Ngày 10/4/2025, Trường Đại học An ninh nhân dân đã tổ chức chuyến tham quan thực tế và thực hành học phần tiếng Anh cho học viên các Trung đội Cao học 20A và 20C tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Hoạt động do Khoa Ngoại ngữ – Tin học thực hiện, nằm trong khuôn khổ Kế hoạch số 732/KH-T04-K10 ngày 03/4/2025.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền Bến Dược – Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
Chuyến đi không chỉ là dịp giúp học viên rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực tiễn mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức lịch sử và lòng yêu nước. Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Đoàn bày tỏ lòng biết ơn qua nghi lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền tưởng niệm Bến Dược.
Tại Đền tưởng niệm Bến Dược – nơi ghi danh hơn 44.000 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đoàn học viên đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm. Các học viên thực hành thuyết minh song ngữ Anh – Việt về kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của đền, qua đó thể hiện kỹ năng ngôn ngữ và khả năng trình bày trước đám đông.
Đoàn công tác đến thăm và tri ân tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hôn.
Tiếp nối chương trình, đoàn đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hôn (sinh năm 1926) tại ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Tại đây, học viên lắng nghe chia sẻ xúc động từ Mẹ và giới thiệu tiểu sử Mẹ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh như một lời tri ân chân thành đến thế hệ đi trước.
Học viên cao học cùng Đoàn trải nghiệm thực tế tại Địa đạo Củ Chi.
Hoạt động cuối cùng trong chương trình là tham quan hệ thống Địa đạo Củ Chi – công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và thể hiện tinh thần quật cường của quân dân miền Nam. Các học viên trực tiếp thuyết minh bằng tiếng Anh về cấu trúc, chức năng của các công trình ngầm như bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn, phòng họp, trạm y tế,…
Kết thúc hoạt động tham quan và tìm hiểu tại Địa đạo Củ Chi, các học viên đã tham gia buổi giao lưu và phát biểu cảm nghĩ bằng tiếng Anh. Không chỉ chia sẻ những ấn tượng và cảm xúc cá nhân về chuyến đi, học viên còn tích cực tham gia các tiết mục giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần tạo nên không khí sôi nổi, gắn kết và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Theo đánh giá của giảng viên phụ trách chuyên môn, chuyến đi thực tế không chỉ giúp học viên nâng cao kiến thức lịch sử mà còn rèn luyện hiệu quả kỹ năng thực hành tiếng Anh và làm việc nhóm. Các học viên thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tinh thần học hỏi cao và có trách nhiệm trong từng hoạt động, góp phần vào thành công chung của chương trình.
Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn, đồng thời trang bị thêm kỹ năng hội nhập cho học viên trong thời kỳ đổi mới.
Phương Nguyễn
(Tin và ảnh: Học viên Trung đội Cao học 20A & 20C)