Trước năm 1975, ngay phía trước nhà thờ Tân Định (Sài Gòn), có một con hẻm nhỏ mang tên Calmette, nối liền hai con đường Hai Bà Trưng và Lý Trần Quán. Hai Bà Trưng thì ai cũng biết, song Lý Trần Quán là một cái tên còn khá nhiều xa lạ, kể cả với nhiều người yêu sử.
Thời Lê mạt là một trong những thời kỳ suy vi nhất của nhà Lê, cũng đồng nghĩa với thời suy tàn của dòng họ Trịnh, những người nắm thực quyền trên vùng đất Đàng Ngoài. Năm 1786, chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh” của nhà Tây Sơn, dù nhắm vào mục tiêu thực sự nào, cũng có đủ sức mạnh để làm chao nghiêng hay hất đổ chiếc ghế quyền lực mà Bình An vương Trịnh Tùng và con cháu đã xây dựng từ hơn 200 năm trước. Như đã đề cập ở bài vừa qua, khi chiếm được kinh đô Phú Xuân của nhà Nguyễn, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ coi như sứ mạng do ông vua anh là Nguyễn Nhạc giao phó đã hoàn thành. Ông củng cố việc cai trị ở đây và không nghĩ đến việc tiến xa hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi Hữu quân Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh đề nghị tiến quân ra Bắc với những lời biện giải đầy sức thuyết phục, Nguyễn Huệ bỏ qua cả thủ tục xin ý kiến người anh, tự mình mang quân ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Và mọi việc đã diễn ra dễ dàng, suôn sẻ đúng như dự kiến của Nguyễn Hữu Chỉnh, đến nỗi tước vị Quốc công ngang với hoàng thân quốc thích nhà Lê được vua Lê Hiển Tông ban cho mà Nguyễn Huệ vẫn chưa hài lòng.
Tháng 6 âm lịch năm 1786, quân Tây Sơn vào đến Thăng Long, thế mạnh như chẻ tre; quân Trịnh vừa trải qua những rối loạn nội bộ, vỡ trận nhiều nơi. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải liệu không cầm cự nổi, đã phải rời bỏ kinh thành, đi theo chỉ còn vài cận thần cùng hơn ngàn quân dắt díu nhau đến địa phận huyện Yên Lãng. Đến nơi, chúa hỏi cận thần rằng ở địa phương này có ai giỏi, vào hàng tiến sĩ không? Có người biết chuyện chỉ chỗ ở của tiến sĩ Lý Trần Quán tại làng Hạ Lôi, giữ chức Tri Lại phiên tại phủ chúa và đang đi chiêu phủ tại địa phương. Quán sinh năm 1734, đỗ tiến sĩ năm 1766, nguyên quán huyện Từ Liêm, người thật thà, chất phác, rất có hiếu, khi chịu tang mẹ đã làm nhà mồ ở suốt ba năm, không ăn thịt cá, cơ thể gầy rộc. Có lần ông tâm sự với người thân: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
Khi Quán đến yết kiến, chúa Trịnh Khải nhờ tìm người bảo vệ và đưa đến địa giới huyện Yên Lãng. Quán tiến cử người học trò cũ tên Nguyễn Trang, sinh quán làng Hạ Lôi, rành đường đi nước bước. Sợ để lộ tung tích chúa Trịnh, Quán nói nhờ Trang đưa đường dùm cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích. Song Trang là người giảo hoạt, từng là dân đầu trộm đuôi cướp, chỉ nhìn qua cách nói chuyện giữa Lý Trần Quán và Trịnh Khải là biết ngay mối quan hệ giữa hai bên. Y đem 50 thuộc hạ hộ vệ chúa Trịnh đi về phía Bắc. Nửa đường đi, Trang tìm một chỗ vắng, tra hỏi Trịnh Khải có phải là Đoan Nam vương không. Lúc đầu Khải một mực chối từ, chỉ nhận mình là Bùi Huy Bích, sau bị truy quá, biết không giấu diếm nổi, nói thật mình chính là Đoan Nam vương. Thế là một mặt Trang đưa Trịnh Khải trở về nhà y, một mặt cử người phi báo cho Tiết chế Nguyễn Huệ biết. Bao nhiêu quân lính đi theo Trịnh Khải đều bị bắt giữ cả.
Lý Trần Quán được tin về chuyện phản thầy của người học trò cũ, vội vàng chạy đến nhà Trang, gặp chúa Trịnh Khải, dập đầu xuống đất khóc mà rằng: “Làm lỡ chúa đến thế này chính là tội thần!”. Trịnh Khải vẫn bình thản, vỗ về Quán: “Người ta mỗi người một ý, khanh có can dự gì đến đâu”. Quán trở ra bảo Trang: “Chúa là chúa chung cả một nước, mà tôi thì là thầy của anh. Đối với chúa và thầy, là chỗ nghĩa cả, sao anh lại nhẫn tâm đến thế ư?”. Trang nói: “Quan lớn không bảo tôi sớm, để tôi trót lỡ với chúa Tông. Bây giờ nếu để Tông sổng khỏi tay tôi, rồi quan Tây Sơn hỏi tội tôi thì liệu quan lớn còn có thể gỡ tội cho tôi được không? Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình, tôi không để quan lớn làm lỡ việc đâu!” (Ngô Cao Lãng – Lịch Triều Tạp Kỷ – NXB Khoa học Xã hội – 1995, trang 566).
Biết không xoay chuyển được tình thế, trước khi Trịnh Khải bị Trang giải về kinh đô, Lý Trần Quán đến lạy chúa và khóc lóc thảm thiết. Trịnh Khải vẫn bình tĩnh, an ủi Quán: “Lòng trung thành của khanh, ta đã tin lắm rồi, đừng có tự oán trách mình nữa”. Trên đường bị giải đi, khi ghé lại một quán hàng tạm nghỉ, Trịnh Khải vớ được con dao của người chủ quán, tự đâm vào cổ mình, Trang giật lại, dao chưa ngập sâu vào cổ, Trịnh Khải lấy ngón tay móc vào vết thương cho rộng ra, không lâu sau thì qua đời. Trang đưa thi thể chúa Trịnh về đến kinh đô, Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh cho bêu thây ngoài cửa để dân chúng hay biết rồi sai khâm liệm theo nghi lễ dành cho bậc vương giả, cho mang đi an táng ở lăng Cung Quốc công Trịnh Cán (con vương phi Đặng Thị Huệ, em một mẹ khác cha với Trịnh Khải).
Được tin chúa đã mất mà một phần trách nhiệm thuộc về mình, Lý Trần Quán trở về quán trọ ở làng Hạ Lôi, nói với người chủ quán rằng tội của ông là tội đáng chết, nhờ mua giúp ông một cỗ quan tài và một tấm vải trắng. Chủ quán khuyên giải mãi không được, đành làm theo ý Quán. Quán nhờ người đào một cái huyệt trong ngôi vườn sau quán trọ, đặt quan tài xuống huyệt, xé một vuông vải trắng đội đầu, một đoạn làm đai lưng, rồi hướng về phía nam lạy hai lạy, sau đó vào nằm trong quan tài, nhờ người chủ quán đậy nắp lại. Chủ quán và tôi tớ, thân thuộc trong nhà quỳ xuống bái biệt, rồi lấy đất lấp lại, đắp thành phần mộ. Một con người có tiết tháo, biết liêm sỉ, đã chết kỳ lạ như thế.
Chuyện được ghi lại trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Lịch Triều Tạp Kỷ… chỉ xin kể những nét chính, bỏ qua các chi tiết phụ để không làm người đọc rối trí thêm.
Tại kinh thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống mới lên ngôi, nghe tâu về cái chết của Lý Trần Quán, đã truy tặng ông tước Đại vương, phong làm phúc thần và ban cho câu đối “Khảng khái cần vương dị; Thung dung tựu nghĩa nan” (Khảng khái làm việc cần vương thì dễ; Ung dung làm tròn đại nghĩa mới khó).
***
Truyện về Lý Trần Quán, người đời nay đọc lại vẫn thấy cảm khái xen lẫn bùi ngùi. Chúa Trịnh Khải trên bước đường cùng, chỉ vì sự sơ xuất của Lý Trần Quán mà bị bắt giữ, vẫn ung dung chờ đợi cái chết đến với mình, không một lời trách móc người thuộc hạ, đó là lòng bao dung của bậc trượng phu. Tiết chế Nguyễn Huệ mang quân ra Thăng Long phù Lê diệt Trịnh, chúa Trịnh chết rồi, đã lấy lễ mà an táng theo đúng nghi thức dành cho bậc vương giả, đó là sự cao thượng của người thắng thế. Lý Trần Quán vô tình để chúa rơi vào tay địch, dù không bị trách móc, vẫn tự thấy trách nhiệm to lớn của mình, tự xử bằng cái chết, đó là tiết tháo, là liêm sỉ của kẻ sĩ. Những tấm gương đó luôn sáng ngời ngời, để hậu thế soi chung.
Ngẫm nghĩ: các quan chức thời nay chỉ cần sở hữu một góc liêm sỉ của Lý Trần Quán, biết tự xử mỗi khi làm những chuyện tệ hại cho dân, cho nước, thì có lẽ xã hội Việt Nam đã tiến bộ khá nhiều rồi!
Đăng lại từ Facebook nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn