Lục bát LÊ THỊ MÂY

11:17 | 17/07/2024

Lê Thị Mây, Tác phẩm chọn lọc, (Nhà xuất bản Văn học, 2019), là tuyển tập thơ chọn lọc. ở bài viết này, tôi chỉ nói riêng về thể lục bát. Lục bát, thể thơ truyền thống khó viết, dễ vấp câu, chữ sáo mòn.

Nhà thơ Lê Thị Mây

Lục bát đông thi, với nhiều mạch chủ đề ở từng bài thơ, hình thành nên các tập: Ca dao mùa thu, Lục bát đông thi và, trích lục bát từ trường ca Lửa mùa hong áo là những tác phẩm chọn lọc. Đấy một hành trình dài của một đời thơ, mà tôi vốn là một người thơ rất yêu thể thơ lục bát.

Bài thơ Mẹ, bài lục bát đầu tiên, nằm trong chùm thơ gồm: Mẹ, Chiếc nón Trường Sơn, Cát làng tôi…; viết từ trong bom đạn, những năm đầu 1970. Từ bấy giờ cho đến bây giờ, thường, trước trang giấy, tôi không chủ định viết thơ tự do hay thể lục bát. Cảm xúc thế nào ra vần điệu, tạng thức thế ấy. Tuy nhiên, trong quá trình viết, trải nghiệm “kỹ năng” thể loại hình thành dần, thành nếp rung tình cảm của trái tim.

Ở tập thơ Giấc mơ thiếu phụ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1996, gồm nguyên tập thơ Một mình, Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, 1990 và có thêm trên dưới 20 bài lục bát bổ sung. Đầu sách này nhà văn Nguyễn Bình Phương biên tập, có lẽ anh cũng có nhiều ngạc nhiên về mạch thơ Một mình cùng với 20 bài lục bát hình thành nên tập thơ này. Khi làm tuyển Thơ và Trường ca tuyển tập, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017, tôi ghép tên của hai tập thơ thành: Một mình và Giấc mơ thiếu phụ. Mạch thơ lục bát của tôi thường thiên về tình cảm, sâu về tình mẹ, tình lứa đôi tôi viết ở Huế, vào những ngày tháng khóc mẹ; một mạch cảm xúc phân thân, từ tình mẫu tử, liên tưởng cảm hứng “làm dâu” dẫn dắt, bồi đắp sự thiếu vắng mẹ ngóng chờ đầu ngõ.

Mẹ

Mẹ già như chuối ba hương
Thơm xôi nếp mật thơm đường mía lau
Lời xưa thương suốt mai sau
Tóc tiên mẹ chải trắng màu nước non

Chiều thăm mộ cha

Bông lau thắp nén u hoài
Trà Am mỏ đổ sương ngoài dặm thông
Viếng cha hương khói tự lòng
Gộc trầm mưa nắng đục trong bên trời
Suối xa vàng dưới chân đồi
Mặt trời hoe đỏ một đời khóc cha.

Bên mộ cha

Trở mùa mưa gió sau lưng
Rừng thông nhòe bóng trập trùng thiên thu
Một năm là một tháng tư
Vành tang cuộn cả sương mù quanh năm
Ngự Bình núi cũng động tâm
Trước tròn sau méo cùng trăng lệ ròng.

Thơ lục bát cho tình yêu lứa đôi có các bài: Trăng cây rơm, Ca dao mùa thu, Đám cỏ xanh, Bữa cơm, Vết thương, Em đến có muộn không, Từ thương đến nhớ, Cây hoa gạo, Mời cày, Nắng chiêm, Trăng non đầu ngõ, Người đi qua phố…

Trăng cây rơm

Ruộng người cuốc bẫm cày sâu
Một đôi đon mạ thắt bầu lưng ong
Ruộng em lo cưới chửa xong
Một bồ thóc giống một nong con tằm
Trai làng áo lính về thăm
Cây rơm treo một khuôn rằm cầu hôn.

 

Ca dao mùa thu

Ta chơi với cỏ chiều nay
Khóc đàn châu chấu vội bay về trời
Nhờ trăng tìm cỏ hoa tai
Duyên ta đeo cỏ đi hài lá sen
Xé mây một giải thắt lưng
Gió bay hoa lý rưng rưng nhớ người
Buồm đem ra ngõ ta phơi
Cho người nhìn thấy đôi lời người quên.

Thơ lục bát trữ tình công dân: Cát làng tôi, Chiếc nón Trường Sơn, Tiếng cười, Trước mộ chị út Tịch, Bùn non mũi đước, Vượt sông Ta Lê, Thương nhớ một ngày, Về đề (II), Nôi tre. Bài thơ Nôi tre, được nhạc sĩ phổ nhạc về chủ đề tình yêu biển đảo.

Nôi tre

Trăng tròn ru với nôi tre
Tuổi thơ tựa giọt nắng hè xa xôi
Đêm mưa bà ủ tiếng cười
Ầu ơ Thánh Gióng cũng nôi tre làng

Quả cà bốn phía nhân gian
Giặc xong mấy trận gian nan bạc đầu
Tao ru lời mẹ còn đau
Vết thương lành đất mai sau tạc lòng

Quê nghèo thiếu chiếu thừa nong
Mẹ già ủ trấu sao chong ngọn đèn
Tao ru chạm lối người quen
Đến thì lúa trỗ đất phèn còn chua

Ầu ơ sấm khản cơn mưa
Mau về tưới đất mát trưa bóng tròn
Lòng người yêu cỏ cỏ non
Bà ru từ thuở mẹ còn ấu thơ

Mẹ ru ẵm nựng giấc mơ
Tuổi trai vỡ giọng cậy nhờ nôi tre
Bây giờ áo lính xa quê
Tao ru chạm đến chân đê nhớ làng.

Ở trường ca Lửa mùa hong áo, 2003, trong 17 chương có chương thể lục bát: chương 12 ­ Thư. Chương 16 ­ Chị ơi. Và nhiều khúc, đoạn xen giữa các: Chương 7 ­ Giấc mơ ban ngày. Chương 8 ­ Lửa phà miền Trung. Chương 13 ­Đếm bom. Chương 15 ­ Tóc… Vốn đang mạch thể tự do, bật sang lục bát rất tự nhiên. Đấy là tạng thức cảm xúc thốt lên tự lòng được ủ muồi hàng chục năm trước. Từ ngày còn ở rừng Lim, tự ngày cầm được lệnh nhập quân đi Thanh niên xung phong. Đúng là vậy. Một hành trình thơ, chi tiết đầy ắp, thanh vận dư dật, biến dịch, ẩn phép nhiệm mầu của hiện thực trên các nẻo đường Trường Sơn, theo dấu chân, dấu gậy người lính.

Trang thơ lục bát tuyển chọn, chính tôi cũng rất ngạc nhiên về mạch sâu, nội tâm tình cảm của bản thân. Với chùm thơ lục bát đầu đời và các chùm thơ lục bát khác viết thời ở Quảng Bình, cùng các bài thơ Chiều thăm mộ cha, Nhớ mẹ.., là mạch cảm xúc thể lục bát ảnh hưởng lời ru của mẹ, của dì và hồn bảng lảng của ca dao tục ngữ lưu truyền trong đời sống dân gian ngấm vào tình cảm tự tuổi nhỏ. Thời chưa ra khỏi nách áo mẹ, chưa có linh tính về con đường thơ dẫn dụ số phận. Rồi có một giây khắc, tôi chợt giật mình hiểu ra, cái mạch ngầm lục bát ấy cũng đã có chút hơi hướng ảnh hưởng lục bát Nguyễn Du, do mê Truyện Kiều. Thời ở xứ núi rừng Lim huyện Bố tôi đã có ý thức tập tễnh viết lục bát. Cảm xúc này hệt những giọt nước rơi từ mái tranh, tôi hứng ngấm vào hồn như một cung trầm, kéo vệt dấu lặng của giàn giao hưởng các thể loại thơ: thơ lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi. Có đồng nghiệp thơ nhận xét: “Theo tôi, chưa ngọt trong lục bát nhưng với thể tự do Lê Thị Mây thoải mái biến hóa”. Có thể có phần thế thật. Nhưng không vì thế mà mạch thơ lục bát của tôi đuối! Với tôi lục bát là mạch chìm, một trữ lượng chìm.

Trong dàn đồng ca lục bát hiện nay có nhiều nhà thơ gặt hái được thành công. Nhà thơ Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, nhà thơ Anh Chi. Các nhà thơ quê hương Bình Trị Thiên: nhà thơ Xuân Hoàng, Hải Bằng, Hải Kỳ… Các anh là những cây lục bát tâm huyết. Về tứ và hồn lục bát ở mỗi tác phẩm của các anh đã gieo nhiều dư vang vào lòng bạn đọc yêu mến thể thơ này. Nhà thơ Anh Chi có hai câu lục bát “rất yêu” trong bài Thuyền than lại đậu bến Than:

Con sào cảm động cong cong
Cũng vít vổng và cũng mong lên bờ.

Tôi nhớ, nhà thơ Anh Chi đã từng nói với bạn thơ trong lớp (lớp Viết văn khóa I, Khoa viết văn Nguyễn Du), đại ý, mà tôi hiểu, luận thêm: Viết mới lục bát, phải mới từ từ tâm, khơi lẩy cảm xúc. Mới ở chỗ gợi cho độc giả nghĩ qua chi tiết, văn cảnh, để câu lục bát không bị trôi tuột. Thơ lục bát của nhà thơ Anh Chi thoạt đọc: ngỡ “trúc trắc”, lạ, mà cuốn hút. Chi tiết thơ gấp nếp vào cảm xúc, khó trôi tuột. Đấy là một sự đổi mới, làm mới lục bát, luyện tự tâm, rất ý thức về cách diễn đạt chủ đề của tứ thơ ứng ngữ cảnh, đời sống hiện thực, ẩn thân phận nhân trữ tình. “Con sào cảm động cong cong?/ Cũng vít vổng và cũng mong lên bờ” là chi tiết, được nhân cách hóa “Con sào cảm động cong cong” là ngôn ngữ thơ mang lời của trái tim tác giả. Tôi thiển nghĩ vậy.

Các thế hệ nhà thơ lão thành, đếm đầy hai bàn tay giọng lục bát tôi yêu mến, ngưỡng mộ, thuộc nhiều bài từ thời trẻ. Chất giọng lục bát Tản Đà, Tố Hũu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, chị Xuân Quỳnh… Riêng chất giọng lục bát của Bùi Giáng, cảm được cái hay, khó bình giải hay thế nào, đúng với khí chất tiên sinh? Tiếc, tôi chỉ được đọc thơ Bùi Giáng thoảng hoặc in trên các báo.

Tôi ngưỡng mộ các thi sĩ nhiều thế hệ đã viết thể thơ lục bát thành công và tin thể thơ lục bát trường tồn trong hành trình ngôn ngữ của dân tộc. Tôi cũng nuôi mơ ước, hy vọng có đóng góp nhỏ trong thể lục bát, dễ làm mà khó hay. Trong vỉa mạch thơ lục bát được tuyển chọn có một vệt thơ lục bát, mỗi bài chỉ 14 câu. Điều này dù sao cũng là một điều vui. Nó là vỉa chìm, trữ lượng chìm, tôi nghĩ và tin vậy.

Mạch lục bát, mỗi bài chỉ 14 câu, là bởi tôi yêu thể sonne, thơ 14 câu của Wilam Shakespare. Từ yêu kịch và thể thơ sonne của Wilam Shakespare, qua ngẫm ngợi, về bố cục, thể thức 14 câu: gồm 3 khổ 4 câu và 2 câu kết là bố cục, Câu 7 hoặc 8 chữ. hoặc có thể 9 chữ. Thể thức hợp lý mà quyến rủ của sonne, tôi đâm ra “nghiền” lúc nào không hay. Khổ 1: mở đề. Khổ 2 và 3: luận. Và 2 câu cuối kết tứ. đấy là nói thế, chứ thực ra khi viết, tức “lao động cảm xúc” khó nói trước được gì. Nó là tầng số rung của trái tim, chứ không phải là nhịp điệu, vần thức lắp ghép câu chữ.

Ơn nghĩa bao giờ cũng nặng lòng và khó thốt thành lời. Các cụ xưa đã dạy vậy. Con đường thơ dài dặc, tôi chưa dám buông bút ngưng nghỉ, bởi luôn mong mỏi, qua mỗi tác phẩm tuyển thơ lục bát này, trước là đền đáp phước sinh thành của cha, mẹ. Sau bái vọng đến nhiều ân nhân, ân nghĩa suốt dọc đường đời. Dưới đây là hai mạch ngầm, 2 bài lục bát được đầu năm Giáp Thìn:

NHỚ BÀ NGOẠI

Nhớ bà tóc bạc vời xa
Bà từ quê ngoại bà ra Quảng Bình
Biển trời cát trắng Bảo Ninh
Thuyền buồn cá nước lung linh tháng ngày

Cháu chắt khôn lớn hôm nay
Bầy đàn khôn lớn nhớ ngày ba thương
Cháu đây ngàn dặm đỗi đường
Trở về quê ngoại giọt sương cuối bờ

Sông Vĩnh Định thuở bấy giờ
Ngã ba bến chợ giấc mơ anh lành
Trời xanh Quảng Trị sông xanh
Bà còn gội tóc tươi cành nhớ thương

Tóc xanh ngàn dặm đỗi đường
Cháu nay thi sĩ đeo cườm giấc mơ…

 

THƯA CẬU

Nam Bắc thống nhất nước nhà
Cậu đi kháng chiến vời xa rồi về
Dựng nhà mở ngỏ phu thê
Áo phai sờn bạc hồn quê mặn nồng

Đã qua gần cả trăm năm
Nước nhà độc lập sao băng qua vườn
Ngày ngày tháng tháng quê hương
Cháu về thăm cậu con đường dầu chân

Cải ngò rau hẹ răm răm
Vân tay chăm bón vầng trăng tròn đầy
Cháu về thăm cậu vừa đây
Sả thơm nhánh nhánh ngất ngây nỗi mừng

Cúi tìm thưa cậu hoa xinh
Thơm xinh đầu ngõ bình minh đất trời…


Lê Thị Mây

Cùng chuyên mục

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn