Lao động thời vụ, làm lâu năm cũng ‘tay trắng’ về nhà

12:20 | 30/03/2020

Lao động có hợp đồng được hưởng một số chế độ khi nghỉ làm vì dịch Covid-19. Với những người làm thời vụ, không ký hợp đồng, nghỉ việc là nghỉ luôn mà không thể đòi hỏi quyền lợi gì.


 

Những lao động thời vụ, không hợp đồng lao động chịu nhiều thiệt thòi khi nghỉ việc mùa dịch này. Ảnh: Lam Nghi

T.T.H.Sa – nhân viên thời vụ tại cơ cở chuyên thu mua nông sản T.H trên đường La Sơn Phu Tử (Đà Lạt) cho biết, cô là 1 trong 4 nhân viên thời vụ tại cơ sở này, đã làm việc 4 năm nay, không có hợp đồng gì cả. Công việc của cô hằng ngày tùy loại cây trồng, ra vườn thu hoạch ớt chuông, cà rốt, khoai tây, bắp cải cùng 2 thợ làm vườn. Sau đó về nhà làm sạch rau củ, đóng gói bỏ thùng để chiều tối xe tải chở về TP.HCM bán.

“Công việc làm suốt ngày đêm, không kể giờ giấc, tụi em làm với cô H. đã 4 năm nay rồi, lương chủ bao ăn trả 5 triệu đồng/tháng. Tháng nào ít việc cô trả 4 triệu đồng. Tháng Tết thưởng thêm 1 triệu đồng và cho tiền xe về quê. Sau Tết em đang ở quê Quảng Trị, chủ vẫn gọi vào làm từ ngày mồng 6 Tết, nhưng đến giữa tháng 2 ít việc hẳn rồi cuối tháng chủ cho nghỉ, chỉ đưa 2 triệu đồng tiền lương tháng 2 rồi thôi”, H.Sa cho biết. Cầm 2 triệu đồng tiền lương trên tay, H.Sa đến nhà người quen cùng quê xin ở lại được 4 ngày, rồi được giới thiệu về phụ cho một ngôi chùa ở Bảo Lộc cho đến nay.

Lương còn nợ, nói gì hỗ trợ

Qua điện thoại, H.Sa cho biết cô còn may mắn, chứ 3 nhân viên thời vụ làm cùng cơ sở T.H của cô đã bắt xe ra quê ngay hôm sau và tiền chủ đưa chỉ đủ trả tiền xe, về đến nhà “ăn bám” ba mẹ.

Cùng hoàn cảnh, cô Sông Hương – nhân viên lễ tân tại homestay K. trên đường Chu Văn An (TP.Huế) cũng là nhân viên không hợp đồng 5 tháng (từ tháng 10.2019). Cuối tháng 2, khách giảm, chủ cho nghỉ ngang bảo về nhà chờ có khách gọi lại. Hỏi chủ có trả lương, hỗ trợ gì không? Hương đáp: “Em mới làm 5 tháng, không có cho gì đâu, lương tháng 2 đến nay chủ còn chưa trả. Có chị kia vừa làm lễ tân, vừa phụ bên nhà hàng, học tiếng Hàn ra làm ở đó đã 1,5 năm rồi cũng không được hỗ trợ, huống gì em”.

Trường hợp của Hoài – nhân viên thời vụ gấp áo quần cho cơ sở may mặc T.N trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM) có vẻ khá hơn. Không có việc, chủ cho nghỉ làm và tặng mỗi người một bịch gạo 10kg và 500.000 đồng. Hoài kể, trong cơ sở có gần 50 thợ, nhưng 16 người không có hợp đồng thì được cho gạo. Những người còn lại có hợp đồng, ngoài 10kg gạo được cho thêm 500.000 đồng về nhà nghỉ, khi nào có việc chủ gọi lại.

Tùy vào hảo tâm người sử dụng lao động

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đối với những người làm thời vụ, hợp đồng ngắn hạn 1 năm, nếu hết hạn rồi thì tùy người sử dụng lao động có tiếp nhận hay không, nếu cho nghỉ thì người lao động cũng phải chấp nhận. Đối với trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thì vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động. Trường hợp làm việc thời vụ không có hợp đồng, người sử dụng lao động có quyền cho nghỉ mà không trợ cấp hay hỗ trợ gì. Người lao động muốn được hỗ trợ thì có thể thỏa thuận, tùy vào lòng hảo tâm của người sử dụng lao động.

Luật sư Hậu đề xuất các quận, huyện nên tổ chức quán cơm từ thiện cho những người lao động không có hợp đồng như người bán vé số, nhặt ve chai, chạy Grab…, hỗ trợ phần nào cho các hoàn cảnh khó khăn mùa dịch bệnh. Còn với những người lao động có hợp đồng 1 năm mà gần hết hoặc vừa hết hợp đồng, doanh nghiệp nên trả lương cho họ, có quyền hạch toán lỗ do thiên tai dịch bệnh. “Doanh nghiệp, thành phố mà không lên kế hoạch làm ngay, không hỗ trợ là rất có lỗi với người dân”, ông Hậu nói.

Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 3, số người bị mất việc sẽ gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kịch bản dễ xảy ra nhất là cả nước có khoảng 440.000 – 880.000 lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc. Trong thời gian tạm nghỉ việc, người lao động sẽ được hưởng một số quyền lợi theo quy định. Nếu phải nghỉ việc, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương. Tuy nhiên, với lao động thời vụ, không có hợp đồng thì việc hỗ trợ cho người lao động… tùy tâm chủ doanh nghiệp. Thực tế, trong mùa dịch Covid-19 này, đã có không ít trường hợp lao động thời vụ đã ra đi “tay trắng”, không được hỗ trợ hay bất kỳ hứa hẹn nào cho công việc trong tương lai.

 

Theo Thanh Niên

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình