LÊ DUY HẠNH -THƯ KÝ THỜI ĐẠI CỦA SÂN KHẤU VN

8:56 | 07/09/2023

Không phải đợi đến hôm nay, ngay lúc này, khi giờ phút Hạnh đã rời khỏi trần gian hữu hạn này để đi vào cõi tận cùng thì Bạch Tuyết mới gọi bạn là “thư ký thời đại” của sân khấu Việt Nam. Mà từ những ngày rất lâu, từ rất sớm, khi cầm trên tay cuốn kịch bản Diễn kịch một mình, năm 1992, hơn 30 năm trước, đọc một mạch, xong mới nhìn thấy tên tác giả, Bạch Tuyết đã thầm nhủ, Shakespeare của Việt Nam là đây chứ ai.


Rồi tiếp đến Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông, Nỗi đau nhân loại, Hồn thơ ngọc, Chiếc áo thiên nga, Vua thánh triều Lê… thì trong Bạch Tuyết, cái tên Lê Duy Hạnh như một cỗ xe phi thời gian, phi không gian, nó xuôi ngược vạn lý cùng hành trình Đất và Nước, nó trăn trở “đòi phen” với Con Người, vì Con Người.
Mình hình dung về Bạn – như một người thư ký thời đại mẫn tiệp và minh triết – bạn “một mình”, “độc thoại” dưới ánh đèn khuya, giữa những dòng ký ức của dân tộc, giữa những số phận mà lịch sử còn cân phân, hoặc có khi chỉ mấy dòng lưu cữu nhạt nhòa. Bạn đã đi tìm, đã ngồi xuống để “đọc giữa hai dòng chữ”, đọc ngược từ trang cuối để rồi soi mình dưới cái bóng đồng vọng ấy, đánh thức những câu hỏi đầy lương tri của kẻ hậu sinh.
Và đây là những câu hỏi, những mệnh đề bạn đã ghi chép cẩn trọng nhất, trung thực nhất về thời cuộc, về phẩm giá làm người:

Nếu Diễn kịch một mình là vở kịch nói độc diễn đầu tiên – với tính chỉnh thể cao, hiện đại của sân khấu Việt Nam đương đại thì Hoàng hậu của hai vua là vở cải lương độc diễn đầu tiên của sân khấu kịch hát dân tộc. Tính thể nghiệm là bản sắc của Lê Duy Hạnh. Bởi dung lượng sáng tạo của một người nghệ sĩ đích thực đi cùng tư duy logic, duy lý sắc bén của một sinh viên khoa Toán – Đại học Sài Gòn đã được hợp nhất, nhuần nhuyễn, thăng hoa trong một con người có tư tưởng, có lý tưởng và tài năng, sự tận hiến.
Ở những vở Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông, Chiếc áo thiên nga, Hồn thơ ngọc… Lê Duy Hạnh đã làm nên những cuộc lưỡng phân cho nhân vật. Từ lịch sử đến nghệ thuật, những nhân vật như Lý Chiêu Hoàng, công chúa An Tư, công chúa Ngọc Hân… đều chuyên chở những câu hỏi tự vấn, những lời tự giải mật cho số phận đầy bi tráng của họ.

Với Lê Duy Hạnh, sức quyến dụ lại là ở chỗ, ông để cho nhân vật Độc thoại nhưng kỳ thực là Đối thoại, cái tưởng là Bản ngã – Một mình nhưng lại bao trùm cái Vô ngã – Muôn người. Để sau cùng, trên hết, cái Tôi ấy sẽ lựa chọn, đi tới quyết định vì cái Ta; quyền lợi của một Gia tộc sẽ nhường chỗ cho ích lợi lâu dài của một Dân tộc.

Tôi đã tìm thấy tiếng nói thực thụ, vị thế xứng đáng của một người nghệ sĩ dân tộc trong những vai diễn mà Lê Duy Hạnh đã viết, đã dựng cho tôi. Hạnh từng nói với tôi: một người nghệ sĩ nên có ba chữ “Tổ”. Đó là Tổ Quốc, Tổ Nghề và Tổ chức – trong khuôn khổ của một đơn vị, đoàn hát, tập thể để cùng sáng tạo, tận hiến.

Thầy tôi, má Bảy Phùng Há tâm đắc với lời đúc kết ấy. Là đứa học trò, tôi đã xác tín trong mình chỉ một Tổ Quốc, Tổ Nghề chính là ba Năm, má Bảy và bao người thầy, người đồng nghiệp lớn đã dạy dỗ, dìu dắt mình và Tổ chức – với tôi, hiện diện qua Lê Duy Hạnh.


Năm 1979, sau sự ra đi lẫm liệt của nghệ sĩ Thanh Nga, cùng với chú Sáu Thảo, tức ông Dương Đình Thảo – giám đốc sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM hồi đó, tác giả Lê Duy Hạnh đã đến nhà tôi, mời tôi trở lại sân khấu. Vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga là màn tái diễn đầu tiên của tôi với công chúng sau năm 1975.
Vài năm sau đó, tôi biết đến Hạnh nhiều hơn qua các vở Dốc sương mù, Tâm sự Ngọc Hân, Ai giết nàng Kiều…; những lần gặp nhau ở Hội Sân khấu, bạn luôn tạo cho tôi sự tin cậy về tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ; và nhất là bản lĩnh kiên định, thông minh trong mọi tình huống thử thách.

Mãi đến một ngày, sau một suất hát của Hoàng hậu của hai vua, Hạnh nói với tôi, ngày trước, khi đang hoạt động phong trào sinh viên – học sinh ở Sài Gòn, đôi lần đi coi bạn hát, tui định bụng, khi nào đất nước hòa bình, tui sẽ viết tuồng cho bạn diễn.

Tôi – trong phục trang bà Thái hậu còn chưa kịp thay đã hạnh phúc tột cùng khi đón nhận lời ban tặng ấy từ vị tác giả khả kính. Hạnh nói tiếp, anh Hoa Phượng có nói với tui, cậu phải thay tôi viết tiếp tuồng tích cho Bạch Tuyết hát, cho thỏa cái sức sáng tạo của cổ.

Tận sâu thẳm lòng mình, tôi mang ơn hai người thầy, hai vị tác giả lớn trong đời ca kỷ của tôi. Nếu không có Hoa Phượng – Lê Duy Hạnh thì chắc chắn sẽ không thể có một Bạch Tuyết của ngày hôm nay. Cho nên, hôm nay là một ngày rất buồn, tôi thêm một lần tiễn người tri âm nghệ thuật, bạn đã cùng với anh Hoa Phượng, anh Hùng Cường rời sân khấu cuộc đời, tôi lại một lần “Diễn kịch một mình” trong cõi nhân sinh.

Trưa nay, hay tin bạn rời đi, tôi một mình lật lại từng trang viết cũ, từng trích đoạn, từng vở tuồng xưa. Tôi độc ca, độc diễn, thay cho nén tâm nhang tôi hát tặng Hạnh, tôi gửi theo bạn là tim óc, là tâm huyết, là giấc mơ của đời bạn. Như thể, là suất hát cuối cùng trong đời mình, về những vai diễn không người đối diện.

Và đây, lời giã từ Hạnh – bạn Lê Thành Yến, đứa con của đất Bình Định, tôi tiễn bạn đi cho hết đoạn đường này:

“Nhắm mắt nhìn thấu cõi tận cùng
Mở mắt nhận ra đời hữu hạn
Hạt bụi vô hình tạo sinh kiếp nạn
Hết một đời người về lại hư không
Muốn đến cõi tận cùng
Phải đi từ hữu hạn
Trên cỗ xe tìm nguồn sáng
Hồn nước non chở hồn người”
Cúi đầu tiễn biệt Hạnh

Bài viết kính tiễn nhà viết kịch Lê Duy Hạnh của NSND.TS Bạch Tuyết

Nguyên Thế Khoa

Nguồn: TCVHVN


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả