Lá thư đẫm nước mắt thời đất nước chia cắt

9:47 | 28/10/2021

Bạn tôi, PGSTS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, vừa đến thăm, giao cho tôi một kỷ vật vô giá. Đó là bức thư của nhà giáo Nguyễn Thị Hoài Niệm tên thường gọi là Hừng, vợ GS Hoàng Xuân Nhị, thầy Chủ nhiệm khoa Ngữ văn yêu kính của chúng tôi thời Đại học Tổng hợp Hà Nội, viết gửi cho ba má và con gái ở Bến Tre năm 1971 nhờ Trần Đức Cường chuẩn bị vào chiến trường Nam Bộ chuyển giùm. Tôi đọc bức thư viết 50 năm trước, trên tờ giấy đã rách, đã úa vàng, nét mực đã nhòa mà không cầm được nước mắt.

Gs Hoàng Xuân Nhị [năm 1955]

GS Hoàng Xuân Nhị, người Hà Tĩnh, từng học ở Pháp và Đức, thầy có bằng cử nhân Văn chương và Triết học Đại học Sorbone. Năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầy Nhị về tham gia kháng chiến tại Nam Bộ. Thầy làm Giám đốc Nha Văn hóa và Thông tin Nam Bộ. Thầy lập gia đình với cô Hừng, một cô gái xinh đẹp và có học thức, quê ở Bến Tre. Sau này ra Bắc cô dạy tiếng Pháp ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1954, GS Hoàng Xuân Nhị và vợ mang theo đứa con trai đầu tập kết ra Bắc, để lại đứa con gái thứ hai ở lại quê hương với ông bà ngoại vì nghĩ chỉ vài năm sau đất nước sẽ thống nhất. Ông bà không ngờ mười mấy năm sau, hai miền vẫn cắt chia và ông bà nhiều lúc không thể liên lạc với ba má và con gái. Dịp Cường, sinh viên khoa Sử vừa tốt nghiệp, bạn thân của con trai  mình, vào chiến trường làm cô Hừng lóe lên hy vọng thư của mình sẽ đến tận tay ba má và con gái.

Nhưng rồi vào Nam Bộ, Cường công tác ở Trung ương Cục và miền Đông Nam Bộ chưa có dịp về Bến Tre để tìm đến gia đình bác Hừng theo địa chỉ: Ông Nguyễn Hữu Ân, quận Hương Mỹ, trước là xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Năm 1975, giải phóng, Cường được tin cả ba má và con gái của cô Hừng đã mất cả. (PGSTS Phạm Quang Long vừa cho biết do ông bà mất, năm 1975, chị Tiệp con gái của thầy cô được một tổ chức từ thiện đưa sang Mỹ). Thế là anh đã giữ lại lá thư ấy – lá thư đã theo anh vượt hàng ngàn cây số Trường Sơn trong chiếc ba lô nặng trĩu, rồi tiếp đó là trong chiếc bòng nhẹ hơn đi khắp chiến trường Đông Nam Bộ rồi sau đó theo anh ra Bắc như một báu vật cho đến nay.

Tôi xin thay mặt Trần Đức Cường chia sẻ bức thư thiêng liêng của một thời đất nước chia cắt với các bạn từng là học trò của Thầy Nhị cô Niệm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp năm xưa.

————-

Hà Nội, ngày 27-1-1971

Kính thưa ba má

Đã hơn 3 năm rồi con không được thơ của các em và của Tiệp hoặc của một ai thân thuộc khác, con rất lo buồn! Con đã gởi nhiều bức thơ về, bằng nhiều cách khác nhau, ba má có nhận được không? Con đã nhiều lần đầu đơn xin về Nam công tác, đã nhiều lần đi gặp những người có thẩm quyền, những cơ quan có trách nhiệm, những tổ chức chuyên lo đến việc điều động cán bộ đi B, nhưng mỗi một lần chạy vạy là một lần tuyệt vô hy vọng! là một lần khóc thương vật vã! Người ta chỉ trả lời với con: chị đã quá tuổi rồi, chị cần cho sau này, bây giờ chưa nên vào!

Năm tháng đối với con là một cuộc đời triền miên lo lắng nhớ thương và hoàn toàn bất lực…

Con chỉ mong sớm hôm thăm nom ba má, dạy bảo con em, chào hỏi bà con thân thuộc láng giềng, chứ không đằng đẵng mấy chục năm trời xa cách trong hoàn cảnh gia đình tang tóc chiến tranh như thế nầy thì dẫu có quyết biến căm thù thành sức mạnh, biến nhớ thương thành hành động hăng say, chẳng qua cũng chỉ là những kế qua ngày của những người hèn kém. Và con là người buồn khổ nhất trong số những người buồn khổ vì bặt tin tức gia đình, vì sợ mình sẽ phải chết đi trước khi được gặp lại cha mẹ và chị em, con cháu. Hãy góp phần làm cho nước nhà mau được thống nhất: Ừ thì đã và đang đóng góp tận sức tận tình, nhưng ai ngăn được cảnh xế chiều tàn tạ phôi pha!

Con có lỗi một trăm phần đối với ba má; con những tưởng con sẽ sống một cuộc đời đầy đủ nghĩa tình, hóa ra chỉ ham cảnh dứt áo ra đi, nỗi niềm trước sau, cặn kẽ thế nào không hề nghĩ cạn!

Kính mong ba má được mạnh khỏe, bớt nhọc nhằn và tìm được những nguồn an ủi to lớn trong vinh quang của gia đình, của con cháu và của đất nước. Kính mong ba má bảo các em viết thơ cho con. Kính mong ba má thương xót, đùm bọc, chỉ bảo con Tiệp như đứa con út của ba má. Con xin gởi lời chào thăm anh chị hai con và tất thảy bà con. Nhị, con, anh em Nhuận, Quốc, chúng con đều bình thường.

Tiệp thương yêu của má.

Năm nay con được 21 tuổi. Xa con đã 17 năm rồi, má không lúc nào không nghĩ đến công ơn của Ông Bà, không lúc nào không thương nhớ lo lắng đến con! Má có viết cho con rất nhiều thơ gởi hết tâm tình của má vào đấy, mong con mạnh khỏe, lớn khôn và nên người tốt.

Con ơi, lúc con bé bỏng, con sống với má và anh Nhuận, là những lúc má mắc bịnh mất ngủ ròng kéo dài hết năm này đến năm nọ rồi sau chuyển thành mất trí giữa lúc kháng chiến 9 năm gian khổ, gia đình phải tản cư và ba đang bận công tác lưu động.

Tuy bé, nhưng con đã tỏ ra thông minh ngoan ngoãn và có tính gan góc; anh Nhuận con có khi không bì kịp; rồi hòa bình được lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ; Ông Bà ngoại hồi cư; ba má phải đi tập kết lúc đó má suy nghĩ được rồi nhưng rất kém, rất thiếu sót, má đã nghĩ: sống ở miền Bắc sẽ rất túng thiếu, gởi con về với ông bà con sống trong đại gia đình, má đỡ bận bịu, lo công tác cho tốt để chóng được đoàn tụ. Hồi đó má nghĩ: sau 5, 3 năm là nhiều lắm chứ gì! Con vẫn đang còn bé, đang ham chơi khuây khỏa, không sao… Nhuận không thể sống không có má được, nó đau ốm luôn, phải đeo đẳng nuôi nó… Má còn nghe tiếng con khóc xé ruột buổi chiều hôm trước khi má đưa thuyền ông bà và cậu Hào đem con về Bến Tre… Những tưởng là 5, 3 năm, mà lại bằn bặt xa cách, chia lìa.

Nay con đã tuổi thanh niên; má hết lo rồi, những nỗi lo vẩn vơ thời con đang còn trứng nước, nhưng má lại buồn vì trách nhiệm của má đối với con không biết làm cách nào để khỏi phải như miễn đi, như qua đi, như vắng lặng đi…

Con có đầy đủ cha mẹ đây, anh em đây, cộng thêm truyền thống cách mạng của gia đình con, đủ bảo đảm cho con một tuổi thanh niên có học vấn và có đạo đức tốt đẹp. Đó cũng là điều mà ông bà hết sức chăm lo bù đắp. Nhưng má đã tước đi cái quyền hạnh phúc dĩ nhiên ấy của con, để mơ ước hão lúc ra đi chịu cảnh hối hận ngày nay là bất lực trước cảnh bị chia cắt, tin tức rất thưa, rất hiếm, biết có còn trông thấy con nữa không! biết làm sao nâng đỡ đùm bọc con khỏi những khó khăn mấy ai ngừa trước được!

Má mong con mạnh khỏe và mong con kính yêu ông bà, biết ơn họ hàng, thân thuộc và bà con chòm xóm. Ngoài ra má mong con biết thi tài góp sức cùng với chị em bè bạn, vui vẻ, tích cực, phục vụ công cuộc chống Mỹ và viết thơ báo cho ba má biết thành tích chiến đấu, bước tiến bộ không ngừng của con. Má mong con hãy suy nghĩ kỹ về đường lối của con và mong sao con suy nghĩ đúng, hay; mong con có chí tiến thủ!

Má tin tưởng ở đời, ở tương lai, ở những sự may mắn, ở những điều không thể quá ư đau khổ, ở những cảnh không phải bị chia cắt, xa vắng vĩnh viễn!

Xin giới thiệu với ba má, cháu Cường bạn học của Nhuận. Cháu phải xa nhà đi chiến đấu, mong ba má tin yêu và coi như con cháu trong gia đình. Kính mong gia quyến bình an, mạnh khỏe.  Rất mong được tin tức má hôn Tiệp Hừng

NTK

Cùng chuyên mục

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô

Ngân hàng CSXH huyện Krông Nô sơ kết hoạt động ủy thác quí I năm 2024

Ngân hàng CSXH huyện Krông Nô sơ kết hoạt động ủy thác quí I năm 2024

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Bon PiNao “thay áo mới”

Bon PiNao “thay áo mới”