Hình ảnh về buổi đầu tiên đến trường gần 100 năm trước của nhà văn, nhà giáo, học giả Nguyễn Hiến Lê vẫn làm người đọc hôm nay rưng rưng xúc động như thấy được chính mình trong đó.
Trong chương 3 của tập Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ông viết: “Năm Canh Thân (1920) cha tôi xin cho tôi được vào học lớp dự bị (cours préparatoire) trường Yên Phụ.
Buổi học đầu tiên của tôi, cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ – một xa xỉ phẩm thời đó – rồi khăn áo chỉnh tề, thuê một chiếc xe kéo bánh sắt (chưa có bánh cao su) để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ, cách nhà tôi hai cây số, dắt tôi lại chào thầy Hà Ngọc Chử, gởi gắm tôi với thầy. Tôi còn thấy rõ nét mặt của cha tôi, của thầy Chử, cảnh sân trường, cảnh lớp học, tưởng đâu như việc mới xảy ra tháng trước, thế mà đã sáu chục năm qua rồi”.
Kỷ niệm về ngày đầu tiên đi học được học giả Nguyễn Hiến Lê nhắc đến trong hai tác phẩm của ông là cuốn Hồi ký và cuốn Thế hệ ngày mai.
Học giả Nguyễn Hiến Lê tâm sự qua những dòng hồi ký: “Ngày nay đọc lại hai trang đầu bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai (xuất bản năm 1954) trong đó tôi chép lại một buổi học đầu tiên của tôi và buổi học đầu tiên của con tôi ngoài hai chục năm sau vẫn còn bùi ngùi: Tình cha tôi đối với tôi, và tình vợ chồng tôi đối với con tôi, sự săn sóc của chúng tôi đối với con y như nhau, hai thế hệ một tấm lòng, một tinh thần”.
Ở bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai, ông mô tả chi tiết về buổi học đầu tiên của mình và của con trai:
“Khi rời tay ba tôi để theo bạn vào lớp, tôi rưng rưng nước mắt. Ba tôi dỗ:
– Vào đi chóng ngoan, cậu ngồi ngoài sân đợi con.
Suốt một giờ rưỡi đồng hồ, tôi không học được gì, chỉ thỉnh thoảng lấm lét ngó ra sân tìm ba tôi và mong cho mau ra chơi.
Nghe tiếng trống đánh, tôi hồi hộp đứng lên, bước ra tới sân thì đã thấy ba tôi đương đứng ở một gốc nhãn đợt tôi. Ba tôi xoa đầu tôi, hỏi nhiều câu mà không cho tôi kịp đáp:
– Thày có dễ không? Có hỏi gì con không? Con học được những gì? Bạn ngồi bên cạnh con ra sao?
Hết giờ ra chơi, tôi lại vào lớp, lần này ít buồn hơn và khi tan học, sắp hàng ra tới cửa thì thấy ba tôi vẫn đứng ở gốc nhãn lúc nãy. Tôi hỏi người:
– Cậu đợi con như vậy có lâu không?
Người mỉm cười nhìn tôi mà không đáp, sự im lặng ấy thấm thía biết bao? Rồi chúng tôi lại lên ngồi một chiếc xe kéo lọc cọc để về nhà.
Đó là buổi học đầu tiên của tôi. Mỗi lần tới ngày tựu trường, thấy các em nhỏ cắp sách đi ngang qua nhà, tôi lại nhớ đến buổi ấy và lần nào lòng tôi cũng rung động, thổn thức, bâng khuâng…”.
Sau khi học lên trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi, nay là THPT Chu Văn An, Hà Nội), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Công chính, Nguyễn Hiến Lê được phân bổ vào công tác ở miền Nam, lấy vợ, sinh con ở đó, rồi chuyển sang nghề dạy học, viết sách. Khi đưa con đi học buổi đầu tiên, những hình ảnh, lời đối thoại của thuở cha ông đưa ông đi học như lại được sống lại:
“Hai mươi lăm năm sau, một buổi sáng tháng 8, trời trong trẻo và mát mẻ, nhà tôi và tôi dắt cháu tới trường Bà Phước ở Tân Định, một trường theo lối mới, nằm dưới bóng một hàng sao vun vút đưa lên một nền trời xanh dịu. Cháu đi giữa, mỗi đứa chúng tôi nắm một tay, còn cặp sách thì tôi cầm.
Tới trường, thì cảnh 25 năm trước lại tái diễn, chỉ khác là cháu òa lên khóc khi rời tay chúng tôi bước vào lớp. Lúc ấy chúng tôi thấy mằn mặn ở cuống họng. Đến giờ ra chơi, chúng tôi cũng đợi cháu ở góc sân; đến giờ về cũng đợi cháu ở ngoài cửa, rồi cháu cũng lại hỏi:
– Ba má đợi con có lâu không?
Chúng tôi cũng lại hỏi:
– Ngồi trong lớp con có ngoan không? Bà Phước có hỏi gì con không? Có dặn con gì không? Con có mong tới giờ về không?”.
Từ những hình ảnh về ngày đầu tiên của mình và của con, học giả, nhà giáo Nguyễn Hiến Lê đúc kết:
“Thưa các bạn, nhiều bạn đã trải qua ít nhất một lần cảnh như vậy, chắc chắn nhận rằng không cảnh nào buồn hơn, thấm thía hơn nữa nữa. Vì suốt đời ta, chỉ có những lúc ấy là chúng ta đem con chúng ta giao cho một người lạ để nhờ uốn nắn, giáo hóa.
Và chắc có nhiều bạn, sau khi đưa con tới trường lần đầu tiên, về nhà tự hỏi: “Không biết việc ta làm đó là phải hay trái. Người lãnh con ta có đáng tin không? Phương pháp giáo dục có đáng tin không?””.
Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ông kể lại tình cảm của độc giả khi đón nhận cuốn Thế hệ ngày mai và đoạn văn về cảnh cha đưa con đi học: “Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả, có người định lựa cho vào một tập Văn tuyển”.
Theo Zing News