Lần đầu ‘Truyện Kiều’ lên sân khấu ba lê

11:50 | 25/05/2020

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được chuyển thể sang loại hình nghệ thuật ba lê với tựa đề “Ballet Kiều”. Vở diễn đang được các nghệ sĩ sân khấu Nhà hát TP Hồ Chí Minh tập luyện, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 6/2020.


Trích đoạn trong vở

Không làm khán giả thất vọng

Nội dung vở “Ballet Kiều” sẽ khắc họa lại hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên. Diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn. Trong mỗi phân đoạn, tiếng đàn sẽ có lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng. Có trường đoạn thì gào thét, tang thương để rồi tan chảy, nén chịu, khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đây cũng là tiếng lòng của chính đại thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.

Để kể “Truyện Kiều” bằng ngôn ngữ ba lê, biên đạo múa của vở “Ballet Kiều” đã chắt lọc những ngôn ngữ cơ thể tốt nhất. “Nhiều chuyên gia e dè với “Truyện Kiều”, nhất là khi kiệt tác này đã quá đồ sộ về thi ca, kịch nói, múa rối. Thế nhưng, do đặc thù của từng bộ môn nghệ thuật nên các vở diễn sân khấu không thể xa rời lời thoại hoặc diễn xướng… Chính vì thế, tôi tin múa ba lê sẽ không làm khán giả thất vọng khi xây dựng không gian đượm chất thơ, trữ tình” – biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ.

Trong vở diễn, hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, sư Giác Duyên… sẽ thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du. Trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục sẽ giúp mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần để nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.

Thấm đẫm văn hóa phương Đông

Trong vở “Ballet Kiều”, biên đạo múa sẽ chú trọng tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ba lê. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt. Mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, có thủ pháp mang tính sáng tạo cao mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.

Theo biên đạo múa Tuyết Minh, phong cách sáng tác của ê kíp thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị. “Tôi tin khán giả Việt từ giới trẻ cho tới người lớn tuổi, những người ngoài nghề và trong nghề đều sẽ hiểu, cảm được trước hết là tâm huyết, năng lượng tích cực qua vở diễn” – biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ. Bên cạnh đó, khán giả nước ngoài cũng sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ âm nhạc, phong cách múa, trang phục, văn hóa Á Đông với cách tư duy và chiều sâu tâm hồn riêng… Thông qua đó, khán giả sẽ thấy đồng cảm vì chất nhân văn, tinh thần nhân đạo là cầu nối từ trái tim đến trái tim không phân biệt màu da, tôn giáo như việc “Truyện Kiều” đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Trong thời gian còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân dường như lắng lại, sống chậm hơn. Chắc hẳn, mỗi người đều nhận ra giá trị tinh thần, tôn trọng những giá trị văn hóa nền tảng làm nên nhân cách con người. Cùng với đó, chúng ta cũng nhìn lại tất cả những điều bất cập trong cuộc sống, công việc, trong các mối quan hệ giữa con người với con người, để chiêm nghiệm về luật nhân quả trên đời. “Khi làm “Ballet Kiều”, tôi chợt bắt được cái tứ của đại thi hào Nguyễn Du, đó là sự trở về với chân tâm trong mỗi chúng ta. Thuận theo tự nhiên là con đường tìm đến hạnh phúc giản đơn trong hành trình trăm năm một cõi đi về mà không phải ai cũng sớm may mắn tìm được” – biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.

 Vở “Ballet Kiều” do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chỉ đạo nội dung và được những nghệ sĩ hàng đầu của loại hình ba lê dàn dựng, như NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Ứng Duy Thịnh chỉ đạo nghệ thuật; biên đạo múa: Tuyết Minh – Phúc Hùng; âm nhạc: Việt Anh – Chinh Ba; biểu diễn: Đoàn vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh.

 Theo KTĐT

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình