Lục Ngạn: Khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội

13:07 | 18/04/2022

Lục Ngạn, vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đưa kinh tế – xã hội phát triển bền vững.


Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển

Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, địa hình đa dạng đan xen giữa đồi núi thấp và núi cao, nhiều hồ đập. Thiên nhiên ban tặng cho Lục Ngạn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát, ôn hoà, thuận lợi để Lục Ngạn phát triển vùng cây ăn quả nổi tiếng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Lục Ngạn còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa; nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như Chùa Am Vãi, đền Hả, hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn. Đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, dân ca Cao Lan xã Đèo Gia, hát then của dân tộc Tày được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước là 2.650 ha, chứa khoảng 307 triệu m3 nước, nơi sâu nhất 47,5m, chiều dài hồ 22 km, chỗ rộng nhất là 5 km. Hồ Cấm Sơn có cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, vùng lòng hồ có nhiều đảo nhỏ trùng điệp như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”. Xung quanh hồ là các đồi vải và rừng tự nhiên bao quanh diện tích khoảng 21.800 ha. Nơi đây được coi là khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái với nhiều loại động thực vật quý còn tồn tại và phát triển. Ngoài ra, rải rác tại các xã của Lục Ngạn còn có nhiều hồ, suối, đập cảnh quan đẹp như hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao; hồ làng Thum, xã Quý Sơn; suối Cặm, xã Sa Lý; suối Đấy, suối Tà Cang xã Phong Minh,… Đây là những địa danh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch trải nghiệm, sinh thái và nghỉ dưỡng.

Đời sống của người dân Lục Ngạn chủ yếu sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp, một phần đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản; văn hoá ẩm thực đa dạng và phong phú, khu vực hồ Cấm Sơn cũng rất đặc sắc, đó là các món ăn được chế biến theo phong cách, hương vị riêng của người vùng cao như: Lợn quay, xôi trứng kiến, xôi ba màu, bánh vắt vai, thịt gà trống thiến, cá hồ Cấm Sơn…

Lục Ngạn có 03 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu Kiên Thành, xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải là những điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Vùng đất bốn mùa hoa thơm quả ngọt

Nhằm khai thác tốt tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, Lục Ngạn đã quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, sử dụng giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong vùng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước châu Âu đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn 2-3 lần so với sản xuất truyền thống.

Cùng với đó, chính quyền và Nhân dân huyện Lục Ngạn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của Lục Ngạn nhằm tạo đầu ra ổn định. Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, trái vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang trên 30 nước, đặc biệt đã xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc.

Lục Ngạn được biết đến là “vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Cụ thể, với trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh).

Vải thiều Lục Ngạn ngon nức tiếng trong và ngoài nước, diện tích trồng vải hiện nay là trên 15.400 ha; các loại cây có múi hơn 6.700 ha; ngoài ra còn nhiều loại trái cây khác như táo, ổi, thanh long, nhãn, …

Đầu tháng 3 âm lịch, hoa vải thiều bung nở trắng khắp các triền đồi của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: Hồng Sơn)

Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch. Từ tháng 01 đến tháng 03 có cam V2 và táo; tháng 3 có mật ong; tháng 5, 6 có vải thiều; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối… Ngoài ra, nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối…

Năm 2021, tổng thu nhập từ cây ăn quả của huyện đạt 6.000 tỷ đồng, trong đó sản lượng vải thiều đạt trên 144 nghìn tấn, mang lại giá trị trên 4.800 tỷ đồng; sản lượng cây có múi đạt gần 60 nghìn tấn, mang lại giá trị gần 900 tỷ đồng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt bình quân trên 131 triệu đồng/ha.

Đưa du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, các vườn cây trải rộng khắp huyện, cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, Lục Ngạn chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Khuôn Thần; du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và sản phẩm nông nghiệp nông thôn trọng điểm tại các xã Quý Sơn, Tân Mộc, Mỹ An, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền, Trù Hựu… và các xã khu vực vùng lòng hồ Cấm Sơn; du lịch bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng tại làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn.

Theo kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và các lĩnh vực phục vụ phát triển du lịch; quan tâm thực hiện công tác quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển du lịch; lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo,.. để phát triển du lịch, đặc biệt các xã vùng cao, kinh tế khó khăn. Ngoài ra, huyện quan tâm chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực, các tuor tuyến du lịch trên địa bàn: Các tuyến du lịch kết nối liên huyện, liên tỉnh; các tuyến du lịch kết nối trong huyện để phát triển đồng bộ, đa dạng. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 7 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, thu hút khoảng 1 triệu lượt khách; doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 300 – 500 người trong lĩnh vực du lịch; 100% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá, hoạt động du lịch.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại vườn vải thiều xã Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu, huyện Lục Ngạn đã quan tâm ban hành các đề án, kế hoạch, xây dựng cơ chế hỗ trợ; tập trung tuyên truyền quảng bá; hướng dẫn các hợp tác xã, điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng; liên kết với các doanh nghiệp du lịch lữ hành đưa khách về Lục Ngạn; tổ chức tập huấn nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch… Do đó, du lịch của Lục Ngạn đã ngày càng phát triển, mỗi năm, huyện Lục Ngạn đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm.

Thế Hiếu/ Văn hiến Việt Nam


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu