Vào mùa, gió Lào quạt lửa. Trời trong, nắng chói, người ngột ngạt. Gió càng mạnh, miệng người càng xôm. Như thể nói ra để phát tiết hết nóng nực bực dọc, thay vì đổ mồ hôi thì phun nước miếng.
Người ta không hiểu tại sao bà Năm lại khóc lóc vật vã trong đám tang ông Năm. Những giọt nước mắt đó lẽ nào là giả tạo. Một bà già ngoài sáu mươi, tới mặt mũi còn khô nhăn quéo quắp, nặn đâu ra nhiều nước mắt đến thế.
Theo lý lẽ thông thường, họ cho rằng bà Năm phải vui. Hoặc chí ít là thở phào nhẹ nhõm. Từ nay, hết người chửi rủa, không còn ai đánh đập. Cái “nợ đời” đó đã đi, bà được giải thoát rồi, sao trông có vẻ như bà Năm lại còn đau khổ hơn trước.
Ngày cuối tiễn ông Năm về với cát trắng, trời bỗng dưng đứng gió, hầm hập.
***
Hồi đó, mọi người hay gọi ông Năm là “đệ tử Lưu Linh”. Chẳng hiểu ông say xỉn là vì bất mãn thời cuộc, hay do ông ham chơi nhác làm hoặc bởi ông là tên nghiện rượu. Ông Năm không chè chén với hàng xóm hay bất kỳ ông bạn nhậu nào. Uống một mình chớ cần chi nhậu với ai.
Ông Năm uống rượu cả ngày, mỗi lần một ly nhỏ, cứ hai chục phút tới nửa tiếng một lần. Lúc nằm võng đọc sách, chai rượu lăn lóc bên cạnh. Khi đang cuốc đất, nhổ cỏ làm vườn, ông Năm bỏ ngang nhát cuốc vào nhà mở nắp chai rượu. Dường như ông Năm có thể quên ngủ quên ăn nhưng luôn luôn nhớ tới rượu.
Ông chỉ tỉnh táo vào lúc mặt trời chưa mọc, trở mình dậy từ cơn say đêm hôm trước, nấu nồi nước đậu ván rang rồi ra vườn bơm nước tưới cây. Lặng lẽ đi chợ mua vài con cá về kho cho bữa cơm trưa. Trầm tĩnh quơ nhặt mớ lá mía khô vào bếp làm mồi nhen lửa. Im ắng cắt nhỏ mấy bó rau muống cho đám vịt xiêm ăn. Tầm qua giờ trưa là ông Năm bắt đầu lè nhè những câu chửi. Ông lôi mồ mả tổ tông của cả làng xóm và dòng họ bà Năm ra chửi.
Chưa cạn nắng, ông Năm đã rít qua kẽ răng. Chai rượu của ta đâu rồi, bây đem giấu chai rượu của ta ở đâu? Rồi ông tha hồ hò hét. Trả chai rượu lại cho ta, quân mất dạy, thứ lộn chồng, đồ ăn cướp. Ngày nào cũng thế, lặp đi lặp lại.
***
Uống rượu nhiều quá, ông Năm khô rạc cả người, da bọc lấy xương. Cặp giò tong teo như hai cây sào. Hai má tóp hóp vào, xương gò nhô cao, hốc mắt trũng sâu.
Liệu rượu có phải là thứ còn độc hơn thuốc độc. “Ma men” không chỉ âm thầm giết chết một người, mà còn dần dần phá hủy tất thảy mọi thứ, từ tính người tới tình thân, gia đình.
Bà Năm ra phố buôn gánh bán bưng, năm thuở mười thì mới có mặt ở nhà. Mỗi bận bà Năm tạt qua nhà được chừng một ngày, về khi chiều xuống và đi lại lúc mặt trời của ngày hôm sau tắt nắng. Căn nhà như quán trọ. Chỉ vỏn vẹn mấy giờ mà không lúc nào thiếu cự cãi. Tiếng dí chạy huỳnh huỵch, tiếng chửi rủa, tiếng chén ly vỡ. Mùi người say rượu khắm khai, khen khét, đôi khi là mùi máu.
Bà Năm gói ghém quần áo chạy trốn, để lại đứa con gái út bé xíu với một ông già say xỉn. Con bé nhỏ thó, mặt lịt lịt, tập quan sát sắc mặt ông Năm để khỏi bị đòn.
Những lúc hiếm hoi ông Năm không bị ma men quấn tâm trí, thấy ông rất tội. Con bé làm cái đuôi quấn chân, theo ba ra vườn trồng cây, chui vào bếp phụ ông nấu ăn. Thấy con bé thức tới khuya lơ ôn bài, ông Năm đạp xe ra đầu xóm mua hai hột vịt lộn về hâm nóng để con bé ăn đỡ đói. Ngày con bé bị rạ nổi mụt nước khắp người, ông Năm cong lưng thổi lửa sắc thuốc bắc cho uống rồi cẩn thận thoa thuốc mỡ trị sẹo cho con.
Mỗi khi ông Năm say, con bé trở thành cái bóng trong căn nhà không ánh đèn. Bình thường, con bé rất sợ ma nhưng mỗi khi ông Năm say rượu, con bé còn sợ ông hơn cả ma. Để tránh bị ông Năm đánh, một mình con bé chui bụi trốn bờ. Giữa màn đêm chỉ có lũ muỗi vây quanh và vô số côn trùng, kiến cánh. Có khi là lũ chuột dí nhau chạy có bầy.
Sau hè nhà ông Năm đầy cỏ cú, cỏ mực, cây chó đẻ cao ngồng. Với ông Năm đó chính là thuốc quý. Con bé lại coi như ác mộng. Lâu lâu, ông Năm bảo con bé nhổ mấy cây thuốc nam đó phơi khô dùng sắc thuốc uống hoặc mang ra tiệm đông y bán.
Ngày tháng trôi đi chậm thật chậm, tựa như ly cà phê phin nhỏ giọt.
***
Bữa nọ bà Năm về, đưa cho con bé hai viên thuốc ngủ. Con bé rén lắm, nhưng vì mong mỏi một đêm được ngủ yên trong nhà hệt như con mèo cuộn tròn trong đống tro rừ rừ say giấc, nó đã làm theo má. Con bé nghiền mịn thuốc ngủ, trộn vào cơm, rồi đưa cho ông Năm ăn.
Thấy ông Năm nằm im lìm trên tấm phản gỗ, con bé hoảng hốt. Nó sợ ông Năm không tỉnh lại nữa nhưng chỉ hai giờ sau ông Năm mở mắt ra, và chửi. Chai rượu của ta đâu? Có lẽ rượu đã làm dã thuốc. Bà Năm muốn ông Năm ngủ chốc lát, cho nhà cửa làng xóm yên ắng. Nhưng kế hoạch đã thất bại.
Con bé sợ hãi, không bao giờ đồng ý cho má làm điều đó lần nữa. Dù có thế nào, người ở với ông Năm nhiều hơn vẫn là con bé. Nếu má không chịu được, má có thể bỏ đi như đã từng. Con bé sẽ ráng học giỏi, để khuyên ông Năm bỏ rượu. Mỗi lần đi họp phụ huynh về, ông Năm đều rất tự hào mà khoe thành tích của con bé với khắp làng trên xóm dưới. Chắc con bé nghĩ chỉ cần mình học giỏi thì nói ba sẽ nghe thôi. Thế là con bé ráng học, ráng học.
Vậy mà ông Năm lại chết thật, sau một cơn trúng gió. Bữa đó, như mọi đêm, con bé lại trốn kỹ ngoài bụi mía. Nửa khuya, ông Năm lò dò cầm đèn pin đi tìm nó. Rồi ông vấp cục đá, nằm ú ớ đâu đó. Con bé ở xa quá, chỉ có tiếng muỗi vo ve bên tai, nó đã không nghe thấy ba nó đang méo miệng. Ở khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, ông Năm đã nhìn thấy điều gì trong ánh mắt. Hay chỉ một khoảng không tối mịt bao trùm. Ông Năm đi tìm con bé vì muốn đánh nó hay vì lo cho nó? Trong tiếng nấc không lời ấy, ông Năm có còn điều gì nuối tiếc? Cho đến mãi về sau, con bé vẫn ám ảnh bởi những câu hỏi xoay vần.
Không cần thuốc ngủ, rượu đã cướp ông Năm khỏi cuộc đời này. Rượu mà biết phân bua, có lẽ nó sẽ đổ thừa cho cơn gió kia. Bao năm qua, ông Năm vẫn uống rượu mà có sao đâu. Khắp gầm trời này biết bao nhiêu người uống rượu kia chứ. Chỉ một cơn gió thổi thôi, người đã trở thành mây khói. Bà Năm về, ra vườn quẳng cục than đỏ, gió thổi bùng lửa lên, đám cỏ của ông Năm cháy trụi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
***
Người ta cứ nghĩ bà Năm không ly dị ông Năm là vì mấy đứa con. Con bé cũng tưởng má thương nó nên mới không bỏ ba. Là để cho con bé có mái nhà hoàn chỉnh. Là để con bé khỏi mang tiếng “con không cha”.
Nhưng họ đã lầm, con bé đã sai. Cho tới tận ngày mất, ông Năm cũng chẳng hề biết lý do. Bà Năm cứ rời đi dăm bảy ngày rồi lại về với ông Năm, chỉ vì một chữ thương. Bà thương ông, bất chấp bị chửi, đánh hay đuổi đi. Bà thương ông, bất kể bị giật đứt từng cọng tóc trên đầu, mặc kệ vết bầm đỏ trên da thịt lẫn những bộ quần áo cháy sém.
Những lúc ông Năm tỉnh, bà Năm thường thủ thỉ với ông về chặng đường mưu sinh của bà ở thị thành. Về gánh trái cây bữa vơi bữa đầy. Về những con kiệt nhỏ hun hút tối. Về bữa cơm thừa, cái áo cũ mà bọn nhà giàu quẳng cho. Về phận đời của những người đàn bà gánh gồng kiếm từng cắc bạc lẻ giữa phố xá xa hoa. Để rồi, khi ông Năm xỉn quắc cần câu, ông lại đem mấy chuyện đó ra chửi bà. Thứ ăn mày, đồ bỏ đi thì họ mới đem bố thí. Có sức có vóc thì tự làm ra mà ăn chớ. Ông Năm đâu hiểu rằng bà Năm nhịn ăn nhịn mặc, tích góp từng đồng để mang về nuôi ông chồng say rượu vô dụng và những đứa con mỗi ngày mỗi lớn. Bà thề đi là từ nay sẽ không kể nữa, không nói gì thêm nữa. Nhưng vẫn chứng nào tật nấy, cứ về nhà gặp ông Năm là bà vẫn to nhỏ.
Bây chừ không còn ông Năm nữa, bà biết kể với ai đây?
Từ nay được sống thoải mái rồi. Buổi tối ngủ yên chẳng ai dí chạy ra vườn giữa tối đen đầy. Ban ngày được tĩnh lặng học bài, không còn nghe tiếng kêu la lạc làng lạc xóm. Những âm thanh chửi rủa mà con bé từng ghét cay ghét đắng, bây chừ chẳng còn nữa. Bà Năm không còn bỏ đi nữa, con bé sẽ được ở với má. Con bé nghĩ vậy nhưng sao… nước mắt lại rơi. Không thể ngừng được. Con bé đau lắm. Giá mà tối đó nó không đi trốn thì có lẽ ba nó không đi tìm và ông vẫn còn ở đó, nằm võng uống rượu chửi đời.
Trời lặng gió rồi nhưng vết tích gió lùa vẫn còn hằn trên bãi cát. Những nơi cơn gió đi qua, khoảng không trống vắng đó chẳng gì có thể lấp đầy. Tự dưng con bé thèm nghe một tiếng chửi…
Truyện ngắn của Ny An
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/lang-gio-20220709191705374.htm