Những ký ức của nhà văn Hồ Anh Thái về nhà văn Mạc Lân giúp bạn đọc hiểu hơn chân dung một tác giả.
Khoảng năm 2000, Mai Sơn ra Hà Nội có việc. Mấy lần Sơn rủ tôi đi gặp anh Mạc Lân, chắc là có ý để anh em biết nhau, nhưng tôi chưa đi được. Sơn có quan hệ gần gũi với anh Mạc Lân. Trước đó nhiều năm, Mạc Lân vào Phan Thiết, làm cây viết thuê, ghi chép sử cho địa phương. Ở đó có chuyện một người anh hùng, Sơn kể Sơn muốn viết, anh Mạc Lân nghe rồi động viên: Mày phải viết đi, một kiểu Taras Bulba đấy (anh nhắc đến nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết của Gogol).
Tôi không biết anh Mạc Lân là ai, từng viết gì. Sơn kể mới biết anh là người bị nhiều hoạn nạn, cả về viết lách, cả theo nghĩa đen là một thương binh, bị thương trong trận chiến trên cầu chữ Y Sài Gòn thời chống Pháp. Anh là sĩ quan súng lục đeo trễ bên hông trong đoàn quân Nam tiến đầu tiên từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1946. Lại có cả chuyện anh thân thiết với nhà văn Vũ Bão, bạn vong niên của tôi.
Bận rộn, mãi rồi Mai Sơn cũng ốp được tôi đi gặp anh Mạc Lân. Một căn hộ chia thành những căn phòng nhỏ ở Cầu Giấy. Sơn và tôi nhắc đến chuyện anh Vũ Bão từ thời Đổi Mới viết được những truyện ngắn thật hay như Người vãi linh hồn, Người chưa có chiến công, Người không có tên trong từ điển… Mạc Lân cười bao dung: Thế à, khá nhỉ, bảo với nó (Vũ Bão) là tao tha thứ cho nó rồi nhé.
Về sau Sơn kể, tôi mới biết câu tha thứ của anh là thế nào. Thời văn nghệ sĩ bị xét nét, Vũ Bão can đảm thế mà cũng có lúc hoang mang. Mạc Lân nói là hàm ý đó.
Nhà văn Mạc Lân.
Mạc Lân sinh năm 1928, là con trai trưởng của nhà văn Lê Văn Trương. Ông Lê Văn Trương khét tiếng là cái nhà máy sản xuất văn. Giai thoại kể rằng ông vừa hút thuốc phiện vừa đọc cho bốn thư ký viết bốn quyển tiểu thuyết khác nhau, sách của ông chồng lên gần vài trăm cuốn. Lê Văn Trương cũng đi vào văn học sử là người đã đổi tên truyện Cái lò gạch cũ của Nam Cao thành Đôi lứa xứng đôi để sách bán cho chạy.
Mạc Lân viết nhưng không ký tên thật, viết không nhiều như cha nhưng cũng năng suất cao, vì đó là cách kiếm sống của anh. Tôi gặp khi Mạc Lân đã hơn bảy mươi, nhiều bệnh, nhưng dáng vóc vẫn tầm thước và ăn to nói lớn, có vẻ ngang tàng quyền uy gia trưởng. Quyền uy trong nhà thôi. Có anh con trai vóc dáng cũng như bố đang ghé qua hỏi han. Có chị vợ nhẹ nhõm ra vào. Sau này anh mất đã lâu, chị Thanh Vân dịch giả luôn nhắc tôi gửi sách tặng chị vợ anh Mạc Lân, rồi chính chị Vân lại phải cầm sách đi tặng, vì tôi thường đi xa.
Hôm gặp Mạc Lân lần đầu, thấy anh đi lại tập tễnh, hóa ra là cái chân thương binh từ thời Nam tiến 1946, không phải là tai nạn giao thông hoặc viêm khớp như tôi đoán. Người có công đấy, sĩ quan khét tiếng giữa trận tiền, giờ rơi vào lãng quên.
Chúng tôi ngồi quanh bàn nước trò chuyện. Bàn ghế kê trên một tấm thảm mỏng, mỏng đến mức con chuột nhắt chui luồn bên dưới, nó chui đến đâu, tấm thảm lượn sóng theo đến đấy. Nó đang chạy trốn con mèo ở ngay trên đầu nó. Con mèo mới bắt được con chuột này. Nó không xử lý ngay mà vờn nghịch chán chê. Nó lật mép thảm, lôi được con chuột ra. Hai con lại vờn đuổi, tính toán chiến thuật, động tác thật và động tác giả mãi với nhau.
Suốt buổi nói chuyện, tôi để ý hai con vật này chờn vờn mà không kết thúc được. Tưởng anh Mạc Lân cứ oang oang chuyện trò, anh không biết. Rốt cuộc, sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, tức là cuộc vờn vã đã rất dài, Mạc Lân đưa chân gạt con mèo sang một bên, nói như can: Thôi đi, kinh quá.
Con chuột được dịp chạy thoát thân.
Nhà văn Mạc Lân (thứ hai từ trái sang) tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập báo Tiền Phong.
Lúc ấy thì mới nghĩ Mạc Lân không chịu nổi cuộc vờn đuổi giữa thế lực áp đảo và nạn nhân nhỏ bé của nó. Anh quan sát nãy giờ chứ không phải không để ý. Và bằng ấy thời gian anh bị tra tấn trí não.
Cuộc ấy tất nhiên có nói chuyện văn chương. Trước đó nhiều ngày Mai Sơn đã tặng anh quyển Tự sự 265 ngày của tôi, đang gây tranh luận. Mạc Lân nói nó là tập truyện ngắn nhưng đọc như một tiểu thuyết về thân phận nhỏ nhoi của trí thức. Thì cũng là dụng ý của tôi, cấu trúc tập truyện ngắn liên hoàn như một tiểu thuyết. Tôi viết cả một tập truyện ngắn liền nhau, không phải là những truyện ngắn riêng lẻ rồi thu gom lại thành tập. Mạc Lân nói giá như tập ấy tôi viết thành tiểu thuyết thì thích hơn. Nhà văn là phải tiểu thuyết, anh nói.
Cho đến lúc đó tôi đã viết nhiều tiểu thuyết như Người và xe chạy dưới ánh trăng, Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra… và tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế khi ấy chưa in được. Nhưng câu nói của Mạc Lân khiến tôi nghĩ ngợi. Các nhà văn sẽ tranh luận không dứt về câu khẳng định nhà văn phải viết tiểu thuyết. Nhưng tôi thì nghĩ, đúng, đề tài ấy, giọng điệu hài hước ấy, rất phù hợp để làm một tiểu thuyết hoạt kê.
Ý tưởng có sẵn, nội dung có sẵn, tôi hăm hở lao vào viết tiểu thuyết châm biếm. Nói là châm biếm thì nhớ có lần Phan Triều Hải gặp cô Ý Nhi ở TP.HCM, nhắc đến tiểu thuyết của tôi mà cô vừa đọc, Ý Nhi cứ cười mãi. Hải kể lại rồi bình: Tiểu thuyết gì mà lại làm cho người ta cười như vậy.
Đấy là cuốn Mười lẻ một đêm. Tiểu thuyết giáo đầu bằng mấy câu: “Có một người đàn ông và một người đàn bà bị nhốt trong căn hộ trên tầng sáu suốt mười một ngày đêm. Mười lẻ một đêm. Và mười lẻ một ngày.
Chính xác thì không đúng mười lẻ một đêm ngày, nhưng thực sự là bao nhiêu thì độc giả phải theo dõi hết cả cuốn sách mới biết được. Chẳng phải là tác giả giữ mánh hay giấu bí quyết gia truyền mà cái gì cũng phải tuần tự. Đôi khi đọc sách cũng là dịp thử thách lòng kiên nhẫn. Sách dở thì thử thách lòng khoan dung”.
Tôi viết mà nghĩ rằng anh Mạc Lân hài lòng với tiểu thuyết này. Anh nói “cái đó phải viết thành tiểu thuyết”, “nhà văn là phải tiểu thuyết”, anh “đặt hàng” và tôi đã viết.
Sách viết năm 2004, in lần đầu năm 2006, từ đó đến nay đã tái bản nhiều lần. Nó khơi nguồn cho một loạt tiểu thuyết hài hước của tôi: SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường, Tranh Van Gogh mua để đốt…
Chỉ có điều tôi không kịp đưa Mười lẻ một đêm cho Mạc Lân đọc. Anh ra đi vĩnh viễn đúng vào năm tôi ra sách ấy, năm 2006.
Mai Sơn thì mới mất ngày 25/12/2023.
PV