Lý do Đường Thái Tông cả đời không mừng sinh nhật mình

8:54 | 05/11/2021

Trong các bộ phim dã sử hay cổ trang, chúng ta thấy không ít cảnh yến tiệc mừng sinh nhật linh đình của các vị Hoàng đế, đại thần thời xưa. Nhưng kỳ thực, trong sử sách ghi chép lại, rất nhiều vị Hoàng đế là minh quân của các triều đều không tổ chức sinh nhật mình theo cách xa hoa như vậy. Đặc biệt là Hoàng đế nhà Đường, Đường Thái Tông – người đặt nền móng cho thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử Trung Hoa – chưa từng tổ chức mừng sinh nhật trong cả đời mình.


Ảnh minh họa.

“Mừng sinh nhật” là một trong những tập tục lễ nghi truyền thống của người xưa. Trong các sách cổ ghi lại, từ thời Ngụy Tấn trở về trước là không có tập tục chúc mừng sinh nhật này. Trong “Lễ ký – Nội tắc” có ghi: “Tử sinh, nam tử thiết hồ vu môn tả, nữ tử thiết thuế vu môn hữu”, tức là vào thời xưa khi đứa con được sinh ra, nếu là con trai thì người ta sẽ treo cung ở bên trái cửa, nếu là con gái thì treo khăn bên phải cửa. Đây là một loại lễ nghi để người xưa tỏ ý mừng đứa trẻ chào đời.

Sau Ngụy Tấn đến Nam Bắc Triều, dần dần có ghi chép lại những chuyện liên quan đến việc mừng sinh nhật. Ví như trong “Nhan thị gia huấn – Phong thao thiên” ghi lại, lúc ấy người dân ở vùng Giang Nam, cho dù cha mẹ còn tại thế hay đã qua đời thì trong ngày sinh nhật cũng sẽ làm một bữa cơm lớn đãi khách, chè chén mua vui. Tuy nhiên, việc lấy yến tiệc mua vui để chúc mừng ngày lễ sinh nhật của người thời ấy không được nhiều người cho là việc nên làm, rất nhiều người không đồng tình với việc làm này.

Lương Nguyên Đế thời Nam triều thì khác, vào ngày sinh nhật của mình, ông đều trai giới, cử hành lễ Phật, quảng dương Phật Pháp. Bởi vì cha mẹ ông đều là những người hết lòng tin theo Phật giáo, nên ông dùng cách này để ăn mừng sinh nhật, ngoài việc thông qua đó tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ ra còn là để cảm ơn công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ.

Đến triều Tùy, trong sách “Tùy thư – Cao Tổ ký” có ghi lại, vào năm Nhân Thọ thứ ba, Tùy Văn Đế Dương Kiên ban bố chiếu lệnh: “Ngày 13 tháng 6 là ngày sinh nhật Trẫm, lệnh cho trong nước đoạn sát sinh để báo đáp võ nguyên hoàng đế, nguyên minh hoàng hậu”. Tức là, vào ngày 13 tháng 6 là ngày sinh nhật của Hoàng đế, ông ra lệnh khắp thiên hạ không được sát sinh, lấy ăn chay để báo đáp công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Theo ghi chép trong sách “Trinh Quán chính yếu” của tác giả Ngô Căng triều Đường, ngày quý sửu tháng 12, năm Trinh Quán thứ 17, Hoàng đế Đường Thái Tông nói với thị thần:

“Hôm nay là ngày sinh nhật trẫm, dân gian cho rằng vào ngày sinh nhật có thể vui vẻ giải trí, nhưng mà cứ đến ngày này, tâm trạng trẫm lại ngược lại, càng thêm nhớ thương cha mẹ hơn. Hiện giờ trẫm đã là vua của một nước, thiên hạ giàu có, nhưng trẫm muốn được phụng dưỡng cha mẹ thì lại vĩnh viễn không được nữa.

Trẫm thật giống như người học trò Tử Lộ của Khổng Tử, trong lòng ôm theo nỗi ân hận không mang được gạo cho cha mẹ mình. Trong “Kinh Thi” có nói: ‘Bi thương phụ mẫu ta, sinh ta thật sự vất vả’, sao có thể vì cha mẹ khổ cực mà trong ngày này cử hành yến tiệc vui đây! Việc làm này rất trái với lễ phép”.

Tử Lộ là người ở ấp Biện, thuộc nước Lỗ, sinh vào đời Xuân Thu, là học trò Đức Khổng Tử, thờ cha mẹ rất có hiếu. Nhà nghèo, ông thường đi đội gạo đường xa hàng trăm dặm về nuôi cha mẹ. Không có tiền mua thức ăn, phải tìm các thứ rau về nấu canh dâng lên cha mẹ dùng tạm.

Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang và cấp cho nhiều bổng lộc. Tử Lộ thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau cho cha mẹ ăn. Khổng Tử thường khen Tử Lộ là người hiếu thuận và thận trọng từng hành vi.

Ngày sinh nhật, chính là ngày người mẹ sau khi trải qua bao tháng khổ cực mà chịu đau đớn sinh con ra đời, cho nên người xưa gọi ngày sinh nhật là ngày “mẫu nan nhật”, tức là ngày vất vả của người mẹ. Triều Nguyên gọi ngày sinh nhật là “Phụ ưu mẫu nan chi nhật” tức là ngày cha lo lắng mẹ vất vả.

Hoàng đế Đường Thái Tông mặc dù thân cao quý là thiên tử nhưng lại không tổ chức mừng sinh nhật linh đình, bởi  vì ông cho rằng ngày này là ngày mẹ ông phải chịu bao khổ cực đau đớn mà sinh ra ông. Cho nên ông thường vào ngày sinh nhật của mình mà đẫm lệ khóc thương, nhớ tưởng lại công sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với mình. Đây cũng là nét văn hóa hiếu đạo truyền thống mà ông để lại cho đời sau.

 

Theo Vision Times

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê