‘Lời nguyền hậu Olympic’ đeo bám các đời thủ tướng Nhật

8:34 | 04/09/2021

Trong quá khứ, mỗi lần thế vận hội được tổ chức ở Nhật Bản, thì thủ tướng đương nhiệm vào thời điểm đó đều phải từ chức sau khi sự kiện khép lại.

Ông Suga Yoshihide. Ảnh: Nikkei

Theo đài NHK và truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide đã thông báo quyết định từ chức tại cuộc họp khẩn với các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) diễn ra trong hôm nay (3/9). Ông dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ sớm nhất trong tháng này, đồng thời mở ra cơ hội cho các ứng cử viên khác thuộc đảng LDP.

Đáng chú ý, quyết định từ chức của Thủ tướng Yoshihide chỉ diễn ra không lâu sau khi Thế vận hội Tokyo chính thức khép lại vào ngày 8/8 năm nay. Điều này vô tình khiến ông trở thành nhà lãnh đạo mới nhất không thể vượt qua “lời nguyền hậu Olympic” vốn ám ảnh các đời Thủ tướng Nhật Bản suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Tổng cộng, Nhật Bản từng 4 lần đăng cai Thế vận hội vào các năm 1964, 1972, 1998 và 2020. Và có một điều trùng hợp là các thủ tướng đương nhiệm vào những thời điểm đó đều phải từ chức sau khi giải đấu chính thức bế mạc.

“Lời nguyền” khó hiểu

Kỳ thế vận hội đầu tiên của Nhật Bản diễn ra vào năm 1964. Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Ikeda Hayato đã mong muốn tận dụng hình ảnh kỳ thế vận hội này để kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen và hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo.

Thế vận hội 1964 được xem như một biểu tượng cho giai đoạn phát triển kinh tế “thần kỳ” của Nhật Bản. Nhưng chỉ một tháng trước thời điểm khai mạc sự kiện, Thủ tướng Hayato đã phải nhập viện và bị chẩn đoán mắc ung thư. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khi đó vẫn cố gắng rời giường bệnh để tham dự lễ khai mạc tổ chức ở Tokyo.

Chỉ một ngày sau đêm bế mạc Thế vận hội 1964, Thủ tướng Ikeda Hayato buộc phải từ chức vì lý do sức khỏe. Ông qua đời sau đó một năm.

Thủ tướng Ikeda Hayato đã thông báo từ chức chỉ 1 ngày sau khi bế mạc Thế vận hội 1964. Ảnh: Kyodo, Nikkei

Tháng 2 năm 1972, Nhật Bản đứng ra tổ chức kỳ thế vận hội mùa đông đầu tiên tại thành phố Sapporo. Gần 5 tháng sau khi sự kiện khép lại, Thủ tướng Nhật khi đó là Sato Eisaku, người kế nhiệm ông Ikeda Hayato, đã quyết định rút lui khỏi chính trường sau 7 năm 8 tháng cầm quyền.

Đến năm 1998, dưới thời Thủ tướng Hashimoto Ryutaro, Nhật Bản đăng cai kỳ thế vận hội mùa đông tiếp theo, với địa điểm tổ chức ở thành phố Nagano. Thủ tướng Ryutaro từng kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nhật Bản, đồng thời gia tăng mức độ tín nhiệm của người dân đối với chính phủ của ông.

Nhưng ở cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản diễn ra 5 tháng sau thế vận hội ở Nagano, đảng LDP của Thủ tướng Hashimoto Ryutaro vẫn phải hứng chịu thất bại nặng nề. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khi đó đã đứng ra nhận hết trách nhiệm và chấp nhận từ chức.

Olympic mùa đông 1998 tại Nagano không thể cứu Thủ tướng Hashimoto Ryutaro và đảng LDP khỏi thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện sau đó 5 tháng. Ảnh: Nikkei

Thậm chí, ‘lời nguyền hậu Olympic’ còn ứng nghiệm lên cả các kỳ thế vận hội do Nhật Bản đăng cai, song không thể diễn ra theo đúng lịch trình. Các kỳ thế vận hội mùa hè và mùa đông năm 1940, dự kiến được tổ chức tại 2 thành phố Tokyo và Sapporo, đã bị hoãn do Thế chiến II. Đó cũng là thời điểm nước Nhật phải chứng kiến tới 2 lần thay đổi thủ tướng.

 Mới đây nhất, sau khi Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Abe Shinzo đã từ chức vào tháng 8/2020 với lý do sức khỏe.

“Lời nguyền” lặp lại

Với việc sẽ từ chức và không ra tái tránh cử chức lãnh đạo LDP vào cuối tháng, Thủ tướng Suga Yoshihide trở thành gương mặt mới nhất không thể vượt qua được ‘lời nguyền’.

Theo báo Mainichi Shimbun, nhà lãnh đạo 72 tuổi từng kỳ vọng Thế vận hội Tokyo sẽ thúc đẩy uy tín của nội các do ông nắm quyền trong cuộc bầu cử hạ viện vào tháng 10 tới, cũng như cuộc bầu cử chức Chủ tịch LDP vào cuối tháng 9 này. Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Sports Hochi ngày 20/7, Thủ tướng Yoshihide từng khẳng định: “Tôi muốn tạo ra một giải đấu mà mọi người cuối cùng sẽ nhìn vào và nói rằng đây là một sự kiện “đáng đồng tiền bát gạo””.

Thủ tướng Suga Yoshihide vấp phải nhiều chỉ trích khi tiếp tục tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, bất chấp dịch Covid-19 ở Nhật Bản vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Kyodo

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Nhật Bản, ngày càng nhiều người dân lên tiếng chỉ trích việc tiếp tục tổ chức thế vận hội, ngay cả khi Tokyo vẫn chưa thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.

Trước thời điểm khai mạc Thế vận hội Tokyo, một thành viên của đảng LDP đã thừa nhận: “Tôi tự hỏi liệu từ giờ cho đến khi thế vận hội khép lại, chúng ta có thể nói rằng “số ca nhiễm Covid-19 trong sự kiện sẽ ít hơn những gì chúng ta tiên liệu” hay không. Nếu số ca nhiễm hàng ngày ở Tokyo lên mức từ 3.000 dến 4.000 người, ông ấy sẽ phải từ chức”.

Thực tế, theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày ở Tokyo đã lên tới 4.058 ca vào ngày 31/7. Đến ngày 4/8, số ca nhiễm đã lên tới 4.166, và lập mức kỷ lục 5.074 ca trong ngày 21/8. Phải đến đầu tháng 9, số ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo mới bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn ở mức 3.099 ca vào ngày 2/9.

Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Suga Yoshihide đã giảm xuống dưới 30%, mức thấp nhất từ thời điểm ông mới nhậm chức cho đến nay. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong năm nay.

 

Theo Vietnamnet


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả