Làng Vạc xưa kia nổi tiếng là làng văn vật, không chỉ được biết đến bởi có nhiều người, đặc biệt là người họ Nhữ, đỗ đạt cao, mà còn có nghề làm lược tre nổi tiếng. Làng vốn tên là Hoạch Trạch, chữ Hoạch (鑊) nghĩa là cái vạc, còn chữ Trạch (澤) nghĩa là ân huệ. Dân gian gọi tắt làng Hoạch Trạch thành làng Vạc. Ngày nay làng có hơn 4.000 người nhưng có đến 1.400 người mang họ Nhữ. Làng có đến 7 người đỗ đại khoa, trong đó dòng họ Nhữ chiếm 5 người.
Người đỗ đạt đầu tiên ở làng Vạc là ông Đỗ Tụ, sinh năm 1466, đỗ Hoàng giáp năm 1493 thời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Tả Thị Lang Bộ Hình, nổi tiếng là người liêm khiết, trong sạch và cần kiệm. Vua đặc biệt ban cho ông hai chữ “liêm khiết”, mỗi khi vào chầu thì đeo tấm vải trên cổ có chữ “liêm khiết” để làm gương cho mọi người. Dân chúng tôn kính gọi ông là Trạng Liêm – tức ông Trạng liêm khiết.
Khoa thi năm 1604, làng có ông Trần Vĩ đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Làm quan đến chức Tả Thị Lang Bộ Lại kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước Hương Quận Công; khi mất được phong Thượng Thư, hàm Thiếu Bảo.
Năm người đỗ đạt còn lại của làng đều là họ Nhữ. Theo gia phả của dòng tộc họ Nhữ thì ban đầu họ Nhữ ở làng An Tử Hạ huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc TP Hải Phòng). Thủy tổ của dòng họ là cụ Nhữ Văn Lan, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1463, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, gia phong Cương chính bác đạt Đại Vương. Con trai thứ hai của ông là Nhữ Huyền Minh sau làm Tri huyện Lục Ngạn, rồi dời đến thôn Đông, xã Lỗi Dương huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Thái Học).
5 người họ Nhữ đỗ đại khoa
Họ Nhữ đến đời thứ 7 có ông Nhữ Tiến Dụng mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, được ông bà ngoại đưa về làng Vạc. Lên 6 thì ông được cho học với thầy đồ trong làng. Tiến Dụng học rất sáng dạ, lớn lên một chút thì theo học với Thái sư Công người Mộ Trạch. Ông thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1664.
Nhữ Tiến Dụng kinh qua các chức vụ khác nhau, sau làm đến Giám sát ngự sử, Lễ khoa Đô cấp sự trung. Ông được Vua tin tưởng cho đi theo hộ giá đánh giặc. Ông làm quan trong sạch nên nhận được sự kính trọng của mọi người.
Con trai ông Dụng là Nhữ Đình Hiền. Cũng giống như cha, thuở nhỏ ông Hiền học rất giỏi, được theo học với quan Thượng thư Hoàng tướng công ở xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi; sau lại theo học với Nguyễn Tướng Công ở xã Nguyệt Ánh, huyện Thanh Trì.
Nhữ Đình Hiền đỗ kỳ thi Hương khi mới 17 tuổi. Đến khoa thi năm 1680, ông đỗ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được phong làm Hàn lâm viện Hiệu Khảo, làm quan qua nhiều chức vụ khác nhau trong Triều đình.
Năm 39 tuổi, Nhữ Đình Hiền lãnh sứ mệnh quan trọng, làm Chánh sứ sang Trung Quốc, không chỉ làm tốt sứ mệnh của mình, trên đường đi ông còn học được nghề làm lược tre rồi truyền lại cho dân làng mình. Từ đó làng Vạc nổi danh với nghề làm lược tre, dân làng coi ông là tổ của nghề này, tôn vinh ông là “Thánh sư nghề lược”.
Nhữ Đình Hiền kinh qua các vị trí khác nhau như Hàn lâm viện hiệu thảo, Binh khoa cấp sự trung, Hình bộ Tả thị lang, Hình bộ Thượng thư, Bồi tụng Ngự sử đài… Khi còn làm Hình bộ Ngự sử đài, ông thông minh lại chính trực, xử nhiều vụ kiện công minh, tìm hiểu rõ ngọn nguồn oan khuất của dân tình, tiếng thơm lưu truyền. Sử sách còn ghi chép lại nhiều vụ kỳ án của ông như vụ án “thóc nảy mầm”, vụ án ở chân tháp Phù Đồ. Người thời bấy giờ lưu truyền câu rằng:
Văn chương Lê Anh Tuấn,
Chính sự Nhữ Đình Hiền.
Nhữ Đình Toản sinh năm 1703 là con trai ông Hiền, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh lại ham học. Khoa thi năm 1736, Nhữ Đình Toản đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Nhữ Đình Toản sống thanh bạch giản dị, làm quan lại thanh liêm thẳng thắn nên được yêu mến. Chúa Trịnh Doanh đổi tên cho ông thành Công Toản, thăng chức lên Tham tụng (tương đương Tể tướng).
Em trai Nhữ Công Toản dựng lập phường Nhiên Lộc để tập hợp những người làm lược tre giúp nhau, tạo thành phường nghề phát triển. Nhữ Công Toản cũng được Vua ban cho 12 mẫu đất, tuy nhiên ông lại để cho phường Nhiên Lộc trồng cấy hoa màu dùng vào việc chung.
Năm 1751, Chúa tin tưởng giao cho Công Toản sắp đặt lại các quan chức, phân phẩm hàm. Ông ban hành 9 điều nêu rõ chức trách các quan từ Kinh thành cho đến các trấn địa phương, việc này được các nhà sử học khen ngợi. Sau khi mất ông được truy tặng hàm Thái bảo.
Nhữ Công Chấn là con trai ông Toản, sinh năm 1751, đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1772. Ông làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, Thị lễ bộ Hữu Thị Lang. Làm quan trong cảnh rối ren, chúa Trịnh lấn át vua Lê, nạn kiêu binh tam phủ nổi lên, Nhữ Công Chấn chán cảnh quan trường nên từ quan về sống tại quê nhà.
Nhữ Trọng Đài là cháu nội của Nhữ Tiến Dụng và là anh họ của Nhữ Đình Toản, thi đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh khoa thi năm 1733, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Hậu duệ nổi tiếng tài đức
Họ Nhữ 4 đời liên tục có 5 người đỗ đại khoa, lập ra một kỷ lục trong lịch sử khoa bảng. Thủy tổ của họ Nhữ là Thượng thư Nhữ Văn Lan có người con gái là Nhữ Thị Thục là mẹ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người nuông nấng dạy dỗ Nguyễn Bỉnh Khiêm thành bậc kỳ tài sau này.
Trong gia phả họ Nguyễn (hậu duệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm) có ghi rằng: “Phu nhân hồi An Tử Hạ, ỷ phụ thân giáo dưỡng Đạt nhi tam tuế” cho thấy bà Thục đã trao cho cha mình là Nhữ Văn Lan nuôi dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm khi về làng An Tử Hạ.
Nhữ Tiến Dụng có người con là Nhữ Tiến Duyệt – một danh y thời đấy. Nhữ Tiến Duyệt có người con gái là Nhữ Thị Nhuận rất giỏi về y thuật. Bia công đức và gia phả họ Nhữ còn ghi lại sự việc bà được vua Lê Hiển Tông đưa vàng bạc để vào trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay) tìm chọn mua quế để chữa bệnh cho Hoàng thái hậu.
Thế nhưng khi tới Thanh Hoa, bà Nhữ Thị Nhuận thấy người dân đói kém, cực khổ thì liền đem bán hết vàng bạc của vua ban để mua thóc phát chẩn cho dân, khiến người dân vô cùng cảm động.
Dùng hết số vàng bạc của vua, bà Nhữ Thị Nhuận phải về nhà bán hết tư trang đồ đạc để lấy tiền đi tìm quế quý. Sau một thời gian vất vả trong rừng sâu, bà đã tìm được quế quý để chế thuốc dâng Hoàng thái hậu. Nhờ vậy mà bệnh đau bụng kinh niên của Hoàng thái hậu được chữa khỏi.
Cuối thế kỷ 18, xứ Thanh Hoa bị hạn hán mất mùa, người dân đói kém và bất bình với triều đình nên nổi loạn. Triều đình cử quan quân hai lần đi dẹp nhưng không lần nào thành công.
Bà Nhữ Thị Nhuận hay tin thì nói với anh họ mình là tiến sĩ Nhữ Đình Toản xin triều đình cho bà đi Thanh Hoa dẹp loạn. Khi bà vào đến Thanh Hoa, người dân nhìn thấy cờ trướng mang tên Nhữ Thị Nhuận thì đều mừng rỡ truyền gọi nhau rằng: “Mẹ đã vào rồi”. Người dân cùng chạy ra vây lấy bà.
Bà đem gạo, vải cùng các nhu yếu phẩm đã chuẩn bị sẵn phát cho người dân. Những kẻ du thử du thực chuyên cướp bóc được bà khuyên nhủ mà trở lại làm người lương thiện. Bà cũng cấp vốn cho người dân để họ có điều kiện canh tác sản xuất. Những ai đã lỡ mang tội được khuyên nhủ rồi tha bổng.
Kết quả sau chuyến đi ấy người dân Thanh Hoa đều chăm chỉ làm ăn, không còn nổi loạn hay cướp bóc nữa.
Truyền thống làng Vạc
Hiện nay 5 vị đỗ đại khoa của họ Nhữ đều có tên trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Dòng họ Nhữ còn giữ được 31 sắc phong của Vua qua các Triều đại.
Ngày nay người dân làng Vạc tự hào về truyền thống của làng mình, lưu truyền những câu thơ như sau:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn
Tự hào truyền thống làng mình
Sáu mươi dòng họ anh hào tạo nên
Họ Nhữ hiếu học đỗ cao
Họ Lê, họ Nguyễn, họ Phan, họ Đào
Họ Vũ, họ Phạm, họ Đoàn
Họ Đỗ, họ Trịnh, họ Trần, họ Dương
Họ Hoàng, họ Đặng, họ Khương
Họ Mai, họ Đậu, họ Vương, họ Bùi…
Kể sao cho được đủ đầy
Cùng nhau ôn lại những ngày vẻ vang
Ngày xưa các cụ tổ tông
Học hành thi cử dạng danh giống nòi
Khai khoa Vũ Tụ đỗ đầu
Mở mang khoa bảng cho làng Vạc ta
Tiến sĩ Trần Vĩ thượng thư
Bốn trăm năm lẻ Văn bia vẫn còn
Họ Nhữ có Ngũ Đại Khoa
Tứ Đồng Tiến Sĩ xuất thân một dòng
Nhữ Tiến Dụng, Nhữ Đình Hiền
Đình Toản, Công Chấn, Trọng Thai kế thừa
Lê Thuần Hậu cảm tử quân
Lê Quỳnh án sát phò vua giúp đời
Nàng Điểm Bích, chùa Quỳnh Lâm
Huyền Quang cùng với mối oan hữu tình
Nguyễn Văn Ngọc bậc hiền tài
Ôn Như học giả một thời vang danh…
Truyền thống Hoạch Trạch khí tàng
Anh hùng xuất thế vẻ vang đời đời
Chuyện quê góp nhặt dông dài
Dẫu rằng cố gắng nhưng chưa vẹn toàn
Những mong kẻ dưới người trên
Lời hay ý tốt góp thêm chuyện làng.
Theo VisionTimes