-
11h40
Gần 12h, trong Nhà tang lễ và ngoài sân, các đoàn đại biểu xếp hàng dài vào viếng cố Chủ tịch nước.
Lễ viếng tiếp tục diễn ra trong chiều nay.
Ngày mai, thứ năm 27/9 sẽ diễn ra lễ truy điệu và di quan. Thi hài Chủ tịch nước được đưa về an táng tại quê hương ông: xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Từ trái qua: Con trai trưởng và phu nhân cố Chủ tịch nước tại lễ viếng sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
-
11h39Tại Ninh Bình
Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Bình vào viếng cố Chủ tịch nước tại quê nhà ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTX.
Người dân Ninh Bình xúc động tại lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTX
-
11h00Tại TP HCM
Trời nắng nóng, dòng người vẫn nối dài trước Hội trường Thống Nhất, chờ đến lượt vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, gồm các đoàn: học sinh, cán bộ, văn nghệ sĩ; đại diện các lãnh sự tại TP HCM…
Ông Đặng Việt Bích ghi sổ tang.
Dù tuổi cao, sức yếu, ông Đặng Việt Bích (con trai cố Tổng bí thư Trường Chinh) cũng có mặt từ sớm nhưng đến gần trưa mới vào trong ghi sổ tang. “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Trần Đại Quang. Đại tướng là người có công lớn trong việc phát triển và củng cố lực lượng Công an Nhân dân để bảo vệ hữu hiệu Đảng, Nhà nước và Cách mạng. Xin gửi tới gia đình Đại tướng lời chia buồn sâu sắc”, ông bày tỏ.
Bên ngoài khu vực hội trường, lực lượng chức trách thay ca nhau để đảm bảo an ninh tại khu vực.
Theo kế hoạch của Ban lễ tang thành phố, từ 11h đến 13h các đoàn ngoại giao sẽ đến viếng, kéo dài đến 7h ngày 27/9.
Tổng Lãnh sự quán Đức thắp hương viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Đoàn ngoại giao Lào.
Đoàn ngoại giao Singapore.
Đại diện Lãnh sự quán Mỹ ghi sổ tang.
-
10h32
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hôm 21/9, ông Hun Sen đã gửi thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Quốc vương Campuchia hôm 24/9 cũng gửi thư chia buồn tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ca ngợi “những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển đất nước” của Chủ tịch nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen viếng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
Quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin đến viếng Chủ tịch Trần Đại Quang tại đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Campuchia lần đầu tiên vào tháng 6/2016. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh năm 2017, Việt Nam và Campuchia kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (24/6/1967-24/6/2017).
-
10h19
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon dẫn đầu đoàn vào viếng cố Chủ tịch nước.
Ghi sổ tang, ông bày tỏ rất buồn về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. “Người dân Hàn Quốc sẽ nhớ sự quan tâm đặc biệt và tình hữu nghị cố Chủ tịch nước dành cho Hàn Quốc và sẽ nỗ lực tiếp tục phát triển quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang không những là nhà lãnh đạo cả thế giới tôn trọng mà còn là bạn thân quý của dân Hàn Quốc”, ông viết.
Thủ tướng Hàn Quốc dẫn đầu đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
10h07
Phu nhân cố Chủ tịch nước tại lễ viếng sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
Gia quyến cố Chủ tịch nước tại lễ viếng sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
Các đoàn lãnh đạo trong nước và quốc tế lần lượt vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đến viếng cố Chủ tịch nước. Ảnh: Giang Huy
-
10h00
Phó Chủ tịch nước Lào Phankham Viphavanh dẫn đầu đoàn khoảng 20 quan chức cấp cao vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phó chủ tịch nước Lào dẫn đầu đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
9h21
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang. Ảnh: VGP
Ghi vào sổ tang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết:
“Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là với lực lượng Công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí!
Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trước khi vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: VGP
-
9h10
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang. Ảnh: Giang Huy
-
9h00
Tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM
Ghi sổ tang, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân viết: “Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Nhân dân TP Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí đã có nhiều quan tâm, ủng hộ việc xây dựng các chủ trương, chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững vì cả nước. Trong thời gian là đại biểu Quốc hội Khóa XIV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đồng chí đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân thành phố để có hướng giải quyết kịp thời…”
Cuối cùng, ông Nguyễn Thiện Nhân viết: “Xin vĩnh biệt đồng chí Trần Đại Quang. Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Giám đốc Công an TP HCM Trung tướng Lê Đông Phong viết: “Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí là người lãnh đạo bản lĩnh, đầy trách nhiệm, có cuộc sống bình dị, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, gần dân, yêu thương nhân dân.
Là chủ tịch nước, người đứng đầu một quốc gia, đồng chí là người lãnh đạo tận tâm, tận tình, trách nhiệm, cống hiến đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng.
Đảng ủy, Ban giám đốc và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an TP HCM nguyện noi theo tấm gương sáng, hết lòng vì Đảng, vì nước vì dân của đồng chí…
Xin kính cẩn, nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Trần Đại Quang kính mến”.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức Lễ tang, Nhân dân và các đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang không mang theo vòng hoa, chỉ mang theo băng viếng tang (màu đen, chữ trắng) ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do Ban Tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu chuẩn bị.
-
9h00
Thương tiếc người anh trong công việc, chia sẻ của quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có đoạn: “Mấy ngày qua, cơ quan luôn trong không khí buồn rười rượi vì sẽ vĩnh viễn thiếu vắng anh và không thể tin anh ra đi mãi mãi và ra đi thực sự rồi.
Phòng ăn trưa hàng ngày Anh vẫn ngồi ăn, anh chị em vẫn chuẩn bị tươm tất bữa ăn nhưng vẫn còn nguyên vẹn, cùng với những nén nhang thơm nhưng thấy xé lòng Anh ạ!”.
-
8h55
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận: “Sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nhân dân của đồng chí sẽ mãi mãi được đồng chí, đồng bào ghi nhớ”.
-
8h47
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh chụp màn hình.
Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết, “trong cuộc đời công tác hơn 40 năm của mình, đồng chí Trần Đại Quang luôn tận tụy, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó… Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn, không gì bù đắp được đối với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và người thân”.
-
8h00
Đoàn chủ tịch nước vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh không giấu được xúc động nghẹn ngào khi dẫn đầu đoàn viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tham gia đoàn có các nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trương Mỹ Hoa; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung…
Đi vòng qua linh cữu, bà Thịnh cúi đầu rồi dừng lại khá lâu. Khi xuống phía gia đình, bà ôm lấy phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang rồi cầm tay từng người bày tỏ thương tiếc.
Trước đó, ngày 24/9, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh có bài viết chia sẻ sự thương nhớ và nhấn mạnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã “để lại những dấu ấn rất đặc biệt với bạn bè quốc tế và các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước”.
Bài viết có đoạn: “Đối với cơ quan, bất cứ công việc nào, nơi nào cũng đều lưu lại hình ảnh của Anh… Mấy ngày qua cơ quan luôn trong không khí buồn rười rượi, vì sẽ vĩnh viễn thiếu vắng Anh”…
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
7h55
Tại TP HCM
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM… do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, vào viếng đầu tiên.
Tiếp đó, thiếu tướng Nguyễn Đắc Thế (Phó chánh văn phòng Bộ Công an) dẫn đoàn Bộ Công an phía Nam vào viếng. Phía sau là đoàn Văn phòng Trung ương Đảng do Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên dẫn đầu.
Bên ngoài Hội trường Thống Nhất, an ninh thắt chặt hơn do khá đông đoàn xếp hàng chờ vào viếng Chủ tịch nước. Nhiều CSGT được huy động bởi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ùn tắc cục bộ.
Giao thông ùn tắc trước Hội trường Thống Nhất.
-
7h38
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt đoàn Quốc hội thắp hương viếng cố Chủ tịch nước. Bà ôm lấy phu nhân Chủ tịch nước khá lâu để thăm hỏi, chia sẻ đau buồn cùng gia đình.
Quá trình vào viếng, nhiều thành viên trong đoàn Quốc hội tay chắp trước ngực hoặc đặt tay lên linh cữu cố Chủ tịch nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
7h32
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng Chủ tịch nước.
Sau khi thắp hương viếng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước chậm qua linh cữu. Sau ông là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình…
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã cầm tay từng người trong gia quyến cố Chủ tịch nước để chia sẻ nỗi đau thương mất mát.
Đoàn Chính phủ vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
-
7h23
Tiếp sau gia quyến, đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn vào viếng.
Trong đoàn có các nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang”.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
Sau khi thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước chậm rãi vòng qua linh cữu. Tiếp sau là nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh…
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tay chắp trước ngực, còn ông Trương Tấn Sang lặng nhìn không rời mắt về phía linh cữu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chắp tay và hướng mắt ngước nhìn lên di ảnh Chủ tịch nước. Bà đi vòng qua linh cữu vẫn với tay chắp trước ngực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dừng lại thăm hỏi, chia sẻ với phu nhân và gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ôm lấy những người trong gia quyến chia sẻ đau thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dừng lại chia sẻ với phu nhân Chủ tịch nước hồi lâu.
-
7h10
Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, đoàn gia đình họ tộc Chủ tịch nước do phu nhân, bà Nguyễn Thị Hiền, dẫn đầu đã thành kính dâng hương, dâng hoa lên linh cữu.
Đoàn gia đình họ tộc vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
Lần lượt đi vòng qua linh cữu Chủ tịch nước, dòng người mang băng tang trắng quanh đầu không cầm được nước mắt và những tiếng nghẹn ngào.
Người thân của Chủ tịch nước tại lễ tang, sáng 26/9. Ảnh: Giang Huy
-
7h03
Lễ viếng bắt đầu
Đúng 7h, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình có bài phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh đến những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua nhiều trọng trách khác nhau
“Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời, có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý của nhà nước và quốc tế… Đồng chí mất đi là tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nghi thức quốc tang.
Phó thủ tướng giới thiệu Ban lễ tang với 37 thành viên, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Di ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
7h01
Hai ngày quốc tang
Sau hơn một năm điều trị bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần hồi 10h05 ngày 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Việt Nam dành hai ngày quốc tang để tưởng nhớ ông (26 và 27/9). Trong những ngày này, các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Sau lễ viếng kéo dài hết hôm nay, lễ truy điệu và di quan sẽ diễn ra vào ngày mai. Thi hài Chủ tịch nước sẽ được đưa về an táng tại quê hương ông: xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ban lễ tang Chủ tịch nước gồm 37 người, Trưởng ban là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN
-
7h00Tại TP HCM
Cùng giờ với Hà Nội, ở đầu phía Nam đất nước Lễ viếng Chủ tịch Trần Đại Quang bắt đầu tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) dưới sự điều hành của Văn phòng Chính phủ.Theo kế hoạch, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu tại thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố là đoàn vào viếng đầu tiên. Sau đó là các đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Công an phía Nam, Văn phòng Trung ương Đảng…
Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Hữu Khoa.
Phía ngoài, từng đoàn cán bộ, thanh niên và học sinh xếp hàng chờ đến lượt. Kim Bảo (phụ trách đoàn trường THCS Nguyễn Du, quận 1) cho biết: “Có mặt tại đây hôm nay, bản thân tôi và các thành viên trong đoàn rất xúc động. Chúng tôi chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này của đất nước”.
Từ hơn 5h an ninh khu vực quanh Hội trường Thống nhất được siết chặt. Dọc các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai có rất nhiều CSGT, cảnh sát cơ động tuần tra. Tuy nhiên, TP HCM không cấm hay hạn chế xe lưu thông.
-
6h59
Hai tiếng trước khi lễ viếng bắt đầu, những con đường quanh Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông được rào chắn, cấm hoàn toàn xe để dành đường cho các đoàn đi bộ. Nhiều vòng an ninh cũng được thiết lập.
Ngoài sân nhà tang lễ, gia đình họ tộc của Chủ tịch nước đội khăn tang ngồi lặng lẽ, kín hai dãy ghế đá. Nhiều đoàn cán bộ cấp cao xếp hàng dài chờ đến giờ bắt đầu buổi lễ.
Linh cữu của Chủ tịch nước phủ Quốc kỳ đỏ, đặt ở trung tâm đại sảnh Nhà tang lễ. Trước linh cữu là bàn thờ, Quốc kỳ viền dải băng đen bên trên dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”, tiếp đó là di ảnh của Chủ tịch nước.
Theo truyền thống của người Việt, đoàn gia đình họ tộc của Chủ tịch nước vào viếng đầu tiên.
Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy
-
6h00
Thượng cờ rủ trên quảng trường Ba Đình
Hai ngày quốc tang được bắt đầu bằng lễ thượng cờ rủ tại quảng trường Ba Đình và tòa nhà Quốc hội (Hà Nội). Quốc kỳ được buộc lại bằng băng vải đen để cờ không bay và treo ở độ cao 2/3 chiều cao của cột cờ.
Cờ rủ trên quảng trường Ba Đình và tòa nhà Quốc hội sáng 26/9. Ảnh: Ngọc Thành
Nghi lễ treo cờ rủ cũng được tiến hành ở các cơ quan, công sở cả nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong hai ngày 26 và 27/9.
Nghi thức treo cờ rủ trên quảng trường Ba Đình, sáng 26/9. Ảnh: Ngọc Thành
Theo VnExpress