Áo dài là biểu tượng của nền văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của con người Việt Nam.
Tìm cách gìn giữ và nâng tầm giá trị cho áo dài Việt Nam luôn là mong muốn của nhiều nhà thiết kế. Với tình yêu với áo dài và hội họa, nghệ nhân – nhà thiết kế Trung Đinh (quê thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã nghiên cứu vẽ thủ công trên áo dài bằng chất liệu vải lụa truyền thống. Từ đây, những chiếc áo dài càng đẹp hơn khi trên nền lụa mềm có thêm những hình vẽ cảnh sắc quê hương.
“Quê hương tôi – Một thoáng Phú Yên” và “Mộng thiên đường” là hai bộ sưu tập áo dài mới nhất của nghệ nhân – nhà thiết kế Trung Đinh. Hai bộ sưu tập gồm hơn 30 bộ áo dài (nam và nữ) được thiết kế trên chất liệu vải lụa truyền thống. Bên cạnh những họa tiết còn có vẽ những danh thắng nổi tiếng ở Phú Yên từ Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng đến cánh đồng lúa Tuy Hòa… Nhiều người khi xem trình diễn các bộ sưu tập áo dài này tại chương trình nghệ thuật “Áo dài qua miền di sản Phú Yên” (được tổ chức vào ngày 29/4 vừa qua) đã rất yêu thích.
Chị Lê Việt Hà ở thành phố Tuy Hòa chia sẻ: Mình luôn may vài bộ áo thật đẹp để mặc vào dịp lễ, Tết hoặc đi chụp ảnh cùng bạn bè. Áo dài mang một vẻ đẹp truyền thống, tôn lên được vẻ đẹp dịu dàng thướt tha và nền nã của người con gái Việt. Giờ đây, áo dài có thêm hình vẽ phong cảnh quê hương càng thấy đẹp và gần gũi. Nếu có điều kiện, mình cũng muốn sở hữu một bộ áo dài bằng vải lụa và có những bức tranh đẹp như thế này.
Để có thể làm đẹp thêm cho áo dài truyền thống bằng những hình vẽ trên chất liệu vải lụa, nhà thiết kế Trung Đinh đã dồn hết tâm sức để nghiên cứu kỹ thuật pha màu, kỹ thuật chống loang trên vải… Mỗi áo dài khi có thêm hoa văn, hình vẽ càng trở nên thơ mộng, gắn kết với thiên nhiên, non sông đất nước. Không chỉ có thế, từ đây, nghề vẽ tranh trên lụa truyền thống dần được khôi phục sau nhiều năm đã bị mai một.
Nghệ nhân – nhà thiết kế Trung Đinh cho biết: Áo dài là biểu tượng của Việt Nam nên nhà thiết kế nào cũng muốn làm cho nó đẹp hơn. Bản thân mình muốn kết hợp giữa thời trang, hội họa và văn hóa vùng miền vào mỗi bộ áo dài. Khi mặc một bộ áo dài với chất liệu lụa mềm mại cùng với những nét vẽ hoa văn, họa tiết hay cảnh sắc quê hương mà mình yêu thích, bạn sẽ rất thú vị. Nếu bạn có sự tinh tế, sáng tạo, đam mê và một chút năng khiếu hội họa rất dễ thành công khi vẽ áo dài. Kỹ thuật vẽ tranh trên lụa có thể mở rộng sang các loại trang phục khác hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Cho đến nay, nghệ nhân Trung Đinh không chỉ đưa hội họa lên những tà áo dài lụa bằng nét vẽ thủ công gần gũi mà còn mở trung tâm dạy vẽ trên áo dài để lan tỏa cho nhiều người. Sau 9 năm, anh đã truyền nghề cho hơn 4.000 người trên toàn quốc. Nhiều người trong số họ sẽ là những thế hệ kế tiếp đưa mảng nghề vẽ thủ công trên lụa ngày càng phát triển triển, đặc biệt là sự kết hợp giữa hội họa trên áo dài để làm nên những thiết kế độc đáo, góp phần nâng tầm cho áo dài Việt Nam.
Theo bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên: Vừa qua, chương trình nghệ thuật “Áo dài qua miền di sản Phú Yên” đã thu hút được nhiều sự quan tâm của chị em. Sự hấp dẫn không chỉ đơn thuần ngắm nhìn những bộ áo dài đẹp mà còn là kỹ thuật vẽ trên lụa đang được xem như một nghề mới với nhiều tiềm năng phát triển. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên sẽ tìm các giải pháp để hỗ trợ phụ nữ học nghề ở lĩnh vực thiết kế và may áo dài. Đây sẽ là hướng khởi nghiệp phù hợp với nhiều phụ nữ vốn đã có sẵn sự khéo léo và yêu cái đẹp.
Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/van-hoa/lam-dep-them-cho-ao-dai-truyen-thong-20220510151143934.htm