm là Long đỗ. Nằm trong phố cổ đền không lớn nhưng lại linh thiêng. Tuần trăng nào các phật tử cũng đến thắp hương và cầu tài cầu lộc. Tôi mê nhất bài “Văn cô Chín” mỗi lần khai hội. Giọng hát của một ca nương trẻ rung lên làm chao đảo sân đền: “Gió thu thoảng ngát hương lan/ Trăng soi chín giếng nước vàng long lanh/ Thanh hoa sơn thủy hữu tình/ Có cô Chín Giếng anh linh khác thường…”.
Giếng cổ ở ngõ 15 phố Phủ Doãn.
Giếng cổ hơn 100 năm ở ngõ Hàng Chỉ.
Tác giả bên giếng cổ ngõ Hàng Chỉ.
Có lần tôi lên phố Lý Quốc Sư và Nhà Chung theo lời chỉ dẫn của ông Việt An hơn 80 tuổi ở số 3 Lý Quốc Sư để đi xem những giếng cổ ở gần đó. Ông nói quanh mấy phố cụm nhà thờ có nhiều giếng cổ lắm. Tôi chợt nhớ đến cố thi sĩ Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư. Ông cũng là người một thời lấy nước giếng phố để nấu rượu đãi khách. Nhà thơ cũng đã từng viết bài thơ “Tắm đêm” trong đó có câu: “Tung tóe dội gầu trăng nước giếng/ Mát lùa kẽ tóc”. Vậy là những chiếc giếng quanh khu nhà thờ đã gây ấn tượng sâu nặng một thời với đời sống văn hóa. Không ít giếng đã bị lấp đi theo thời gian nhưng may sao phía sau nhà thờ vẫn còn một giếng cổ. Ông Việt An nói từ nhỏ vẫn cùng mọi người ra đây múc nước giếng về thổi cơm. Trước kia trên đất xây nhà thờ là một ngôi chùa. Người Pháp đã đập đi để xây nhà thờ và lập nên xóm đạo quanh đó. Nhưng họ vẫn giữa lại cái giếng để ăn vì ngày đó đâu đã có nước máy. Xem ra giếng có tuổi thọ đến vài ba trăm năm vì nét kiến trúc miệng giếng hình cánh sen (mang phong vị văn hóa đời Lý).
Theo như một số người kể trong ngõ Tạm Thương phố hàng Bông xưa cũng có tới dăm giếng cổ nay chỉ còn lại một chiếc ở nhà số 2. Chiếc giếng này đã từng bị lấp đi nhưng người chủ mới đến mua đất để xây khách sạn đã cho khơi và xây lại. Ai cũng bất ngờ vì tính hoài cổ của ông chủ. Chiếc giếng như môt ký ức của làng quê cũ. Giờ đây khách tới ngồi bên giếng chờ đợi ai đó và uống cà phê tạo nên nét thanh bình ấm áp của con ngõ đã ghi dấu ấn với những câu thơ của Chế Lan Viên đã từng viết: “Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đây phải Tạm thương”. Nhưng có lẽ thú vị nhất với tôi là quán cà phê giếng ở ngõ Hàng Chỉ. Theo ông An nói đây là chiếc giếng mà bà con làng Tố Tịch đào từ hồi còn đang hình thành phố cổ. Ngõ thông ra mấy phố liền nên giếng được coi là điểm hò hẹn thú vị với những bàn cà phê xếp xung quanh. Vị cà phê ở đây có độ đậm và hương thơm chính vì nước giếng đã được bà chủ lấy lên pha chế. Độc đáo là ở chỗ đó và nét văn hóa giếng phố là ở đây như hồn cốt giếng phố vẫn được lưu giữ cho đến nay. Tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Bính rằng: “Hồn tôi giếng ngọt trong veo/ Trăng thu trong vắt, bến chiều trong xanh” (Tình tôi)
NHỮNG CON MẮT HOÀNG THÀNH
Hiện còn những giếng cổ vẫn lưu giữ tại không ít nơi như cụm phố Phủ Doãn hay phố Hàng Trống hoặc Đường Thành và phố Hàng Bút. Thậm chí có giếng vẫn được sử dụng như ở ngõ 86 Hàng Trống. Đó là những ngôi giếng cổ hơn 100 năm. Nhưng có lẽ những giếng ở Hoàng Thành là lâu đời nhất. Hơn 10 chiếc giếng được khai quật ở khu vực Hoàng Thành (18 Hoàng Diệu-Ba Đình) đã khắc họa dấu ấn văn hóa ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Đặc biệt trong đó có hai ngôi giếng thuộc niên đại đời Đường (Bởi thời đó nước ta còn bị Bắc thuộc). Giếng đã được đào hơn 1000 năm hiện vẫn còn nước khi được khơi lại. Bên cạnh đó còn có hai ngôi giếng thời Lý cùng với hai giếng thời Trần và ba giếng thời Lê. Những giếng còn lại thuộc triều Lê muộn và đầu thời Nguyễn.
Điều kỳ thú về kiến trúc qua các triều đại có sự kế thừa nhất định và phát triển mới. Có những lớp kinh thành bị vùi lấp theo niên đại nhưng vẫn được giữ được mọi nét tinh túy ở các vương triều sau. Những ngôi giếng cổ càng được bảo tồn vì tâm linh và phong thủy. Qua từng lớp bụi thời gian giếng luôn nổi bật ở sự phối hợp hòa trộn mọi nét văn hóa thời đại. Đặc biệt những giếng này khi được khai quật lộ thiên nước trào lên trong vắt. Điều đó nói lên việc xác định long mạch và phong thủy của người xưa rất giỏi. Nhìn vạt nước dâng long lanh dưới ánh mặt trời ngỡ như tôi mới gặp lại hình ảnh đồng quê: “Giếng khơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian nhà cả ba gian nắng chiều” (Qua nhà-Nguyễn Bính). Những viên gạch xếp nghiêng theo hình xương cá đời nhà Trần vẫn còn đỏ au. Một số đồ gốm sứ cũng được khơi lên từ lòng giếng như một kho báu ẩn hiện của những thời kỳ lịch sử huy hoàng. Đây cũng là đỉnh điểm rực rỡ nhất của văn thơ Lý-Trần gắn bó với Hoàng Thành Thăng Long.
Ngõ Huyện là con ngõ còn nhiều giếng cổ, các giếng vẫn đang được người dân sử dụng.
Giếng ở 6 Hàng Bút.
“NGƯỜI HÀ NỘI” BÊN GIẾNG XƯA
Mỗi giếng ở phố cổ Hà Nội mang một câu chuyện riêng với những ký ức không phai mờ. Giờ đây có những ngôi giếng vẫn được dùng như trước kia. Nó vẫn sóng sánh vị ngọt từ hơn trăm năm qua. Khi tôi được dẫn tới ngôi giếng ở sổ 6 phố Hàng Bút và được nghe kể chuyện về nó thật bất ngờ. Tuy đây không phải là giếng cổ nhưng lại gắn bó thân thiết với những người dân quanh vùng từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Giếng được đào vào đầu xuân 1947 để phục vụ chiến sĩ trung đoàn thủ đô trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô. Chính vì thế dân quanh vùng gọi là “Giếng Liên Khu Một”. Cuộc chiến đấu tại trung tâm mặt trận thủ đô vùng chợ Đồng Xuân kéo dài suốt hơn 30 ngày đêm.
Giếng được xây bằng gạch từ thời Trần, niên đại thế kỷ 13-15. Chiều sâu của giếng là 4 mét.
Các chiến sĩ chiến đấu kiên cường ngăn chặn giặc Pháp để bảo toàn lực lượng cách mạng rút lên chiến khu Việt Bắc. Họ là những người lên đường cuối cùng với bài ca chiến thắng. Đâu đó trong những góc phố Hà Nội luôn vang lên giai điệu hào hùng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, Hà Nội. Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy khói lửa ngập trời…”. Bản trường ca “Người Hà Nội” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác ngay trong những ngày đầu ra đi và hoàn thành đúng ngày Tết năm 1947. Đó là tráng ca đầy tự hào của người Hà Nội. Hình ảnh “Giếng Liên Khu Một” luôn dậy sóng với nguồn nước trong mát. Nó như được khơi lên từ mạch nguồn ông cha với bốn ngàn năm lịch sử vinh quang và chiến thắng.
Vương Tâm
Báo Thời Nay (Nhân Dân). Số Tết Nhâm Dần