Kỷ niệm 8 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 – 4/10/2021): Vị tướng sống mãi trong lòng dân

21:37 | 04/10/2021

Ngày này 8 năm trước 4-10-2013, ngày mà hàng triệu người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế khóc thương tiễn người con ưu tú của quê hương Quảng Bình và của dân tộc về đất mẹ Vũng Chùa – Đảo Yến. Hàng triệu trái tim, muôn triệu tấm lòng khóc thương vô hạn tiễn biệt Đại tướng, cõi trần gian vắng bóng một vị tướng thiên tài, một nhân cách lớn, một trái tim đôn hậu, nhân từ, một lòng vì nước, vì dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người con ưu tú của Quảng Bình và của dân tộc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đói khổ cảu quê hương, trong cảnh đau thương tửi nhục của người dân mất nước đã tác động sâu sắc vào người thanh niên yêu nước và cứ thấm dần vào con người Đại tướng theo năm tháng. Với truyền thống gia đình, quê hương, Đại tướng-Võ Nguyên Giáp lại được bồi tụ tinh thần yêu nước từ trong lịch sử và từ các tấm gương oanh liệt của các chí sĩ yêu nước để trở thành một Đại tướng tài ba trong thế kỷ XX.

Cuộc đời của Đại tướng đi qua hai thế kỷ, trong khoảng thời gian đó, Đại tướng sống trọn đời mình thủy chung son sắt cho non sông, gấm vóc, quê hương. Đại tướng hết mình vì Tổ quốc, nhân dân, đã hội tụ trong mình những nét đẹp truyền thống, tinh hoa của dân tộc. Trong lối sống, cách đối nhân xử thế với mọi người, Đại tướng luôn ứng xử chừng mục, khiêm tốn, mỗi câu chuyện, mỗi lần gặp gỡ là một bài học mà Đại tướng để lại cho muôn đời sau. Những bài học ấy tuy giản dị, đơn sơ, có khi là một câu chuyện về cuộc sống đời thường song đều trở thành động lực, là bài học cho lớp lớp người suy nghĩ, hành động để vươn lên xây dựng, hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương và đất nước.

Dù bộn bề với bao công việc của Đảng và Nhà nước, song Đại tướng luôn nặng lòng với quê hương Lệ Thủy, với Quảng Bình. Nhớ lại những ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc trong đó có Quảng Bình tháng 5 năm 1965, Đại tướng đã điện thoại chỉ đạo, căn dặn quân và dân Quảng Bình phải: Phối hợp thật tốt; đánh thật tốt; tránh thật tốt; các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng an ninh thì ở lại, còn các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân phải sơ tán tránh mọi tổn thất… nhờ đó mà quân và dân Quảng Bình đã không bị bất ngờ, chủ động đánh thắng trận đầu, bắn cháy 4 máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống 1 phi công Mỹ, các cơ quan, đơn vị và nhân dân Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng được an toàn, giảm thiểu những thiệt hại do không kích của đế quốc Mỹ gây ra.

Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Quảng Bình đã hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, song người dân Quảng Bình đã cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

Những lần về thăm quê hương, lần nào Đại tướng cũng nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy, đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh.

Năm 1998, về thăm quê hương, dù tuổi già sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” của xã Phong Thủy, nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng ân cần căn dặn: Phải luôn nỗ lực lao động sản xuất để giữ cho được danh hiệu “Gió Đại Phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào là quê hương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cán bộ, nhân dân trong huyện cần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương của cha ông, để không ngừng vun đắp cho sự lớn mạnh của huyện nhà.

Năm 2004, linh cảm có lẽ đây là chuyến thăm quê hương Quảng Bình cuối cùng của đời mình, Đại tướng mặc dù đã 94 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng chuyến về lại quê hương lần này Đại tướng dành nhiều thời gian đi thăm nói chuyện và căn dặn với nhiều địa phương, trường học, cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh, ở đâu Đại tướng cũng căn dặn là phải đoàn kết, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình thành một tỉnh giàu mạnh, trở thành một tỉnh gương mẫu trong cả nước.

Sau bao nhiêu năm cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nay trái tim lớn đã ngừng đập trong sự tiếc thương vô hạn của cả nước và nhân loại, Đại tướng lại trở về an nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình như một sự tri ân, sự lắng đọng bao ký ức về một con người hết sức bình dị, tài ba và nặng lòng với quê hương, đó cũng là lời nhắn nhủ với con cháu con muôn đời sau rằng: Nơi đây có một con người cả đời luôn nặng lòng với dân, với nước, với quê hương Quảng Bình.

Không chỉ là thiên tài quân sự – danh tướng huyền thoại của Việt Nam và thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà ngoại giao đại tài. Ở bất kỳ cương vị nào, Ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vĩ nhân, không chỉ thể hiện ở tài cầm quân của vị Tổng Tư lệnh đã cùng toàn quân lập nên chiến công Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và rất nhiều những chiến công vang dội trong hai cuộc trường chinh chống thực dân và đế quốc xâm lược. Đại tướng có những đóng góp vô cùng to lớn, đặc biệt xuất sắc của Ông cho nước, cho dân. Một nhân cách lớn với lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch và mẫu mực

Đi suốt cuộc đời hơn một thế kỷ, trong đó có hơn 80 năm cống hiến không mệt mỏi trong những thời kỳ gian khổ nhất của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trọn đạo với nước, với dân, đã thực hiện trọn vẹn và xuất sắc bài học “Nhân Dân” của Bác Hồ. Để rồi Ông thanh thản, nhẹ nhàng về lại vòng tay yêu thương của quê hương Quảng Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có công lớn kiến tạo phần lịch sử vàng son của dân tộc Việt Nam anh hùng ở thế kỷ 20. Và giờ đây, Ông trở thành tượng đài trong lịch sử dân tộc, cùng với các bậc tiền bối cách mạng và những chiến sĩ đã ngã xuống, trường tồn cùng non sông Đất nước. Ông thực sự đã tạc tượng đài bất tử trong lòng nhân dân.

Vị Đại tướng trong lòng dân

Mảnh đất Quảng Bình với biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, là nơi chịu nhiều thảm khốc của chiến tranh từ thuở cha ông dựng nước cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi đây, đã sinh ra một vị tướng huyền thoại, một người con anh hùng của dân tộc Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người đại tướng của nhân dân, người anh cả của quân đội cách mạng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son chói lọi lịch sử của dân tộc. Báo chí nước ngoài ca ngợi ông là thiên tài quân sự lớn của thế kỉ XX, chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân. Đối với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn, gắn liền với chiến công đánh bại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường lưu ý và nhắc nhở các mặt trận, các địa phương, thà tạm thời để mất đất, chứ nhất quyết không để mất dân. Với ông, yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào. Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đồng thời cũng thể hiện việc quán triệt sâu sắc, chấp hành tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực, dù người đó giữ chức vụ gì, quân hàm cao hay thấp. Với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đều viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong.

Cùng với Vũng Chùa – Đảo Yến, Nhà lưu niệm Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy đã trở thành điểm đến của hàng triệu người kính mến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người đang trông coi Nhà lưu niệm Đại tướng kể: “Năm nào cũng thế, cứ vào dịp sinh nhật hay ngày giỗ Đại tướng, dòng người từ khắp nơi lại về thăm ngôi nhà của Đại tướng. Chứng kiến ngôi nhà đơn sơ gắn với tuổi thơ của Đại tướng, ai cũng tỏ ra khâm phục, yêu quý và kính trọng Người hơn. Với Quảng Bình, trong tim Đại tướng luôn dành một phần rất lớn cho quê hương. Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại “Quảng Bình là nhà tôi…”. Tròn 8 năm ngày Đại tướng ra đi, người dân cả nước và đặc biệt là quê hương Quảng Bình vẫn chưa vơi nỗi đau mất mát khôn nguôi. Hơn ai hết người dân nơi đây hiểu rằng, với tất cả tình yêu quê hương, Đại tướng đã chọn về an nghỉ giữa lòng đất mẹ nơi Vũng Chùa – Đảo Yến bình yên. Đại tướng luôn gần gũi, hiện hữu trong trái tim mỗi người dân, với tất cả sự chân thành và yêu thương nhất. Đại tướng đã về đất mẹ yên giấc ngàn thu, người đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Nhưng những gì mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam và cho Thế giới sẽ còn mãi với thời gian và sáng mãi trong lòng Nhân dân”. Trong những ngày này, hàng triệu trái tim người Việt lại thổn thức, xúc động tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cống hiến to lớn của ông.

Ngày 13-10-2013, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về an nghỉ tại Vùng Chùa – Đảo Yến trong niềm tiếc thương, tự hào của người dân Quảng Bình cũng như cả nước. Kể từ ngày Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa – Đảo Yến, dòng người vẫn nối nhau về đây dâng hương, hoa và viếng thăm Người. Để tỏ lòng kính trọng, tri ân và ngưỡng mộ vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam và thế giới, mỗi ngày có hàng ngàn đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến thăm, dâng hương và tưởng niệm Đại tướng. Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng cho hay, Nhà lưu niệm Đại tướng thường đón trung bình 4.500 đến 5.000 lượt người/ngày; có những dịp đặc biệt như ngày Quốc khánh 2-9 và ngày sinh Đại tướng, đón trên 35 ngàn lượt người/ngày.

 Nơi đây không chỉ là vùng biển nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình mà đã trở thành nơi quy tụ tình yêu nước, lòng ngưỡng vọng của nhân dân cả nước đối với Đại tướng. Đồng bào mang bao tình yêu và lòng mến mộ của mình về đây bằng những cỏ cây, hoa lá được trồng và chăm bẵm đang từng ngày lớn lên, tỏa hương và kết trái ở nơi an nghỉ của Người. Đó là những đóa hoa ban trắng – tình yêu của người dân nơi đất trời Tây Bắc cùng hàng trăm gốc mai vàng và hàng ngàn cây xanh được người dân, đoàn viên thanh niên trồng, chăm sóc. Trống đồng, súng thần công, súng lệnh, các bảo vật qua bàn tay tài hoa của những người thợ đúc đồng đất Lam Kinh được nhân dân Thanh Hóa mang về dâng Người, như lời hứa thiêng liêng, khí phách, quyết tâm bảo vệ non sông Đất nước.

Tình yêu, lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho Đại tướng còn thể hiện qua những điều bình dị như ống cơm lam, sản vật của người dân Cao Bằng trong mâm lễ vật dâng Người. Là giọt nước mắt lặng lẽ của bà má miền Nam với chiếc khăn rằn lần đầu tiên được thắp hương lên mộ phần Đại tướng. Là bức tranh gốm sứ được ghép từ nhiều tấm hình nhỏ của Đại tướng do Đoàn đại biểu Đồng Nai dâng tặng. Là chiếc áo in hình Đại tướng trang trọng phía trái tim; là những hành động ý nghĩa của học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ cả nước hướng về Đại tướng để tự hào tiếp bước, vươn lên xây dựng đất nước mạnh giàu.

Trên quê hương Quảng Bình và khắp mọi miền Đất nước mặc dù do tình hình dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức được nhiều sự kiện tưởng nhớ Đại tướng. Thế nhưng trong lòng, tâm khảm của triệu người Việt luôn khắc ghi, tưởng nhớ người, Đại tướng luôn sống mãi trong lòng nhân dân, quân đội và bạn bè quốc tế.

 

 

 

Lưu Vinh

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn