Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

9:57 | 12/07/2024

1. Thực ra, không phải bây giờ giới sân khấu mới nói đến sân khấu dành cho thiếu nhi. Bởi bậc tổ của nghệ thuật hát bội từ xa xưa đã được xác định là hai em bé vì quá mê hát bội đã rủ nhau trốn nhà đi xem hát bội rồi ngủ quên khi coi hát bị mọi người bỏ quên ngoài sân hát mà chết. Như vậy, nghệ thuật hát bội không những đã thờ tổ nghề không chỉ là khán giả mà còn là những khán giả thiếu niên nhi đồng, những người say mê sân khấu nhất và đã chết vì niềm say mê sân khấu của mình. Từ lâu, sân khấu cũng thờ chung tổ nghề sân khấu là tổ nghề của hát bội. Bởi vậy, sân khấu đã coi khán giẩ nhỏ tuổi là đối tượng phục vụ quan trọng nhất của mình. Không lạ khi sân khấu có những nghệ thuật gần như dành riêng cho thiếu niên nhi đồng như xiếc và múa rối và thời hiện đại ở nước ta đã sinh ra nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát có đối tượng chính là thanh thiếu niên nhi đồng. Đây là Nhà hát duy nhất mà trong thới sân khấu hoàng kim hay thời sân khấu mất khán giả nghiêm trọng, bao giờ cũng liên tục sáng đèn. Tuy vây, dù vấn đề sân khấu với thiếu niên nhi đồng quan trọng, sống còn như thế, chưa bao giờ có cuộc thi viết kịch bản cho sân khấu thiếu nhi và nhất là trong hàng chục Liên hoan Hội diễn, Liên hoan do bộ, hội và các ngành tổ chức thường xuyên định kỳ chưa có một liên hoan, hội diễn h cho sân khấu, dành cho thiếu niên nhi đồng.

Vở chèo “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát chèo Hà Nội.

Hai năm nay, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, đã có những thao thức lớn về vấn đề quan trọng này của nền sân khấu. Chị hiểu rằng sân khấu không chỉ phải có trách nhiệm lớn với thiếu niên nhi đồng mà thiếu niên nhi đồng còn là nguồn khán giả lớn nhất, bền vững nhất của nền sân khấu đang xã hội hóa mạnh mẽ, cần tìm mọi cách tốt nhất đưa các em đến với sân khấu. Năm 2023, Hội đã tổ chức một cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng. Năm nay, Hội quyết tâm tổ chức cuộc liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng đầu tiên trong lịch sử sân khấu nước nhà. Trong điều kiện rất khó khăn về kinh phí, may mắn thay, TS Giám đốc Trần Thị Hoàng Mai và ngành VHTT Hải Phòng, kinh đô mới của sân khấu đất nước, đã nhiệt tình chào đón cuộc liên hoan SK nhiều ý nghĩa này về với Lễ hội hoa phượng đỏ 2024 như một hoạt động lớn của lễ hội thường niên ở trung tâm văn hóa lớn nhất, giàu truyền thống nhất và hiện đại nhất vùng duyên hải Bắc Bộ này.

2. Phải công nhận dù là Liên hoan Sân khấu đầu tiên dành cho thiếu niên nhi đồng toàn quốc, tất cả 17 chương trình biểu diễn của 14 đơn vị nghệ thuật tham dự đều được đầu tư công phu và có những ý tưởng sáng tạo mới mẻ.

Trong Liên hoan lần này, các vở diễn về đề tài dân gian, lịch sử dân tộc chiếm hơn nửa với 10 vở diễn. “Dế mèn phiêu lưu ký” của đoàn múa rối Hải Phòng, “Nắm xôi ký diệu”“Cây tre trăm đốt” của Nhà hát Chèo Hà Nội, “Tiếng đàn Thạch Sanh” của Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, Thanh Hóa, Nhà hát Kịch Hà Nội với “Lời bà kể”, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Sân khấu VN là “Giải cứu mặt trăng” (Chuyện về Cuội), Liên đoàn xiếc VN với “Bống bống bang bang” (Tấm Câm), Đoàn nghệ thuật Sen Việt với “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Đoàn kịch nói Hải Phòng với “Mặt trời quê hương”, Nhà hát xiếc và tạp kỹ Hà Nội với “Màu của ước mơ”. Điều đáng nói ở mảng đề tài này, hầu hết các vở diễn đều có cách tiếp cận mới mẻ cả nội dung và nghệ thuật, rất thích hợp với đối tượng thiếu niên nhi đồng.

Nổi bật nhất trong mảng đề tài này là các vở “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “ Nắm xôi kỳ diệu” và “Dế mèn phiêu lưu ký”.

“Dế mèn phiêu lưu ký” của Đoàn Múa rối Hải Phòng.

Với một đề tài lịch sử tưởng rất cũ kỷ về người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (tác giả Nguyên Phương, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) được đầu tư rất công phu, rất mới mẻ về âm nhạc, múa, phục trang và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Việc mạnh dạn sáng tạo một thể loại mà anh gọi là “nhạc kịch dân ca Nam Bộ” với sự hỗ trợ tâm huyết của nhạc sĩ Thanh Liêm, người phối mới các điệu lý và cả làn điệu cải lương để tạo nên sự hấp dẫn mới cho bộ môn sân khấu truyền thống này cùng một dàn nghệ sĩ đặc biệt lành nghề, ca diễn xuất sắc, đạo diễn, NSUT Lê Nguyên Đạt đã làm nên một vở diễn mới mẻ và hấp dẫn bậc nhất Liên hoan.

Trên cơ sở câu chuyện về “Thằng Bờm” đặc biệt thông minh và thực tế trong câu ca dao “Thằng Bờm” rất thú vị, nhà văn Thiên An đã viết kịch bản văn học, soạn giả Mai Văn Sinh chuyển thể sang chèo, được đạo diễn Lê Tuấn dàn dựng thành một vở chèo dân gian vừa vui tươi, náo nhiệt vừa sâu lắng, xúc động. Các tác giả đã chú ý tập trung đến vai trò của “nắm xôi” hơn “cái quạt mo”. Ra đời từ cuối năm 2023, “Nắm xôi kỳ diệu” đã phục vụ rất tốt đề án ʺGiới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Hà Nội giai đoạn 2022 ­ 2030ʺ, dành cho các em học sinh khối tiểu học và THCS của Hà Nội.

“Dế mèn phiêu lưu ký” cũng rất mới mẻ khi được thể hiện bằng nghê thuật múa rối. Việc tạo hình các nhân vật động vật rất sinh động, ngộ nghĩnh. Sân khấu rối ba tầng quen thuộc mà NSND Nguyễn Tiến Dũng tạo dựng cho Đoàn Múa Rối Hải Phòng khi diễn rối cạn để kết hợp rối que, rối dây với rối mặt nạ, rối người da dạng phong phú hơn và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên sau nhiều năm cộng tác với NSND Nguyễn Tiến Dũng, xây dựng nhiều vở rối với nhiều đề tài và phong cách thể hiện đã được nâng cao đáng kể. Những yếu tố đó cùng tác phẩm văn học được các em thiếu niên nhi đồng yêu mến đã tạo nên một vở diễn rất hấp dẫn với khán giả nhí Hải Phòng.

“Chú mèo dạy hải âu bay” của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Các vở diễn về đề tài nước ngoài thường bị cấm tham gia ở các liên hoan, hội diễn khác xưa nay lại có tới 4 vở diễn của hai “ông lớn” của sân khấu VN là Nhà hát kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ tại liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng lần đầu tiên và phải công nhận đây là những vở diễn thu hút khán giả trẻ bậc nhất liên hoan. Nhà hát Tuổi trẻ với vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”“Chú mèo dạy hải âu bay”. Nhà hát kịch VN với “Bộ quần áo mới của hoàng đế”“Rồng thần trở lại”.

Vở kịch “Bộ quần áo mới của vị hoàng đế” của Nhà hát kịch VN.

Gần như rất ít dựng kịch thiếu nhi, Nhà hát kịch VN đem đến Liên hoan hai vở kịch đều dựa trên các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng là người kể chuyện cổ tích Andersen và tác giả bộ truyện tranh được thiếu niên nhi đồng khắp thế giới tìm đọc “7 viên ngọc rồng”, tác giả người Nhật Bản Akira Toriyama. “Bộ quần áo mới của hoàng đế” do một đạo diện người Nhật chuyên về kịch hình thể dàn dựng nên vở kịch vui tươi, đậm chất hình thể nhưng chỉ là một vở khá trong liên hoan. Nhưng “Rồng thần trở lại” đựa trên bộ truyện tranh “7 viên ngọc rồng” do hai người bạn thân thiết là thần tượng của trẻ em cả nước: NSND Xuân Bắc viết kịch bản, NSND Tự Long dàn dựng là những câu chuyện lý thú xoay quanh Songuku và hành trình giải cứu những người bạn khỏi tay PocoLong. Dưới góc nhìn mới mẻ, hài hước, vở kịch biểu dương sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tình yêu cái đẹp, sự căm ghét cái xấu. Vở diễn không những vẫn giữ nguyên tinh thần của phiên bản gốc là chân lý cái tốt luôn chiến thắng cái xấu mà còn gửi gắm thêm thông điệp về bảo vệ môi trường, thiên nhiên . “Rồng thần trở lại” cũng là vở kịch đặc biệt chú trọng đến tính tương tác giữa khán giả và diễn viên, vốn là lợi điểm của kịch dành cho thiếu niên nhi đồng. Bởi thế, không lạ khi đây là một trong nhưng vở diễn hấp nhất với khán giả liên hoan.

NSND Xuân Bắc giao lưu với khán giả nhí trước mỗi buổi biểu diễn.

Từ năm 2020 đến nay, với sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến và đạo diễn Ánh Tuyết, Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ đã mạnh dạn dàn dựng nhiều vở nhạc kịch được khán giả trẻ hoan nghênh và “Bầy chim thiên nga” là một trong những nhạc kịch đó. Vở diễn này dựa trên trên tác phẩm văn học và âm nhạc rất nổi tiếng của hai tác giả lớn của thế giới là truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Đan Mạch Andersen và ballet “Hồ thiên nga” của nhạc sĩ người Nga Tchaikovsky. Chuyện của Andersen và âm nhạc của Tchaikovsky tất nhiên đã làm cho nhạc kịch này rất hấp dẫn với khán giả trẻ. Nhưng đáng chú ý hơn ở Nhà hát Tuổi Trẻ là vở kịch nói “Chú mèo dạy hải âu bay”. Đó là vở diễn có tên vừa gây tò mò vừa nhiều chất thơ được chuyển thể từ một tiểu thuyết của nhà văn Chile Luis Spulveda. Câu chuyện kịch đầy lãng mạn và nhân văn với chuyện chú mèo con Zorba nhận những nhắn gửi thiêng liêng của một hải âu mẹ sắp chết đã giúp quả trưng hải âu mẹ để lại nở thành hải âu con rồi Zorba cùng gia đình mèo của cậu đã vượt qua được những khó khăn tưởng không thể vượt qua để thực hiện lời hứa với người đã khuất: nuôi hải âu con trưởng thành và cẩt cánh bay giữa trời biển cao rộng. Vở diễn đã cho thấy: mọi sinh vật trên thế giới này đều có thể an vui bên nhau nếu giữa họ là tình thương yêu, khát vọng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn tai ương. Phép màu sẽ xuất hiện trong tình thương yêu và đưa tất cả “điều không thể sẽ trở thành có thể”

3. Một trong những đặc sắc của Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng lần đầu tiên là sự tham gia của khán giả thiếu niên nhi đồng Hải Phòng vào Liên hoan. Điều hạnh phúc nhất của hơn 500 nghệ sĩ tham gia liên hoan là 17 buổi diễn của họ tại Nhà hát Lớn TP và Nhà hát Tháng Tám buổi diễn nào cũng tràn ngập khán giả nhí với sự tương tác đầy hưng phấn, sôi động cùng vở diễn. Bởi nằm trong chương trình lễ hội “Hoa phượng đỏ” năm 2024 Sở VHTT và Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng đã phối hơp để đưa hoc sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở lần lượt tới xem cả 17 vở diễn. Nhà hát Lớn và Nhà hát Tháng Tám luôn tràn ngập thiếu niên nhi đồng Hải Phòng mổi buổi diễn quá khả năng phục vụ của nhà hát nên hôm nào ngoài ban giám khảo phải làm nhiệm vụ, ban tổ chức, các vị quan khách và khách mời đã tự nguyện nhường chỗ ngồi cho các bé, tìm chỗ đứng ở hai bên hoặc phía sau để xem biểu diễn. Rất thú vị là các khán giả nhí rất tích cực tương tác với các nghệ sĩ biểu diễn làm các buổi diễn luôn vô cùng sôi động. Điểm sáng của khán phòng hai địa điểm liên hoan là sự xuất hiện của NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch VN, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan trước mỗi buổi biểu diễn NSND Xuân Bắc không còn giữ “chất” giám đốc và chủ tịch mà xuất hiện trước khán giả thiếu nhi mà với tư cách một người bạn của các em, đến bên cạnh các em với nhiệm vụ tự nguyện là người giữ trật tự trong nhà hát. Khán phòng của nhà hát cực kỳ náo động khi các khán giả nhí được thấy thần tượng của mình trong vai trò không ai ngờ được và gần gũi bên mình đến thế. Thế là màn ngẫu hứng làm trật tự viên và người phát quà cho các em của NSND Xuân Bắc phải có mặt ở đủ tất cả các buổi diễn của liên hoan, trở thành tiết muc được yêu thích nhất của tát cả các em trong liên hoan.

Nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi Trẻ

Nhạc kịch dân ca Nam Bộ “Lá cờ thêu sáu chữ vằng”của Sân khấu Sen Việt.

4. Phát biểu tổng kết nghệ thuật của liên hoan, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan cho biết, các tác phẩm tham dự liên hoan đa dạng về thể loại như: kịch nói, nhạc kịch, xiếc, chèo, dân ca Nam bộ, múa rối và ảo thuật. Các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, những người hoạt động nghệ thuật cùng với người dân Hải Phòng và đặc biệt là các bạn nhỏ của thành phố đã được sống trong không khí tuyệt vời, một bữa tiệc văn hóa với đa dạng mầu sắc và cảm xúc thăng hoa. Đến với Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên và nhi đồng lần đầu tiên này, các vở diễn tham gia đều hướng tới nét đẹp chân, thiện, mỹ để phù hợp với lứa tuổi và thị hiếu của các bạn nhỏ. Những tác phẩm sân khấu dự Liên hoan là những câu chuyện được kể bằng đặc trưng ngôn ngữ khác nhau của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu phong phú, hấp dẫn dành cho các khán giả nhỏ tuổi.

Đồng nghiệp và khán giả chúc mưng thành công của Sân khấu Sen Việt.

Ông nhấn mạnh: ʺNhững câu chuyện tưởng như đã cũ giờ không còn cũ nữa. Những nhân vật chỉ có trong sách hay qua lời kể giờ đã được xuất hiện trên sân khấu dành cho thiếu nhi và chứng minh sức hút mãnh liệt của nghệ thuật biểu diễn với các khán giải nhỏ tuổi. Các tác phẩm tham gia liên hoan đều có điểm chung là thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, chắt lọc của mỗi đơn vị, mỗi nghệ sĩ trong từng vai diễn , trò diễn ­ kết hợp cùng các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn âm nhạc , mỹ thuật, phục trang, âm thanh và ánh sángʺ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã chỉ ra những bất cập từ liên hoan lần này như số lượng tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn quá ít. Một số thành phần sáng tạo, diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi, cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm dự thi không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu thu hút trẻ nhỏ. Nhiều đơn vị chưa thực sự phân biệt rõ giữa tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi, dẫn đến vở diễn không thực sự thu hút khán giả nhỏ tuổi. Một số tác phẩm còn có kết cấu lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, câu chuyện thiếu mạch lạc, tình huống không phù hợp, nhạy cảm, rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong nhận thức của khán giả nhỏ về ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc bày tỏ mong muốn Liên hoan như một cú hích, để những người làm nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật, các tỉnh thành phố, các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm xứng đáng cho nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu nhi đồng. Để các em từ biết đến hiểu, từ hiểu đến yêu thích, từ yêu thích đến say mê và bằng cảm quan trong tâm hồn có thể thẩm định một tác phẩm sân khấu theo cách riêng của mình.

Trong buổi liên hoan tiễn biệt các đơn vị và nghệ sĩ tham gia Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng lần thứ nhất do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng phối hợp tổ chức, TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc sở đã hẹn với các đơn vị và nghệ sĩ sẽ tái ngộ trong Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng lần thứ II trong hai năm nữa cũng tại Hải Phòng. Như vậy, vị lãnh đạo văn hóa tài năng, xinh đẹp của thành phố Cảng đã chính thức xác nhận Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng không chỉ là thương hiệu mới của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN mà còn là thương hiệu mới của văn hóa thành phố “Hoa phượng đỏ.”

PHƯƠNG ANH

Cùng chuyên mục

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định