(CLO) Nằm bên cạnh Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ, có một cây ổi kỳ lạ cứ hễ có người chạm vào lại rung rinh như đang ” khẽ cười”.
Dọc theo con đường đá dẫn vào Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) ngoài hai hàng tượng quan hầu và tượng các con vật: Nghê, Ngựa, Tê giác và Hổ được tạc bằng đá dựng lên giữa lối đi “thần đạo” thì bên phải Lăng gần 10m có một cây ổi dáng huyền, uốn lượn mang thế “rồng chầu”.
Theo người dân chia sẻ, cây ổi gần trăm năm tuổi, bốn mùa đều cho quả thơm ngon. Cây ổi cao hơn 3m, dài gần 5m, lá nhỏ 1 – 2cm với những cành chắc chắn uốn lượn như “chân rồng”.
Điều đặc biệt, cây ổi còn được mọi người truyền tai nhau là biết “cười”. Để thử nghiệm, chờ khi không có gió, cây lặng yên và nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay chạm vào thân cây, di di đầu ngón tay như thể đang gãi nhẹ.
Thật lạ, những chiếc lá nơi đầu nhánh cây ấy bỗng rung rinh, lay động nhè nhẹ, trong khi những lá trên những nhánh khác và cây cối xung quanh vẫn lặng im. Đặc biệt, mặc dù lá rung nhưng cành lại không rung kể cả những cành yếu ớt nhất.
Trao đổi với Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh chia sẻ, chỉ những cây ổi xung quanh lăng mộ vua Lê Thái Tổ thì mới biết “cười”. Ban Quản lý từng đem cành chiết của cây trồng ra ngoài khuôn viên khu lăng mộ thì không có hiện tượng đó.
Theo truyền ngôn của người cao niên trong vùng, nguồn gốc của cây ổi vốn do một người hảo tâm là ông Trần Hưng Dẫn (người ở Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định) trồng từ năm 1933.
Ông Trần Hưng Dẫn vốn hiếm muộn. Một ngày kia đến cầu tự trước mộ đức vua mà sinh được quý tử nên đã dành tiền của để sửa sang xây đắp lại khu mộ vua Lê Thái Tổ thêm khang trang, tôn nghiêm.
Chuyện về cây ổi biết “cười” bắt đầu từ nhiều năm về trước, do một du khách tình cờ phát hiện. Không chỉ “cười” khi có người chạm vào, cây ổi còn mang lại một cảm giác nhẹ nhõm khác lạ nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm.
Cũng theo Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh thông tin, năm 2008, Bộ Khoa học – Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trải qua gần 700 trăm năm tồn tại, di tích Lam Kinh có nhiều thời điểm bị tàn phá, hủy hoại gần như hoàn toàn. Ngày nay, Lam Kinh đã được tôn tạo, tu bổ và trở thành di tích quốc gia đặc biệt và trở thành một điểm du lịch nổi bật ở xứ Thanh.
Theo Congluan.vn
https://www.congluan.vn/ky-bi-cay-oi-biet-cuoi-o-khu-di-tich-lich-su-lam-kinh-post213876.html