Bên trong chiếc lưới mùng được chắn kín kẽ, hàng triệu con ruồi lính đen đang đu mình trên những tấm bạt được cắt nhỏ treo lủng lẳng, số khác bay đen đặc cả một góc mùng, sẵn sàng bám lấy khi có người bước chân vào.
Thời gian gần đây, phong trào nuôi ruồi lính đen phát triển mạnh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Đây là loại ruồi có giá trị kinh tế cao, không gây hại cho môi trường.
Anh Nguyễn Chí Cảnh ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) là một trong số những người tiên phong nuôi ruồi đạt hiệu quả cao. Việc nuôi ruồi lính đen lấy trứng và ấu trùng cung cấp cho thị trường làm thức ăn chăn nuôi đã giúp cho anh có thu nhập ổn định.
Hiện trung bình một kg trứng ruồi được bán với giá 15-20 triệu đồng, trong khi trước đó, có thời điểm một kg trứng có giá gần 40 triệu đồng.
Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H.illucens. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12–20mm, có vòng đời khoảng 40 ngày, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen.
Ruồi trưởng thành chỉ sống được khoảng một tuần rồi chết. Ruồi cái trưởng thành đẻ từ 500 – 800 trứng. Ấu trùng ruồi lính đen được làm thức ăn cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và dùng xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề.
Anh Nguyễn Chí Cảnh cho biết, anh từng là kỹ sư xây dựng với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong một lần tình cờ, anh biết đến ruồi lính đen thông qua bạn bè.
Anh tìm hiểu và mua con giống về nuôi thử thấy đạt hiệu quả, cho thu nhập ổn định nên anh nghỉ việc bên công trình, đầu tư chuồng trại, chịu khó học hỏi kĩ thuật nhân giống nuôi ruồi.
Hiện mỗi tháng anh thu khoảng 4 kg trứng ruồi lính đen với giá bán mỗi kg từ 15 đến 20 triệu đồng. Một kg trứng ruồi có thể nở và phát triển thành 3 đến 4 tấn nhộng.
Theo anh Cảnh, nguồn thức ăn chính của ruồi lính đen là các loại rác thải hữu cơ như rau củ quả, các loại bã đậu nành, bã củ mì, cơm thừa… Hiện trang trại của anh chủ yếu tập trung sản suất trứng để bán. Nhộng ruồi lính đen chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt để phục vụ chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản…
Ruồi lính đen bố mẹ sẽ tự chết sau khi hết vòng đời và được tận dụng làm phân bón hữu cơ. Lượng phân sau khi dùng nuôi ấu trùng sẽ chuyển thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng rau và hoa quả chất lượng cao.
Nói về cơ duyên với nghề nuôi ruồi lính đen, anh Cảnh chia sẻ: “Lúc đầu tôi tận dụng không gian dưới tán rừng cao su để nuôi giun quế, nhưng dần thấy nuôi ruồi lính đen hiệu quả hơn nên chuyển hẳn sang nuôi ruồi. Cuối năm 2018, tôi làm hẳn một trang trại nuôi ruồi”.
Hiện trang trại của anh đang mở rộng hàng ngàn mét vuông. Khu vực chuồng nuôi nhộng ruồi được anh Cảnh thiết kế toàn bộ bằng vải bạt để tiết kiệm chi phí. Riêng khu vực nuôi ruồi trưởng thành để đẻ lấy trứng được bố trí khép kín bằng lưới mùng để ruồi không bay ra ngoài cùng hệ thống phun sương làm mát. Bên trong có giá thể cho ruồi đẻ trứng.
Theo anh Cảnh, từ hiệu quả của việc nuôi ruồi lính đen, anh đang dần phát triển trang trại của mình lên hàng ngàn mét vuông để mở rộng sản xuất.
Theo Baotintuc