Lương Văn Can và bốn triết lý quý giá về đạo kinh doanh

7:40 | 01/03/2022

Lương Văn Can (1854-1927), một nhà chí sĩ thời thuộc Pháp, từ đầu thế kỷ 20 đã khẳng định: “Nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. “Thương đức – thương tài” – hai chữ đó đã gói gọn triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt học hỏi.


 

Cụ Lương Văn Can (cụ cử Can) và triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt  (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên chụp lại, Wikipedia, Public Domain)

Mỗi nghề đều có một cái “đạo”, hay còn gọi là một triết lý riêng cho nghề. Làm nghề kinh doanh buôn bán không chỉ là làm giàu cho bản thân mà còn cho cả xã hội. Trong hai cuốn sách quý giá viết cho thương giới Việt là “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm”, cụ cử Can đã khẳng định: “Nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. “Thương đức – thương tài” – hai chữ đó đã gói gọn triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt học hỏi.

1 – Kinh doanh chính là phụng sự xã hội

Không ít người kinh doanh nhưng không hiểu được thấu đáo ý nghĩa công việc mà mình đang làm, hoặc hiểu một cách sai lệch. Kinh doanh nhất quyết không phải kiếm lời một cách bất chính, chộp giật, lường gạt, mà “hai chữ kinh doanh phải xem xét cho biết nghĩa rộng lớn”. Cụ cử Can cho rằng, những người buôn gạo mà chỉ mong giá gạo đắt, buôn vải mà chỉ mong giá vải cao, tấm lòng không thoáng đãng bình từ, mà mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo với hàng thật, đều bởi tại lòng tham quá nặng. Người có lòng tham như thế, dẫu được lợi đến đâu, nhưng “xét kỹ ra giàu nghèo có số…. mà đạo giời cho phúc người thiện, bắt vạ người dâm, đời có người buôn bán khởi gia mà con cháu chẳng được hưởng phúc đầy, thực bởi thế vậy.”

Như vậy, Lương Văn Can khẳng định buôn bán là một nghề lương thiện và chân chính – đó là một nguyên tắc, một cái đạo cao nhất của nghề kinh doanh. Cụ cử Can cực lực lên án những kẻ gian dối trong kinh doanh “bán gạo mà đổ thêm nước vào, bán muối mà trộn thêm vôi vào, bán sơn mà trộn thêm dầu vào, bán thuốc mà đổi thứ khác vào”. Cho dù ở thời nào, đó đều là sự gian dối, không sớm thì muộn sẽ bị tẩy chay và loại khỏi thương trường.

Phố cổ Hà Nội xưa (Ảnh: Souvenir de Hanoi, Wikipedia, Public Domain).

Lương Văn Can cũng bày tỏ quan điểm không được coi đồng tiền làm mục đích duy nhất trong kinh doanh: vì nếu tham lợi sẽ nảy sinh những mánh trá, thiệt hại tới người tiêu dùng và lâu dài thì đó là hành động hủy diệt chính mình. Trong việc buôn bán, không nên lúc nào cũng chỉ chăm chăm kiếm lợi cho mình mà phải biết nghĩ đến cái lợi cho người. Cụ viết: “Việc gì trái cái bụng lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gì gây nên ác nghiệp thì không nên làm.”

Như vậy, kinh doanh không chỉ là thu về nguồn lợi cho cá nhân mà còn là đem lại những lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Những quan điểm về nghề kinh doanh của cụ có thể khái quát thành một cái Đạo: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội.

2 – Kinh doanh phải minh bạch và chính đáng

Theo Lương Văn Can, của cải, tiền bạc là rất quan trọng, nhưng những gì thu về từ việc buôn bán phải chính đáng. Những của cải chính đáng thì việc chi tiêu mới đúng người đúng việc. Ngay cả người xuất thân trong nghèo khó làm giàu cũng phải đi bằng con đường ngay thẳng. Người không có của cải chưa hẳn là nghèo, nếu như trong tay họ sở hữu một cái nghề chân chính. Nghề nghiệp vững vàng là một món của cải quý và lâu bền.

Phố cổ Hà Nội xưa (Ảnh: Postcards.delcampe.net, Wikipedia, Public Domain)

3 – Cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh

Cụ cử Can đưa ra một triết lý: “Cay đắng siêng năng là con đường để tiến lên thành tài đó, một bước tiến lên một bước rồi ra tiến bộ vô cùng.”

Sự tiến phát triển, thành công của bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều phải trải qua sự khổ công, sự phấn đấu. Một trong những điều quan trọng của người kinh doanh là tận tụy với nghề, dồn hết tâm sức vào con đường mình đã chọn lựa, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức. “Tài cán người ta có hai giống, một là học vấn, hai là thực hành. Tài cán học vấn như nông lâm, kinh tế, sổ sách, công nghệ, trong nhà trường ngày thường dạy học, tài cán thực hành thời khác thế, như đã nhận một chức nghiệp gì thì phải nghiên cứu những sự vụ gì đó có quan thiết đến chức nghiệp mình, suy xét tình hình cho kỹ.” Và “dẫu làm kỹ nghệ nhỏ, cũng cốt phải dùng cả khí lực, cũng cốt phải dùng công phu nhẫn nại mới được.”

Đối với người kinh doanh, khi kiếm được tiền nếu hoang phí xa xỉ thì bao nhiêu rồi cũng tiêu tán hết. Sự xa xỉ là điều mà Lương Văn Can phê phán rất mạnh mẽ, vì theo cụ “cái nguyên nhân nhớn, quốc dân sở dĩ suy yếu là tự xa xỉ mà đến.” Sự xa xỉ cũng chính là mẹ đẻ của tính tham lam trong mỗi con người. Cụ khuyên các nhà buôn “phàm cái gì cũng phải liệu số thu vào rồi hẵng tiêu ra; chớ có tranh thể diện hão mà thành hư phí đi mất nhiều.”

4 – Sử dụng đồng tiền để phục vụ lại xã hội

Theo cụ cử Can, tiết kiệm là một đạo cần thiết đối với người làm kinh doanh, nhưng cũng phải biết cách tiêu tiền, biến những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình thành những giá trị: “… chỗ nên tiêu thì dẫu nhiều cũng đừng tiếc, chỗ không nên tiêu thì dẫu ít cũng đừng hoang phí, thế thời cơ nghiệp chẳng nát mà ân đức mới rộng, như cứu người nạn, giúp người ngặt, cho người nghèo, thương người khổ, những việc thiện đó là chỗ nên tiêu tiền đó, như phồn hoa tốt đẹp kiêu sa dâm đắm những việc ác ấy là chỗ không nên bỏ tiền đó, hay chứa của mà lại hay bỏ của thế là ta sai khiến được của…”

Lương Văn Can khuyên các nhà buôn cần biết dùng đồng tiền đã kiếm được để phục vụ xã hội. Nhìn lại cuộc đời của cụ, chúng ta có thể thấy đó là một minh chứng sống động cho triết lý này: những đồng tiền gia đình cụ tích cóp từ việc kinh doanh đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân.

Như vậy, có thể nói, ngay trong những ngày đầu hình thành và phát triển, thương giới Việt đã có được một cái “đạo”, một đường lối khá rõ ràng. Đó quả là một may mắn rất đáng quý. Và người có công đầu trong việc xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt không ai khác chính là danh sĩ họ Lương. Các thế hệ sau cảm phục cụ, một người chưa từng trải qua bất kỳ một trường lớp về kinh tế nào song đã viết sách rất bài bản dạy buôn bán, thiết lập nên một hệ tư tưởng riêng cho giới kinh doanh. Đây không phải là những bài học mang tính “sách vở” bởi chính cụ là người đầu tiên đem chính những kiến thức này – cái “đạo” này – ra thực thi và đã thành công.

Trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên các nhà kinh doanh của Việt Nam hội nhập kinh tế với thế giới, có thể tạm coi như vậy, và ngay lập tức đã xây dựng được một con đường đi đúng đắn để tranh đua với các nhà tư bản nước ngoài. Những triết lý về đạo đức kinh doanh mà Lương Văn Can đã chia sẻ với thương giới cách đây ngót thế kỷ chính là những bài học vượt thời gian mà giới doanh nhân ngày nay vẫn rất nên tìm hiểu, chiêm nghiệm.

Tuấn Minh

Tham khảo “Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế