Nhắc đến những đặc sản ghi lại dấu ấn trong lòng du khách ở An Giang, người ta không khỏi nói tới hương thơm, vị ngọt của bánh cốm – xuất phát từ một làng nghề đã tồn tại hơn chục năm.
“Nghề chọn người”
Trong những cơn mưa nặng hạt vào tháng 10, gần 20 nhân công ở lò cốm của ông Lâm Văn Tuấn (sinh năm 1964, ngụ thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vẫn liên tục tạo ra những chiếc bánh cốm thơm lừng.
Tồn tại hơn 20 năm, sự hỗ trợ của máy móc là một “bước dài” của nghề làm cốm, để cơ sở của ông có thể giữ lại nghề truyền thống mà vẫn thích ứng với quá trình công nghiệp hóa. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn khi thiếu hụt lao động, cũng như bài toán về nhân công, năng lực sản xuất.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng giảm đến 50% và vẫn chưa hồi phục đáng kể.
Trước đó, bằng thao tác thủ công, huyện Phú Tân chỉ lác đác vài lò cốm hành nghề, chủ yếu các thành viên truyền nghề cho nhau làm kế sinh nhai. Sau khi cuộc sống ngày cơ giới hóa, lại có thêm nhiều lò xuất hiện hơn, mô hình làm cốm cũng trở nên nhộn nhịp.
“Nếu siêng năng và tích cực tìm kiếm thị trường thì đây vẫn là nghề sống ổn. Dù mỗi thanh bánh cốm chỉ ở mức giá bình dân, nhưng so với thuở đầu, bạn hàng đang ngày càng nhiều nên may mắn số lượng bán ra rất cao”, ông Tuấn nói.
Nhắc đến làm bánh cốm, các công đoạn tham gia khá đơn giản do đã được cơ giới hóa hầu như toàn bộ, chỉ riêng việc pha đường và thắng đường phải làm thủ công.
Máy nổ cốm là một phần đặc trưng khiến nhiều người vừa sợ, vừa thích thú. Những hạt cốm mới nổ giòn tan, nóng hổi được đem ngào đường, sau đó đem cán rồi cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn. Công đoạn thắng đường đến ngào đường rất quan trọng, bởi đường “non” quá thì cốm bị mềm, còn đường “già” quá thì cốm bị bể. Do vậy, kết quả thành công lệ thuộc vào bàn tay của người thợ, canh nhiệt độ phù hợp, khéo léo đảo liên hồi.
Thanh cốm ngày nay được đóng gói nhanh chóng sau khi thành phẩm, không phải “tăng tốc” bằng tay để chạy đua với thời gian vì sợ gió làm mềm cốm. Bao bì cũng được quan tâm, đóng gói chỉn chu, nêu rõ thành phần, thương hiệu, hạn sử dụng… Trong khi đó, lực lượng lao động đến cơ sở làm việc được tập huấn, đảm bảo thao tác an toàn, vệ sinh.
Những năm gần đây, cơ sở cốm Ngọc Thạch của ông Tuấn đã thu hút gần 20 lao động ở mọi lứa tuổi, tạo cơ hội cho người dân nơi đây có thêm thu nhập qua các công việc nhẹ, dễ làm.
Sau thời gian loay hoay, trăn trở với nghề, giờ có được nguồn lao động là điều rất đáng quý. Ông Tuấn tâm sự: “Trước khi làm cốm, tôi chỉ là một nông dân nghèo, làm lụng chỉ đủ ăn qua ngày. May mắn được người bạn giới thiệu về nghề làm cốm, tôi đi lên bằng hai bàn tay trắng với những chiếc bánh cốm đầu tiên. Thất bại có, khó khăn có, nhưng quan trọng là biết cố gắng, lấy văn hóa, ẩm thực của quê hương để vươn lên. Giờ lò cốm có thể nói là hoạt động ổn định, có cơ sở để tạo việc làm cho người lao động”.
Trung bình một ngày, cơ sở có thể làm được hơn 100 cây cốm, với tần suất khoảng 10-15 phút là có mẻ cốm mới ra lò.
Qua máy móc, ông Tuấn vẫn tự hào vì giữ được hương vị đặc trưng riêng của nghề cốm truyền thống, tận dụng kinh nghiệm chọn gạo, rang gạo và không dùng bất kỳ loại hóa chất nào.
Bánh cốm – món quà “tròn điểm” với khách phương xa
Giữa thị trường bánh, kẹo với mẫu mã đẹp và mới lạ, cốm vẫn là món ăn mộc mạc, giản dị, được nhiều người ưa chuộng. Giòn, thơm, đậm đà hương vị là đặc trưng của cốm, thể hiện sự tỉ mỉ của người thợ làm và bí quyết riêng trong cách sử dụng nguyên liệu của mỗi cơ sở. Nếu trước đây, cốm làm ra chủ yếu bán trong địa phương thì đến nay, thương hiệu đã ra đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bình Dương và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, thậm chí là Campuchia.
Chia sẻ với phóng viên, ông Tuấn cho biết lò cốm ưu tiên ưu tiên sản xuất 5 loại, gồm: cốm mì, cốm dừa, cốm gạo, cốm bún, cốm bắp.
Theo ông chủ lò gốm, bánh cốm là thức quà dễ mua, dễ tặng, dễ ăn. Nó tượng trưng cho tấm lòng trân quý của người tặng, mang hương vị ấm áp của quê hương. Không dừng lại ở đó, lượng calo trong một chiếc bánh cốm gạo chủ yếu dựa trên carbohydrate. Hàm lượng calo trong bánh cốm gạo rất thấp. Do đó, bánh cốm gạo thường được ăn thay bánh mì hoặc bánh quy giòn để hỗ trợ giảm cân.
Gạo lứt nguyên hạt có thể được sử dụng để làm bánh cốm gạo. Việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Do đó, nên chọn các loại bánh cốm gạo có chứa các thành phần là ngũ cốc nguyên hạt. Chất chống oxy hóa có trong bánh cốm gạo giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi bị tổn thương DNA.
Gạo lứt trong bánh cốm có chứa các hợp chất phenolic, bảo vệ tế bào khỏi bệnh tiểu đường loại 2, béo phì, ung thư và bệnh tim.
Các ngũ cốc nguyên hạt giúp bánh cốm gạo có thể kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Điều này là do các loại ngũ cốc này giàu chất xơ mà cơ thể không thể tiêu hóa và hấp thụ để tạo năng lượng. Nhờ đó, những loại carbs này không làm tăng đột biến lượng đường trong máu như carbohydrate tinh chế. Ngoài ra, chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt trong bánh cốm gạo còn cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và béo phì.
Thực khách phương xa ưu tiên lựa chọn các mặt hàng an toàn vệ sinh thực phẩm, làm quà biếu tặng.
Bên cạnh đó, loại bánh này còn không chứa chất béo và calo, là một loại thực phẩm ăn kiêng an toàn. Bánh cốm gạo giàu chất xơ, dễ dàng tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh đầy hơi, đau bụng, chuột rút,… Nhờ gạo lứt tự nhiên không chứa gluten nên bánh cốm gạo làm từ gạo lứt là một lựa chọn lành mạnh cho những người mắc bệnh không dung nạp gluten.
Thúy Vy
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/luu-luyen-huong-thom-o-lang-banh-com-an-giang-post216403.html