Ông Mai Văn Khiêm – Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Viện KHKTTV&BĐKH) đã đưa ra lý giải về việc dự báo đường đi của bão Mangkhut không chính xác.
Bão Mangkhut không đổ bộ vào Việt Nam và đi lệch lên Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng dự báo bão tại Việt Nam.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Mai Văn Khiêm – Phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Viện KHKTTV&BĐKH) lý giải về đường đi của bão Mangkhut và tại sao cơn bão này không đổ bộ vào Việt Nam như dự báo.
Theo ông Khiêm, sự dịch chuyển của các cơn bão phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dòng dẫn đường (áp cao cận nhiệt đới), quán tính của cơn bão, tác động của địa hình và ma sát…
Những cơn bão mạnh thì vai trò của dòng dẫn đường rất quan trọng. Dòng dẫn đường thường tồn tại trong chu kỳ khoảng 3 ngày. Với bão Mangkhun khi còn ở xa Philippines thì áp cao cận nhiệt đới phát triển mạnh, tồn tại ở phía Nam.
Nếu áp cao cận nhiệt đới tiếp tục mạnh như những ngày đầu, dựa vào các mô hình tính toán thì cơn bão có hướng lệch Tây đi theo hướng Tây Tây Bắc và vào Việt Nam. Tuy nhiên, 2-3 ngày sau, quỹ đạo bão thay đổi do áp cao cận nhiệt đới có xu thế rút về phía Bắc.
Tất cả mô hình dự báo của Mỹ, Nhật, châu Âu đều cập nhật điều kiện khí quyển như vậy. Quỹ đạo bão đi theo rìa cao cận nhiệt đới có hướng lệch về phía Bắc so với dự báo trước đó (đi theo hướng Tây Bắc nhiều hơn là hướng Tây Tây Bắc).
Bởi thế bão Mangkhut đã chệch lên phía Bắc và đổ bộ vào Trung Quốc, khác với dự báo ban đầu.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương, sáng nay (17/9), sau khi đi vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đang nằm đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ khoảng 230km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Tối 17/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. |
Có thể xuất hiện thêm nhiều siêu bão trong thời gian tới
Trong mùa hè này, thời tiết cực đoan như hạn hán, nắng nóng kỷ lục, mưa lũ và đặc biệt là các siêu bão đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.
Trao đổi với The South China Morning Post (Hồng Kông), nhà khoa học môi trường Xie Shang-ping thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết: “Nhiệt độ ấm lên của nước biển khiến các cơn bão nhiệt đới càng thêm tàn khốc. Trong mùa hè này, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm bất thường ở nhiều nơi trên thế giới và đây là một phần của xu hướng nóng lên trên toàn cầu”.
Những cơn bão nhiệt đới sẽ tăng lên cả về sức gió và lượng mưa. Tuy nhiên, các vùng biển xuất hiện bão sẽ không đồng đều và phụ thuộc vào mức độ ấm lên của các khu vực ở đại dương.
Chung ý kiến với ông Xie Shang-ping, ông Choy Chung-wing – chuyên gia từ Cơ quan Khí tượng Hồng Kông cảnh báo những cơn bão nhiệt đới sẽ mạnh lên trong thời gian tới: “Khí hậu ấm lên về lý thuyết sẽ làm tăng cường độ của các cơn bão trong tương lai. Cùng với sự gia tăng của mực nước biển, mối đe dọa từ những cơn bão nhiệt đới đối với những thành phố ven biển sẽ ngày càng tăng”.
ĐT/Tổng hợp