Lu có chống được ngập cho TP.HCM?

8:40 | 18/07/2019

Không phải là phản ứng bốc đồng của số đông như một số người đưa quan điểm. Những phát biểu của PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân phản ánh một cách tư duy, nhận định khá hời hợt.


Trưởng Khoa Đô thị muốn dùng Lu chống ngập?

Cơn mưa lớn đầu mùa bất ngờ ập tới khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập nước, giao thông ùn tắc. Những lúc như thế, công tác chống ngập của thành phố lại trở thành vấn đề và gần đây lại rộ lên những tranh luận sôi nổi về đề xuất chống ngập của một đại biểu hội đồng nhân dân thành phố.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân tại kỳ họp thứ 15, HĐND khóa IX, chiều 12/7 đã đề xuất cho giải pháp chống ngập lụt của thành phố bằng cách “trang bị cho mỗi nhà dân hay cộng đồng địa phương những cái Lu to mỹ thuật”. Thời buổi công nghệ, không sợ không được nghe trực tiếp ý kiến của bà Hồng Xuân. Bạn đọc có thể xem lại trích đoạn phát biểu của vị PGS-TS này trên nhiều kênh truyền thông.

Đoạn phát biểu cho thấy rõ ràng bà Xuân đã không đưa ra được luận chứng khoa học nào ngoài cái kinh nghiệm dân gian của người dân trong việc dùng Lu chứa nước dùng dần và cũng không có phát biểu nào liên quan đến cái đề xuất JICA trong clip này.

Nhưng sau khi bị “bão” phản ứng từ công chúng, bà Xuân lại có màn bao biện, trần tình trên một số tờ báo, cho rằng: “Dùng lu chống ngập là kinh nghiệm dân gian chứ tôi không suy diễn”.

Chẳng thà bà có suy diễn còn đỡ hơn vì ít ra còn cho chúng ta thấy những lập luận của mình. Đằng này, lấy kinh nghiệm dân gian và sau đó thì nói là kinh nghiệm của JICA. Một giải pháp (hứng nước mưa để dùng) cho vấn đề hoàn toàn khác và phức tạp (chống ngập ở đô thị). Cái lối ví von ấy nó có trong cả não trạng muốn đơn giản hóa, quy giản (reductionism) cho một vấn đề tương đối phức tạp. Và đó cũng là điều không hay ở một nhà khoa học. Nó lộ rõ tư duy khoa học khiếm khuyết và hời hợt.

“Tôi sinh ra và lớn lên từ nông thôn, tôi không lấy mác PGS, TS để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình. Nhưng cách nói dân dã quê mùa lại dễ bị phản ứng. Thay vì nói rõ đây là kinh nghiệm từ JICA (Nhật Bản) thì có lẽ đã được chấp nhận dễ hơn” – Bà Xuân nói.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Lúc cần chức danh khoa học cho một vấn đề, tại sao lại không sử dụng tri kiến khoa học? Người dân không cần mác PGS-TS mà cần những lập luận chặt chẽ ở một nhà khoa học và với tư cách một trưởng Khoa Đô thị, người đáng lẽ được xem là có thẩm quyền chuyên môn về vấn đề này.

Nhận thức khoa học về “giải pháp Lu chống ngập”

Cũng giống như TS. Xuân, những người bênh vực “giải pháp cái Lu” đã nhầm lẫn giữa dụng cụ trữ nước có hạn của chiếc lu, với công năng tạm chứa nước của hệ thống bể ngầm, giúp nước mưa thoát nhanh xuống lòng đất, trước khi tiếp tục được xả ra sông lớn, có vào nhưng có ra chứ không phải chỉ là chứa nước đơn thuần. Đó là khác biệt rất lớn của Lu (chỉ chứa mà không xả) còn hầm chứa nước (cho nước vào, chứa tạm thời và xả ra) – Trích theo quan điểm đã công bố trên trang cá nhân từ ông Hoàng Tuấn Công

Hệ thống mà nhiều người ám chỉ tới là một công trình lớn theo nghiên cứu ứng dụng của Nhật. Hệ thống này được bắt đầu xây dựng vào năm 1992, sau 14 năm mới có thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nó được thiết kế bao gồm 5 giếng bê tông lớn, cao 65m, và có đường kính 32m, nối với nhau bằng hệ thống hầm nối dài 6,4km.

Tại đây, các giếng sẽ tiếp nhận lượng nước khổng lồ (nhất là vào mùa mưa bão), điều tiết rồi đưa ra ngoài qua hệ thống cống ngầm đặc biệt. Quy trình vào – ra đều được xử lý bằng 78 máy bơm công suất lớn (10 MW – tốc độ: 200 tấn nước/s). Nghĩa là có phần Lu nhưng phải có chỗ xả ra nếu không cái Lu lớn ấy cũng sẽ gây ngập lụt.

Công trình hệ thống cống thoát nước ngầm của Nhật 

Theo như lý giải từ ông Hoàng Tuấn Công, chiếc lu đựng nước của dân gian khi đầy thì chảy tràn ra ngoài, còn đường hầm đa năng dưới lòng đất, hay cái bể ngầm của Nhật Bản, hay là hệ thống thoát nước ngầm, hoặc “cống ngầm lớn nhất thế giới” nó giống như nguyên lý hoạt động của cái phễu: chỉ tạm trữ trước rồi thoát dần bằng đường ống nhỏ, chứ không tràn ra ngoài.

Về ứng dụng của cái Lu chứa nước thì một người có lương tri thông thường cũng có thể thấy là không khả thi. Xin dẫn lại đây phần tính toán chỉ tầm “toán tiểu học” của một người dân khác tên là Nguyễn Toàn, mặc dầu có vài giả thiết còn khá sơ sài nhưng tổng quát là có thể lĩnh hội về việc thử tính giải pháp dùng LU cho Quận 1 thành phố Sài Gòn:

“Căn cứ tính:  Diện tích 8 triệu m2; Dân số: 205180 người; Lượng mưa to 50mm/2 giờ; Thể tích 1 cái lu: 0,25 m3. Giả thiết mỗi gia đình có 4 người, sẽ có 51295 gia đình. Cứ cho là tất cả các gia đình này đều hứng được nước mưa (thực tế ít hơn nhiều vì có các nhà 2,3 tầng trở lên) thì sẽ cần 51295 cái lu. Tổng số lu này trữ được 51295×0,25=12824 m3 nước. Trong khi đó tổng lượng nước mưa rơi trên Quận 1 là 0,05×8000000= 400000 m3. Như vậy vẫn tồn 400000-12824=387176m3 chảy ra ngoài, tức là 97% lượng nước mưa không thu gom được vào Lu”.

“Giá 1 chum sành cỡ 200 lit là khoảng 3-4 triệu (theo báo giá của NSX), vậy mỗi gia đình phải bỏ ra cỡ 3,5 triệu đồng mua chum chưa kể tôn máng hứng nước vì miệng chum bé. Kết luận: tổng số tiền của “dự án lu chông ngập” cho quận 1 này là 3,5 x 51295= 179532 triệu xấp xỉ 180 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 3% lượng nước mưa?” – Bài toán của người dân chỉ rõ.

(Biếm họa của báo Tuổi trẻ Cười)

Ngoài ra, không phải thành phố chưa từng đề xuất và xem xét dự án “hầm chứa nước” theo kiểu JICA với đề xuất của Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt trong đó có đề cập đến việc tính toán dung tích bể chứa và số lượng hợp lý để đủ sức chứa lượng nước trên (tương đương lượng nước mưa có thể ngập đường ở mức độ cao 400 -500mm và diện tích mặt đường). Sử dụng các trạm bơm công suất lớn bơm lượng nước ngập vào bể chứa.

Theo tư liệu đã đăng trên báo Sài gòn giải phóng cũng từng đề cập đến giải pháp của chính quyền thành phố Fukuoka (Nhật Bản) có 2 hồ điều tiết nước mưa với tổng công suất gần 30.000m³ gần công viên Sanno. Trong đó, hồ điều tiết nước mưa ngầm Sanno 1 được xây dựng từ việc đào sân bóng chày sâu 1,8m. Khi không có mưa, nơi đây sẽ là sân vận động để người dân vui chơi. Khi xảy ra mưa, nó sẽ là hồ điều tiết với sức chứa khoảng 13.000m³. Cũng tại công viên này, bên dưới còn có hồ điều tiết nước mưa Sanno 2 được xây ngầm, có sức chứa khoảng 15.000m³, nhằm thu gom nước lũ rồi bơm (đường kính ống lớn nhất rộng đến 5m) ra sông.

Những phát biểu của PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân phản ánh cách tư duy, nhận định khá hời hợt của một số vị đại biểu nhân dân, kể cả có tước vị hẳn hoi, trước các vấn đề hệ trọng và phức tạp. Họ tỏ ra không xem đại biểu nhân dân là một nghề cần nhiều phẩm chất chuyên nghiệp, đòi hỏi phải khổ công suy nghĩ, tìm tòi, tham vấn chuyên gia, phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, lập luận chặt chẽ, mới có hy vọng đề xuất và vận động chính sách thành công.

 

Theo Viettimes

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô