Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW về tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách từng bước đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/06/2023 về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; Huyện uỷ Krông Pắc ban hành Chỉ thị số 33-CT/HU ngày 31/07/2023 của về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
NHCSXH huyện Krông Pắc tổ chức phiên giao dịch tại Điểm giao dịch xã hàng tháng
Trong thời gia qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Krông Pắc đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH) đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các chươngtrình cho vay theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ ngày càng đa dạng hơn, như đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững,… Theo thống kê, cho đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắc là 1.800 hộ, chiếm 3,48%; số hộ cận nghèo 1.537 hộ, chiếm 2,98% tổng sốhộ.
Đặc biệt, trong năm 2023 huyện Krông Pắc đã thực hiện tốt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng cho 119 hộ ĐBDTTS từ hai kênh đầu tư hạ tầng và kênh sự nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào.
NHCSXH huyện Krông Pắc giao ban cùng Hội đoàn thể, Tổ TK&VV tại UBND xã
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, PGD NHCSXH huyện cũng tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, Ban đại diện NHCSXH huyện ban hành một số văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Pắc và các tổ chức chính trị – xã hội đang quản lý 389 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ở các thôn, buôn, tổ dân phố đang hoạt động có hiệu quả; đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch cố định tại các xã, thị trấn.
Công tác giao dịch tại xã – giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Krông Pắc
Theo đó, tính đến 30/04/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 569 tỷ đồng, với hơn 14.500 hộ đang được thụ hưởng. Trong 10 năm qua từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn vay đã giúp cho 30.909 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hàng năm, NHCSXH huyện làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy – HĐND- UBND huyện trích một phần ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn với số tiền 14.7 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 13.3 tỷ đồng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện.
Để đạt được những kết quả đáng trân trọng đó, hàng năm NHCSXH huyện luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH huyện để cho vay nhằm giảm tải áp lực của Nhà nước về nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững. Cùng với đó nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
PV