Xe hơi riêng của anh Mạc Phi do tỉnh hoặc hội cho mượn, chủ tịch Hội văn Nghệ tỉnh Lai Châu chở tôi lên thị xã Lai Châu năm 1981 (bây giờ đã là lòng hồ thủy điện Lai Châu), đưa tôi sang nghỉ ở nhà khách Ủy ban tỉnh…cơm bưng nước rót rất ưu ái, nhưng tôi phải thanh toán tiền ăn ở.
Tỉnh cho xe chở tôi sang Thị trấn Điện Biên ăn nghỉ để đi thực tế Mường Phăng là chỉ huy sở của tướng Giáp lúc chỉ huy trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Phó chủ tịch huyện Điên Biên là anh Tuyến người Kinh gốc Hải Phòng rất mê trường ca “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo làm việc với đồng chí phụ trách nhà nghỉ ủy ban huyện và tôi bảo: bố trí cho nhà thơ TMH ăn nghỉ một tháng miễn phí vì anh là khách mời của huyện.
Đoạn anh Tuyến mời tôi nói chuyện với cán bộ công nhân viên ủy ban huyện Điện Biên 3 tiếng đồng hồ về trường ca “ Đất nước hình tia chớp” và trường ca “Mặt trời trong lòng đất”. Buổi nói chuyện đọc thơ và thuyết trình của tôi, do anh Tuyến tổ chức, đông chật người đến nghe không đủ chỗ ngồi. Nói xong 3 tiếng, người ngồi nghe vỗ tay như sấm, yêu cầu nói thêm một tiếng nữa.
Sau buổi trình diễn thơ và nói chuyện về cảm hứng viết “Đất nước hình tia chớp”, tên tuổi tôi vang dội huyện Điện Biên. Bởi qua Đài tiếng nói Việt Nam, buổi tiếng thơ đã phát hàng trăm lần trường ca này trên sóng, nên dân hầu như ai cũng biết, ai cũng nghe.
Từ đó, bí thư huyện, chủ tịch huyện quý mến tôi rất đặc biệt, chỉ đạo hẳn một đồng chí huyện ủy viên người Hơ Mông tên là Yêu (hình như là Hờ Yêu) đưa tôi đi thực tế lòng chảo Điện Biên và tiếp xúc với rất nhiều bản người Thái. Trên đường đi, cảm hứng dâng trào, tôi đã viết xong bài thơ “Gửi Lai Châu” trong vòng 30 phút. Huyện ủy viên Yêu thích bài thơ quá, đánh máy làm nhiều bản gửi về cho huyện tỉnh. Huyện tỉnh thích quá gọi điện thoại cho đồng chí Yêu : cơm rượu thật lực vào, bồi dưỡng cho nhà thơ làm thơ ca ngợi huyện và tỉnh nhá. Anh Yêu còn dịch bài thơ “Gửi Lai Châu” ra tiếng Thái, phổ nhạc thành bài hát Thái, đọc và hát cho các gia đình, các bản mường mà “đoàn” (có hai người cũng gọi đoàn cho oai) đi qua…
Phải nói, đồng bào Thái là dân tộc yêu thơ nhất thế giới. Tôi như chuột sa chĩnh gạo, như ăn mày gặp đám, như ông ất ơ trúng số tọa thiên đường. Huyện tỉnh chỉ đạo cho anh Yêu, giữ tôi lại đi thực tế 3 tháng, về huyện cơm rượu huyện nuôi, về tỉnh cơm rượu tỉnh đón, về bản mường cơm rượu bản mường thi nhau từng gia đình mời rước chỉ vì họ yêu bài thơ “Gửi Lai Châu” của tôi; lại bảo tôi là người Kinh mang tâm hồn Thái.
Người Thái và con gái Thái rất đẹp, rất dịu dàng nền nã, ai cũng trắng bóc và tươi như hoa. Những bữa cơm rượu đọc thơ, hát thơ, bài “Gửi Lai Châu” của tôi mê tơi, say khướt. Anh Hờ Yêu bảo tôi : con gái Thái tao nó mê mày lắm, nếu nó rủ mày vào rừng hát thơ, mày đừng từ chối, nó giận đấy…
Khổ thân tôi chưa, tôi không còn độc thân nữa. Vả, ông huyện ủy viên cứ đi kèm sát bên mọi lúc, kể cả khi con gái Thái xinh như mộng rủ tôi vào rừng vui hát bắt cá suối nấu canh chua. Canh cá người Thái ngon tuyệt vời. Uống rượu như hũ chìm mà húp một bát canh là không bao giờ bị say…
“Hoa ban nở thành người con gái Thái” (Trần Mạnh Hảo)
Vào rừng bắt cá suối, hái rau rừng với các cô gái Thái là một thú vui trên thiên đường cũng không có nha. Anh Hờ Yêu bảo tôi : khi nào mày muốn ấy con gái đó cứ nháy mắt là tao biến. Nhưng tôi sợ, vừa ấy vừa run thì ấy làm sao…Cuối cùng, theo anh Hờ Yêu bảo, con gái Thái tao thật thà lắm, nó cho mày ấy mà mày không ấy, nó thề nó sẽ không cho mày ấy nữa, dù mày có cưới nó làm vợ.
Ba tháng trời sống với Tây Bắc, sống với Lai Châu, sống với tình yêu Thái và văn hóa Thái, sống với cái đẹp tuyệt vời trong sáng và trinh tiết của các cô gái Thái, với tôi Thiên Đường hay Niết Bàn cũng chỉ là muỗi…
Hôm tiễn tôi lên trực thăng về Hà Nội, anh Hờ Yêu bảo, thơ mày hay nhưng tình thì mày dở, mày không phải đàn ông chân chính, hay mày bị bất lực, ba mươi cô gái Thái quen mày, yêu thơ mày đều giận mày không ấy nó, nó giận mày suốt đời… Mười năm sau, hẹn gặp một nhạc sĩ người Thái phổ thơ bài “Gửi Lai châu” của tôi tại Hà Nội, để anh gửi tiền nhuận bút và quà biếu của tỉnh Lai Châu và huyện Điện Biên cho tôi . Anh nhạc sĩ bảo, tâm hồn mày đã thuộc về dân tộc Thái khi mày ca ngợi con gái Thái bằng câu thơ tuyệt vời nhất : “Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Dân tộc THÁI tao mời mày lên nuôi cơm rượu suốt đời . Lạ, mày đã làm hàng trăm bài thơ hay hơn bài “Gửi Lai Châu” cho dân tộc KINH mà sao nhà nước của người Kinh không mời mày cơm rượu, lại còn cấm mày in thơ in sách, lại còn đe nẹt bắt mày nữa. Thôi, mày đổi tên là Lò Mạnh Hảo, trốn lên Tây Bắc cho mày lấy hoa hậu THÁI, cơm rượu mày suốt đời, ấy không ? Ấy!…
GỬI LAI CHÂU
Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.Nơi sông Đà vặn mình rung núi
“Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo”
Thị xã nhỏ như chiếc áo cài trên ngực đất nước
Núi hai đầu mây đến đá lông nheoNơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh.Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.Nơi em về bản Chi Luông, bản Xá
Hoa rừng thơm như có kẻ theo cùng
Bản mới dựng mắt em là chiếc lá
Rơi bập bùng chân cứ muốn đi chung.Nơi vách đá còn ghi bia Lê Lợi
Lịch sử ngược sông Đà, nước réo tiếng gươm xưa
Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi
Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa.Nơi dấu tích còn ghi thời thống khổ
Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà
Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ
Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca.Anh đã gặp những con người như lửa
Giấu khói lửa đi như thời bếp Hoàng Cầm
Điện Biên của mọi người dành riêng em điệu múa
Những đời thường nhập lại hoá nhân dân.Lai Châu của lúa thơm sắn ngọt
Của tình em cho thị xã trăng rằm
Của ngọn gió kéo mặt trời qua dốc
Tiếng khèn Mèo làm suối cứ băn khuăn.Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
Để lòng em tìm lại buổi ban đầu
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu…
Trần Mạnh Hảo