Việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi nhan sắc, không ít cuộc thi hoa hậu là để kinh doanh, kiếm tiền… Vì thế danh xưng “hoa hậu” nay đã mất đi những giá trị đối với xã hội.
Bùng nổ các cuộc thi người đẹp
Sau hai năm dịch bệnh, cùng sự nới lỏng của quy định tổ chức với Nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ tháng 2/2021), các cuộc thi nhan sắc đã bùng nổ mạnh trong năm 2022.
Một thống kê cho thấy, các cuộc thi nhan sắc, người đẹp ước tính tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm trước. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc khác nhau; nhiều cuộc thi hoa hậu lần đầu diễn ra như Miss Grand Vietnam, Miss Earth Vietnam…
Quá nhiều cuộc thi hoa hậu tên gọi na ná nhau khiến khán giả có thể nhầm lẫn khi nhận diện thương hiệu, nhiều cuộc thi có thời gian tổ chức chóng vánh, chất lượng thí sinh không tốt. Ảnh minh họa
Trong đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chung kết ngày 25/6. Tháng 7 có Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm, còn thêm hàng loạt cuộc thi nữa sẽ được tổ chức: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)…
Trước đây, các cuộc thi nhan sắc phải do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Ngoài ra, một loạt cuộc thi “nhỏ” do các đơn vị cấp hội hoặc các công ty giải trí thực hiện nhưng cũng có tên rất “oách”: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu…
Việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu góp phần giúp làng giải trí sôi động trở lại sau dịch COVID-19. Trên mạng xã hội, các hội nhóm sắc đẹp phát triển mạnh, bàn luận sôi nổi về các cuộc thi. Các sự kiện được tổ chức cũng thu hút lượt lớn khán giả theo dõi. Chẳng hạn, chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đã có gần 10.000 khán giả. Còn theo Ban Tổ chức Miss World Vietnam, đêm chung kết cuộc thi này ở Quy Nhơn vào tháng 8 tới đây cũng dự kiến có khoảng 20.000 người xem trực tiếp
.“Hoa hậu” mất giá
Nhiều năm qua, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là 3 đấu trường sắc đẹp uy tín nhất. Các cô gái giành vương miện hoa hậu, á hậu trong các cuộc thi này thường sẽ là đại diện cho Việt Nam góp mặt trong các cuộc thi danh giá của quốc tế như Miss World, Miss Universe, Miss Grand International, Miss International.
Vậy nhưng việc “bội thực” các cuộc thi hoa hậu dẫn đến tình trạng “ra đường gặp hoa hậu” khiến danh xưng này bị giảm uy tín. Danh xưng hoa hậu từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái và từng được xã hội rất quan tâm. Nhưng giờ đây, khán giả thậm chí còn không nhớ hết tên các cuộc thi lẫn những người giành vương miện.
Đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đã bị Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng vào tháng 6 vừa qua, do có nhiều vi phạm. Ảnh: BTC
Đồng thời, sự dễ dãi, thương mại hóa hoạt động thi nhan sắc đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Dần dần, các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam bị biến tướng, lệch pha với mục tiêu là những cuộc thi tôn vinh nét đẹp phụ nữ. Nhiều cuộc thi không đem lại lợi ích gì ngoài việc đánh bóng tên tuổi cho thí sinh và lợi nhuận cho các công ty giải trí.
Tứ đại Hoa hậu (Big 4) là một cụm từ để chỉ bốn cuộc thi sắc đẹp được coi là lớn và danh giá nhất hành tinh, đó là: Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Quốc tế (Miss International) và Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth).
Bên cạnh những cuộc thi uy tín thu hút đông đảo thí sinh tham gia, rất nhiều cuộc thi chỉ có vài ba chục thí sinh đăng ký. Chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam sẽ thi chung kết vào cuối tháng 7/2022 nhưng đến đầu tháng 7, khi họp báo công bố cuộc thi thì mới có 25 người đăng ký. Cuộc thi này cũng chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ và có độ tuổi từ 18 tới tận 45, cả người đã lập gia đình.
Sự sáo rỗng, rập khuôn trong cách tổ chức và cả nội dung các cuộc thi, là những yếu tố khiến hoa hậu “mất giá”. Không nhiều hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người đẹp khẳng định được tài năng, trí tuệ và có ảnh hưởng tích cực, đóng góp cho cộng đồng.
Cần quản lý chặt chẽ hơn các cuộc thi hoa hậu?
Theo tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng, việc tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu là “nhảm, nhố nhăng, vớ vẩn, phi thẩm mỹ”. Ông Hùng cũng nêu thực tế, người ta quan niệm tổ chức thi hoa hậu như một nghề, một kiểu kiếm tiền, mời giám khảo cát sê thấp để thu lợi nhuận. Không ít đơn vị xin cấp phép thi hoa hậu, sau đó chủ yếu đi xin tài trợ. Tiền tài trợ, sau khi trừ đi chi phí tổ chức, thừa bao nhiêu, họ “đút túi” riêng.
Theo ông Hùng, bây giờ, nhiều người ví von, “2m2 lại thấy một hoa hậu”. “Tràn lan thi nhan sắc, chúng ta có đủ các cuộc thi từ Hoa hậu Áo dài đến Hoa hậu Biển. Hệ lụy là sự bão hòa về hình thức, nhan sắc. Thử hỏi, có dễ dàng tìm ra người đẹp nhất của Việt Nam để đi thi nhan sắc quốc tế hay không?”, ông Hùng nói.
Từ đó, ông Hùng đề xuất, cần quản lý chặt chẽ hơn các cuộc thi hoa hậu và nên hạn chế, một năm chỉ nên có 2-3 cuộc cấp quốc gia.
Siêu mẫu, diễn viên Vũ Thu Phương – người vừa tham gia giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – cũng thừa nhận từ đầu năm tới nay có 16 cuộc thi hoa hậu là quá nhiều. Theo Vũ Thu Phương, số lượng nên giảm bớt để các thí sinh có “đủ thời gian chín”.
Thế giới ngày càng thờ ơ với các cuộc thi nhan sắc. Ảnh minh họa
Các cuộc thi nhan sắc thường thu hút sự quan tâm của xã hội. Ảnh: Miss Universe Vietnam
Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020 trong cuộc họp báo ra mắt cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022. Ảnh: BTC
Thí sinh tham dự Cuộc thi Miss World Vietnam 2022. Ảnh: BTC
Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020, từ trái qua gồm Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Á hậu Phương Anh, Ngọc Thảo. Ảnh: Sen Vàng
Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Ảnh: Miss Universe Vietnam
Tuy nhiên, trái với những ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn (người tham gia xây dựng Nghị định 144) lại nhìn nhận, hiện tượng này là bình thường. Ông Vinh còn nhấn mạnh, các cuộc thi sẽ góp phần quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa và kích cầu kinh tế.
Nói về thực tế vẫn đang tồn tại nhiều cuộc thi hoa hậu chất lượng ao làng, thậm chí bị chính người đẹp tố có mua bán giải, ông Vinh cho rằng, người dân hoàn toàn có quyền ngoảnh mặt với những cuộc thi như vậy.
Thậm chí, ông Vinh còn nêu quan điểm, nếu cuộc thi nào đó có “bán” theo một hình thức trá hình nào đó và ai đó có nhu cầu “mua” thì cũng là “quyền của thị trường, miễn là sự mua bán đó không vi phạm pháp luật”.
Trên thế giới, cũng từng có giai đoạn các cuộc thi hoa hậu nở rộ. Tuy nhiên, đến những năm gần đây, số lượng các cuộc thi hoa hậu đã thu hẹp đáng kể. Một số nước như Cộng hòa Czech, South Africa, Indonesia… mối năm cũng chỉ tổ chức một vài cuộc thi lớn.
T.Toàn
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/loan-thi-nguoi-dep-quan-hay-tha-post205031.html#p-1