Lai Châu – căng sức khắc phục hậu quả thiên tai

10:33 | 30/06/2018

Mưa lũ, sạt lở đất mấy ngày vừa qua khiến một số nơi ở Lai Châu gánh chịu những tổn thất nặng nề. Số người thương vong, mất tích tăng lên mỗi ngày; hàng chục ngôi nhà bị trôi, sạt đất đá, nhiều công trình giao thông, đường điện bị phá hủy, mùa màng bị tàn phá và một số địa phương bị cô lập. Tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác chỉ đạo để các cấp, các ngành chung tay cùng vùng ảnh hưởng thiên tai sớm vượt qua khó khăn.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu giúp nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: Đức Duẩn

Ngay từ đầu mùa mưa lũ, các địa phương đã tăng cường công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai. Nhưng diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương: Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè và Nậm Nhùn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ và sạt lở đất.

Tính tới thời điểm hiện tại, số người thương vong, mất tích trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới gần 40 người. Thế nhưng không ít người dân, bất chấp sự nguy hiểm của thiên tai vẫn đánh bắt cá ở các khu vực nước siết, qua lại vùng sạt lở, tai họa có thể đến bất cứ lúc nào.

Thiên tai còn tàn phá các công trình giao thông, đường điện, mùa màng và nhà ở của bà con. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đã có hơn 50 nhà dân ở các huyện Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên bị mưa lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vào nhà khiến cho không ít gia đình gặp cảnh mất chốn nương thân. Trong cơn thịnh nộ của thiên tai, 6 cầu treo, cầu bê tông và cầu tạm các loại thuộc địa bàn 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên bị mưa lũ cuốn trôi. 600 nghìn m3 đất đá sạt lở xuống các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã, thôn bản, khiến cho giao thông bị tê liệt nhiều giờ, tắc đường cục bộ diễn ra tại hầu hết tuyến giao thông trong toàn tỉnh.

Thống kê sơ bộ, 4 trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) bị phá hủy, hơn 400ha lúa, hoa màu các loại của các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ và Tam Đường bị ngập úng, vùi lấp và cuốn trôi. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn và Mường Tè bị hư hỏng nặng… Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại do mưa lũ tính tới thời điểm hiện tai lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Trong khi mưa lũ hoành hành, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời có mặt tại các vùng bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp chỉ đạo huy động lực lượng ứng cứu, xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có mặt động viên các hộ nuôi trồng cá nước lạnh xã Sơn Bình (huyện Tam Đường), xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ), nơi đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng kịp thời thăm hỏi, động viên bà con; đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống.

Đồng chí Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới từng điểm xảy mưa lũ, sạt lở, thăm hỏi động viên gia đình người gặp nạn, nắm tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tổ chức Chữ Thập đỏ các địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp các gia đình gặp nạn.

Tại các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ dâng, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên đã di dời nhiều hộ dân tới nơi an toàn. Sở Giao thông, Vận tải huy động lực lượng, thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Tính tới thời điểm hiện tại, một số tuyến quốc lộ đã đảm bảo giao thông thông suốt, nhiều tuyến tỉnh lộ đang được đẩy nhanh tiến độ xử lý sụt sạt, thông đường trong thời nhanh nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, lên phương án hỗ trợ diện tích hoa màu bị thiệt hại do mưa lũ để bà con duy trì sản xuất khi nước rút.

Trước thiên tai việc cứu hộ, khắc phục hậu quả lũ lụt là mệnh lệnh từ trái tim những người chiến sĩ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ các địa phương giúp bà con vùng thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Thượng tá Trần Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Suốt 2 ngày ròng rã, cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy, Trung đoàn Huấn luyện 880 đã dầm mưa cứu hộ, giúp bà con xã Noong Hẻo tìm nạn nhân mất tích và xử lý các điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở. Chung vai sát cánh với các anh còn có cán bộ, chiến sĩ Công an cũng tăng cường xuống cơ sở, sẻ chia khó khăn với người dân.

Mặc dù doanh trại, khu tăng gia sản xuất của đơn vị bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhưng cán bộ, chiến sĩ vai mang quân hàm xanh của các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ vẫn nhanh chóng tới giúp người dân vùng biên di rời khỏi vùng nguy hiểm tới nơi an toàn và thông tuyến giao thông liên xã. Nhờ đó, đồng bào khu vực biên giới vợi đi khó khăn trong cơn hoạn nạn do thiên tai.

 

 

Theo Bienphong

Video hay

Cùng chuyên mục

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA